MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Kiểm soát nghiêm ngặt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất "bờ xôi ruộng mật"

29-10-2021 - 18:28 PM | Xã hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Kiểm soát nghiêm ngặt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất "bờ xôi ruộng mật"

Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết cần kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ, điều mà nhiều quốc gia phát triển cũng đang đề cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Quy hoạch được đánh giá cao về chất lượng. Trong quá trình xây dựng, cơ quan thẩm tra, Thường vụ Quốc hội và Chính phủ làm việc với rất nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đất đai, bao gồm lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường các thời kỳ và nhận được đánh giá rất tốt.

"Quy hoạch lần này được xây dựng trên phương pháp hiện đại, phương pháp mới như điều tra, định mức, tiếp cận hệ thống, dự báo…. Quy hoạch sử dụng một số kỹ thuật hiện đại, tiếp cận theo hướng quy hoạch vừa tĩnh vừa động, trên cơ sở xác định nguyên tắc mà trong này thể hiện là 3 ranh giới và 4 khu vực", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Theo Quy hoạch, "Ba ranh giới", (ranh giới nghiêm ngặt bảo vệ, bảo tồn gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất trồng lúa, hồ, ao, di tích lịch sử; ranh giới hạn chế phát triển như diện tích rừng tự nhiên, hành lang bảo vệ nguồn nước, đất ngập nước; ranh giới khuyến khích phát triển để chuyển đổi mục đích cho phát triển kinh tế, xã hội, huy động nguồn lực theo chế thị trường).

"Bốn khu vực" (khu vực bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; khu vực ổn định, hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất; khu vực cho phép chuyển mục đích sử dụng đất có điều kiện; khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất).

Chủ tịch Quốc hội cho biết quy hoạch sử dụng đất được xem xét trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các xu thế, triển vọng trong thu hút đầu tư, phát triển, phục hồi sau đại dịch. Việc xây dựng quy hoạch bán sát nguyên tắc quy hoạch động gắn với quy hoạch tĩnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ cần có báo cáo thêm các nội dung mà Uỷ ban Kiểm tra đã nêu ra.

"Chúng tôi cũng nói nhiều đến cơ sở dữ liệu về đất đai. Đây vừa là tồn tại nhưng cũng đặt ra yêu cầu là giải pháp tổ chức quy hoạch và kế hoạch 5 năm tới đây sao cho xây dựng được quy hoạch cơ sở đất đai như chúng ta đang làm với hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Dẫn chứng nhiều nước đã hiện thực hóa được hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai dựa trên công nghệ định vị vệ tinh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là chìa khóa để đảm bảo số liệu trong quy hoạch và trên thực tế đồng nhất.

Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phụ thuộc 2 việc, thứ nhất là công nghệ, thứ 2 là vấn đề điều tra đất đai và lập các hồ sơ địa chính về cơ sở dữ liệu đất đai. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là nguồn lực, cụ thể là nguồn lực tài chính nhất là những địa phương không tự túc được ngân sách. Việc đo đạc cũng cần kinh phí.

"Hiện nay, đang vướng cả về công nghệ lẫn tài chính. Chúng ta phải tính toán", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Vấn đề lớn của quy hoạch cũng được nhắc tới chính là đất lúa. Chúng ta có chủ trương là giữ ổn định 3,5 triệu ha. Hiện nay là 3.568.000ha đất lúa, cao hơn 68.000 ha theo mục tiêu mà nguyên tắc phải giữ. Tuy nhiên,trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa có nguyên tắc có thể chuyển đổi trở lại được đất trồng lúa nhưng cũng phải tùy thuộc vào điều kiện từng vùng, địa chất từng nơi.

"Tuy nhiên, với đất trồng 2 vụ lúa, bờ xôi ruộng mật, việc chuyển đổi mục đích sử dụng phải kiểm soát rất nghiêm ngặt. Ngay cả Nhật Bản cũng giữ đất này ghê lắm. Các nước phát triển cũng giữ", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.

Với đất khu công nghiệp, Quy hoạch thể hiện mức gia tăng lớn, nhiều hơn 120.000ha so với hiện tại. Trong khi đó, các địa phương mới chỉ thực hiện được 47% so với quy hoạch hiện hành. Chính vì thế, dư địa dành cho đất công nghiệp thời gian tới, bao gồm khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế suất, khu kinh tế, khu công nghệ cao – hạ tầng cho sản xuất – là rất lớn. Việc gia tăng diện tích này sẽ đáp ứng nhu cầu lâu dài rất quan trọng.

"Tuy nhiên, phải rà soát kỹ. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát kỹ, tránh chuyện hợp thức hóa điều chỉnh quy hoạch. Việc tăng lên (đất dành cho KCN) là cần thiết vì là hạ tầng sản xuất sẽ tạo ra công ăn việc làm, tăng sản lượng công nghiệp, GDP, thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu nhập cho người lao động….", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Linh Anh

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên