MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển: SHB là cô gái đẹp có nhiều chàng trai từ các quốc gia khác muốn kết hôn, ngân hàng chuẩn bị có một “chàng rể”

11-04-2023 - 16:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển

Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển

Các cổ đông đặt nhiều câu hỏi liên quan tới hoạt động kinh doanh, tăng vốn, đầu tư và bảo lãnh trái phiếu, giá cổ phiếu SHB.

Chiều ngày 11/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023.

Tại phần thảo luận của cổ đông với lãnh đạo ngân hàng, các cổ đông đã đặt nhiều câu hỏi liên quan tới hoạt động kinh doanh, tăng vốn, đầu tư và bảo lãnh trái phiếu, giá cổ phiếu…

Cổ đông hỏi, trong BCTC kiểm toán có khoản chứng khoán đầu tư 32.594 tỷ đồng, đề nghị lãnh đạo SHB làm rõ về con số này và những rủi ro về khoản đầu tư này?

TGĐ Ngân hàng bà Ngô Thu Hà trả lời, theo BCTC, chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán gồm 3 phần: trái phiếu chính phủ: 19.000 tỷ, trái phiếu của TCTD là 1.150 tỷ, trái phiếu tổ chức kinh tế (trái phiếu doanh nghiệp) 13.186 tỷ. Trái phiếu doanh nghiệp của SHB chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng xanh chiếm 60%, đã bắt đầu có dòng tiền. 40% còn lại là bất động sản trong các dự án khu công nghiệp và nhà ở, các dự án này đều có thanh khoản và đơn vị phát hành đều thanh toán đầy đủ cho SHB với kỳ hạn 3 – 5 năm.

Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển bổ sung thêm: Tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của SHB có tài sản đảm bảo đầy đủ và đã có dòng tiền. “SHB rất yên tâm về trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng nắm giữ. Ngân hàng không tham gia bảo lãnh thanh toán, chỉ tham gia dịch vụ đại lý nhưng rất ít”.

Phương án tăng vốn điều lệ năm nay chỉ mấy nghìn tỷ, tại sao không tìm đối tác chiến lược nước ngoài khi vẫn còn nhiều room ngoại để có thêm nguồn lực để tăng trưởng tín dụng và phát triển?

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển nói SHB từ trước tới nay luôn đang theo xu hướng "chung thuỷ" nhưng sẽ thay đổi chiến lược tìm kiếm cổ đông ngoại: “SHB là cô gái đẹp có nhiều chàng trai từ các quốc gia khác muốn kết hôn. Nhưng SHB ưu tiên các chàng trai thủy chung, nên mong muốn đối tác tham gia cùng quản trị điều hành và gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, qua gặp mặt các chàng rể thì các nhà đầu từ này chỉ có chiến lược đầu tư tài chính ngắn và trung hạn."

“Chung thủy 10 – 20 năm thì không có, nhưng chúng tôi đã tiếp xúc sâu hơn với các tập đoàn tài chính nước ngoài, chấp nhận họ chỉ đầu tư 3 – 5 năm rồi rút vốn” – ông nói với cổ đông, và cho biết thêm trong năm nay hoặc đầu năm sau SHB sẽ có một chàng rể ngắn và trung hạn. Và tất nhiên khi đó sẽ xin ý kiến cổ đông.

Cổ đông cũng hỏi vì sao SHB có vốn hóa thấp nhất trong nhóm 6 ngân hàng tư nhân lớn nhất? Mục tiêu giá trị vốn hóa của SHB thế nào?

Ông Hiển nói, cổ đông là người chủ của ngân hàng thì nên quan tâm ngân hàng làm ăn thế nào và sức khỏe thế nào. Nếu chúng ta chay theo giá trị vốn hóa thì có lúc chúng ta có nhiều tiền nhưng rủi ro là rất lớn. Khi đầu tư nên nhìn vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Ông Hiển cũng khuyên các nhà đầu tư rằng: “Trước khi quan tâm đến vốn hóa thì cần quan tâm đến cái ruột là sức khỏe tài chính doanh nghiệp có tốt, có khỏe không?.”

Cổ đông hỏi thêm: Lợi thế cạnh tranh của SHB là gì?

Ông Hiển: Chiến lược cạnh tranh là tìm và tạo ra sự khác biệt và do đó điều này không tiện chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên cổ đông hãy nhìn vào chiến lược và cách đi của SHB để thấy được sự khác biệt của SHB.

Ngân hàng đầu tư hơn 4.100 tỷ vào quyền sử dụng đất. Đề nghị làm rõ về hoạt động này?

Ông Hiển nói đây chỉ là giá trị trên sổ sách thôi. Các trụ sở, chi nhánh của SHB tại HN đều là do ngân hàng mua cách đây rất lâu. Cổ đông có thể tự đánh giá xem giá trị sinh lời của các bất động sản này.

Về vấn đề xây dựng trụ sở ngân hàng, SHB đã mua khu đất 31 – 33 Lý Thường Kiệt có diện tích 2.200m là đất thổ cư, đất ở lâu dài làm trụ sở. SHB đã xin phép các cơ quan quản lý xây cao tầng nhưng đang bị vướng thủ tục pháp lý. Năm nay sẽ chốt lại theo quy định là 8 tầng của cơ quan quản lý để xúc tiến xây dựng. Chậm nhất là năm sau sẽ khởi công xây dựng trụ sở chính tại Lý Thường Kiệt – Hà Nội.

Cổ đông hỏi: Năm nay ngân hàng có phương án phân chia 18% bằng cổ phiếu, trong bối cảnh giá cả tăng nhanh nên chăng chia cổ từ 5 – 6% bằng tiền mặt nhằm bù được phần trượt giá?

Ông Hiển nói: Ý kiến này sẽ lưu ý và tiếp thu. Nhưng chúng ta là người chủ của ngân hàng, luôn phải chăm lo nâng cao năng lực tài chính để yên tâm phát triển. Khi sức khỏe tăng lên thì giá trị vốn hóa của ngân hàng cũng tăng lên.

Kế hoạch năm 2023 nhưng dự kiến cổ tức giảm khi các chỉ tiêu tài chính khác như lợi nhuận, doanh thu tăng. Vì sao không đặt mục tiêu chia cổ tức cao hơn trong năm kỷ niệm 30 năm thành lập?

Ông Hiển trả lời: SHB dự kiến tín dụng tăng 14%, nếu doanh thu và lợi nhuận tăng thì ban lãnh đạo sẽ lắng nghe và đảm bảo lợi ích cổ đông. "Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì mức chia cổ tức bằng hoặc hơn năm nay. Nếu trong năm sau, sức khỏe tài chính được cải thiện chúng tôi sẽ phân tích và sớm trả lời cổ đông về vấn đề cổ tức bằng tiền mặt".

Tiến độ thương vụ bán SHB Finance và quá trình thanh toán của bên đối tác?

Ông Hiển cho biết: NHNN đã chấp thuận nguyên tắc chuyển nhượng và dự kiến trong tháng 4 sẽ thực hiện xong thủ tục, tháng 5 đối tác sẽ thực hiện giao tiền và sẽ đặt trước 50%; 3 năm sau sẽ trả nốt 50% còn lại và họ sẽ tham gia vào quản trị điều hành. Về giá trị bán thì theo thoả thuận không công bố được nhưng sẽ cao nhất trong số các thương vụ thoái vốn tại công ty tài chính Việt Nam cho nước ngoài.

Quang Hưng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên