Chủ tịch Sunhouse nói gì về việc 'gắn mác' hàng Việt?
Liên quan câu chuyện hàng hóa được lắp ráp từ linh kiện xuất xứ Trung Quốc sau đó dán mác hàng Việt rồi bán ra thị trường, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú.
- 25-06-2019Vụ Asanzo là làm giả nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm?
- 25-06-2019CEO Asanzo Phạm Văn Tam chính thức rời ghế “cá mập” trong Shark Tank Việt Nam
- 24-06-2019Asanzo phản hồi chính thức về vụ việc "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt", nhưng còn nhiều nghi vấn chưa được giải đáp
- 24-06-2019Thủ tướng yêu cầu xác minh thông tin Asanzo nhập hàng nước khác gắn nhãn Việt Nam
Ðạt tỷ lệ mới được dán mác hàng Việt
Sau sự việc Asanzo bị tố bán hàng lừa dối người tiêu dùng, ông nghĩ sao về xu hướng nhập khẩu linh kiện, thiết bị từ Trung Quốc về Việt Nam lắp ráp và gắn mác hàng Việt?
Về xuất xứ, theo Thông tư 05/2018 của Bộ Công Thương về xuất xứ hàng hóa, với hàng hóa có phần giá trị nội địa đạt từ 30% trở lên được xem là có xuất xứ tại một nước (nơi diễn ra công đoạn sản xuất, gia công, chế biến cuối cùng). Còn trụ sở chính và thương hiệu đăng ký bảo hộ ở quốc gia nào sẽ thuộc về quốc gia đó. Như Electrolux lập doanh nghiệp và đăng ký bảo hộ thương hiệu ở Thụy Điển nên gọi là thương hiệu của quốc gia này dù doanh số bán hàng ở Mỹ lớn gấp 10 lần Thụy Điển. Hay sản phẩm Panasonic, Sony dù doanh số ở Nhật rất nhỏ vẫn là hàng Nhật.
Với xu hướng toàn cầu hóa, chuỗi giá trị toàn cầu, việc một sản phẩm sử dụng linh kiện từ nhiều quốc gia rất phổ biến. Điều quan trọng, trong chuỗi sản xuất, ai sở hữu thương hiệu sẽ hưởng phần giá trị lớn nhất, còn giá trị sản xuất chỉ chiếm từ 10-30% giá trị. Chẳng hạn, một đôi giày Adidas, giá trị sản xuất chỉ 10 USD, nhưng bán 100 USD, chủ thương hiệu sẽ hưởng 80% giá trị, điều này tương tự với iPhone... Người sở hữu thương hiệu cũng là người chịu trách nhiệm sau cùng với khách hàng sử dụng sản phẩm.
Với Sunhouse, chúng tôi chia các loại sản phẩm rất rõ ràng. Sản phẩm nào có tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam theo quy định sẽ ghi mác “Made in Vietnam” và có nhãn Hàng Việt Nam chất lượng cao. Còn sản phẩm nào tỷ lệ nội địa hóa chưa đạt hoặc nhập khẩu nguyên chiếc sẽ ghi trên tem mác xuất xứ rõ ràng, thậm chí cả công ty sản xuất theo đơn hàng.
Vậy, Việt Nam cần có các khái niệm như hàng lắp ráp ở Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam, thay vì hàng Việt Nam rất chung chung?
Hiện các quy định, khái niệm đều có kể cả với Việt Nam hay các công ước quốc tế để dùng chung. Tuy vậy, có thể một số người, thậm chí ngay một số chủ doanh nghiệp cũng chưa hiểu hết quy định, dẫn tới sai sót. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ, mới khởi nghiệp, chưa đủ kinh nghiệm, bộ máy sẽ dễ dẫn tới sai sót, vi phạm. Tuy nhiên, đó là vi phạm không cố tình. Còn nếu biết vẫn vi phạm là chuyện khác, phải xử lý nghiêm.
Không thể mập mờ
Nếu hàng Việt Nam chất lượng cao, nhưng linh kiện lại chủ yếu nhập Trung Quốc, ông nghĩ sao?
Luật pháp đã quy định rõ xác định hàng hóa xuất xứ từ một quốc gia nên theo đó thực hiện, kể cả với hàng hóa sử dụng linh kiện Trung Quốc. Không phải chỉ vì 1 linh kiện Trung Quốc mà nói sản phẩm đó của Trung Quốc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, không chỉ Việt Nam sử dụng linh kiện sản xuất từ Trung Quốc. Vấn đề khi công bố thông tin, kiểm soát chất lượng phải rõ ràng, đảm bảo đúng quy định.
Vậy theo ông, hàng hoá sử dụng nhiều linh kiện Trung Quốc rồi dán mác hàng Việt có thể xem là mập mờ để lừa dối người tiêu dùng không?
Đó là sai. Nếu không đạt tỷ lệ nội địa hóa không thể dán mác hàng Việt. Đặc biệt, nếu các linh kiện đã dán nhãn “Made in China”, hay bất kể nước nào đó, phải để nguyên, không thể bóc đi rồi dán mác “Made in Vietnam” đè lên. Một sản phẩm được lắp ráp nhiều linh kiện từ nhiều nước thì mác trên linh kiện vẫn phải để thế, còn nếu lắp ráp xong đủ tỷ lệ nội địa hóa mới được dán thêm nhãn hàng Việt. Còn doanh nghiệp đúng sai ra sao cơ quan chức năng sẽ là người phân xử, kết luận.
Theo ông, trường hợp như của Asanzo hay Khaisilk trước đây ở Việt Nam có nhiều không?
Về nguyên tắc của sự phát triển, để có tích lũy, trước tiên vẫn là nhập khẩu và phân phối. Khi có kinh nghiệm, thị trường mới nâng dần tỷ lệ nội địa hóa và chuyển dần sang sản xuất. Do đó, cũng cần thời gian để chúng ta có những thương hiệu mạnh, với tỷ lệ nội địa hóa cao. Việt Nam đang phát triển, luật pháp đôi khi chưa đầy đủ, hiểu biết luật chưa hết, nên có thể có sai sót. Tuy vậy, cần phân biệt rõ giữa hành vi cố tình hay vô ý, để có cách ứng xử khác nhau, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, lớn mạnh. Nếu cố tình vi phạm phải lên án và xử lý nghiêm.
Cảm ơn ông