MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Quốc hội: Tăng tuổi nghỉ hưu không phải vì người đương chức

14-08-2019 - 11:49 AM | Xã hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc tăng tuổi nghỉ hưu là thực hiện theo lộ trình, đến 2035, tức phải 15 năm nữa lao động nữ mới nghỉ hưu ở tuổi 60. Nên làm luật này không phải vì những người đương chức kéo dài thời gian làm việc.

Lấy ý kiến nhân dân

Tiếp tục phiên họp thứ 36, sáng 14/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, cả Chủ tịch Quốc hội và hai Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Uông Chu Lưu đều đề nghị tiếp tục lắng nghe, xin ý kiến nhân dân về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, đặc biệt là hai nội dung tăng giờ làm thêm và tăng tuổi nghỉ hưu.

Tăng giờ làm thêm và tăng tuổi nghỉ hưu tiếp tục là hai nội dung lớn được đưa ra xin ý kiến tại phiên họp. Do còn nhiều ý kiến khác nhau, lại gây tác động lớn đến hơn 50 triệu lao động cũng như đối tượng sử dụng lao động, nên Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đều đề nghị tiếp tục xin ý kiến người dân, những đối tượng chịu tác động trực tiếp để hoàn thiện, trước khi trình ra Quốc hội.

Liên quan đến giờ làm thêm, theo cơ quan thẩm tra, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, đồng thời trả tiền lương lũy tiến.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc kỹ điều này, vì việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn. Mặc dù vậy, vấn đề này còn ý kiến khác nhau từ phía Công đoàn, người lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp.

Nêu quan điểm về việc này, đa số các ý kiến Uỷ ban Thường vụ đều đề nghị cân nhắc việc tăng giờ làm thêm tối đa, vì như vậy là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ và mục tiêu “tăng lương giảm giờ làm” mà chúng ta đang hướng tới.

“Xu hướng tiến bộ là tăng lương giảm giờ làm, tại sao lại tăng giờ làm thêm? Người lao động cứ quần quật làm việc trong nhà máy 48 giờ/ tuần thì thời gian đâu để họ chăm sóc gia đình, con cái, chưa nói đến bản thân họ có được tái tạo sức lao động hay không”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phản ánh.

Tăng tuổi hưu tùy từng đối tượng

Về tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định nâng tuổi nghỉ hưu so với hiện hành.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, quá trình lấy ý kiến cũng cho thấy, dư luận người lao động (nhất là người lao động trực tiếp sản xuất, đứng máy dây chuyền… ở doanh nghiệp) chưa có sự đồng thuận cao về quy định tăng tuổi nghỉ hưu, đòi hỏi cần có thời gian để tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng khác nhau và quan tâm hơn công tác truyền thông trong thời gian tới.

Nói về việc này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải tính đến nhiều yếu tố, trong đó có sức khỏe người lao động, kinh tế thị trường, giải quyết việc làm và an sinh xã hội… Đặc biệt, việc tăng tuổi nghỉ hưu là thực hiện theo lộ trình, qua đó đến năm 2028 mới có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

“Tức là phải 15 năm nữa lao động nữ mới nghỉ hưu ở tuổi 60, chứ không phải chúng tôi làm luật này để tính ở lại đâu. Điều này không phải vì cho những người đương chức kéo dài thời gian làm việc”, bà Ngân nhấn mạnh, đồng thời đề nghị phải đánh giá tác động của từng đối tượng lao động cụ thể tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, để quy định cho phù hợp, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên