MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Uniqlo: 'Nhật Bản không nên hy sinh nền kinh tế để đấu lại Covid-19'

27-04-2020 - 10:06 AM | Tài chính quốc tế

Chủ tịch Uniqlo cho rằng khi các lệnh phong toả kéo dài quá lâu, chẳng ai kiếm được tiền thì chúng ta cũng không thể sống được.

Quản lý kinh doanh giống như đọc một cuốn sách ngược, Chủ tịch kiêm CEO Fast Retailing - chủ thương hiệu Uniqlo từng nói như vậy. Ông muốn nhấn mạnh rằng giá trị của việc biết kết quả trước khi quyết định cần phải làm gì trong hiện tại. Đó là triết lý hình thành nên tầm nhìn của ông về những hậu quả tiêu cực mà Covid-19 có thể gây ra.

Nền kinh tế toàn cầu đã buộc phải đóng cửa hoàn toàn khi chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của virus. Tuy nhiên, Yanai cảnh báo rằng làm như vậy có thể khiến nền kinh tế lâu phục hồi hơn và chịu tổn hại nhiều hơn.

Yanai thành lập nên thương hiệu Uniqlo vào năm 1984 và đã mở rộng đế chế Fast Retailing thành thương hiệu quần áo "mì ăn liền" lớn thứ 3 thế giới. Chủ tịch Yanai - người đã có kinh nghiệm dẫn dắt công ty vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng đã kêu gọi các doanh nghiệp nghĩ ra những cách tốt hơn để tiếp tục hoạt động trong khủng hoảng.

Dưới đây là bài phỏng vấn của ông với tờ Nikkei:

PV: Theo ông thì chính phủ Nhật Bản nên làm gì lúc này?

Chủ tịch Yanai: Thi hành những biện pháp triệt để mà không giết chết nền kinh tế là vấn đề rất quan trọng. Chính phủ cần kiểm tra từng người dân Nhật Bản và thông báo tình hình cho tất cả mọi người. Cũng cần phải kiểm tra kỹ lưỡng cả những người đến và đi khỏi đất nước nữa.

Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất của chính phủ là giúp những người đang đối mặt với những khó khăn về tài chính. Cần phải thiết lập ngưỡng để được giúp đỡ và nhanh chóng phân phối các khoản trợ cấp. Vai trò này nên giao cho các chính quyền địa phương.

Những thảo luận hiện tại chỉ tập trung vào viện trợ kinh tế. Tuy nhiên những nỗ lực này cần phải được đặt trong mối liên quan với sự phục hồi ngành công nghiệp. Chúng ta nên đầu tư như thế nào để chuẩn bị cho thế giới hậu Covid-19? Và dù sự thật là cần phải giúp những người có nhu cầu nhưng không phải tất cả mọi người đều chỉ nên mong chờ nhận tiền trợ cấp từ chính phủ. Chính phủ nên nói với công chúng rằng cần phải cân nhắc điều gì làm là tốt nhất.

Tôi nghĩ nhiều công ty Nhật Bản đang hoạt động giống như họ được điều hành bởi chính phủ vậy. Họ tập trung quá nhiều vào những lĩnh vực hào nhoáng như trí thông minh nhân tạo và máy tính. Chúng ta cần nghĩ về cách đóng góp thông qua những hoạt động chính của mình. Các nhà lãnh đạo kinh doanh cần dẫn đầu việc đưa ra giải pháp cho vấn đề này.

PV: Ông nghĩ sao về việc toàn cầu đang đẩy mạnh rút ngắn các hoạt động kinh tế?

Chúng ta không nên hy sinh cuộc sống cộng đồng và đặc biệt là kinh tế để đấu lại Covid-19. Nếu không ai kiếm được tiền, chúng ta cũng không thể sống được. Tại châu Âu, chỉ các cửa hiệu ở Thụy Điển được cho phép tiếp tục hoạt động. Ý tưởng là để giúp các công ty và cá nhân tự quyết định xem liệu họ có muốn hoạt động không và không cần đến sự can thiệp của chính phủ.

Tôi hiểu tại sao các chính phủ đang yêu cầu nhiều doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động để giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên các công ty có thể nghĩ ra những giải pháp tốt hơn. Họ cần nghĩ cách tiếp tục hoạt động kinh doanh trong khi sống cùng virus và ngăn chặn sự lây lan của nó. Nếu nền kinh tế sa sút, toàn xã hội sẽ thất bại. Đó là thực tế không thể tránh khỏi.

Phải rất mất rất nhiều thời gian để khôi phục lại nền kinh tế một khi nó bị dừng lại. Fast Retailing đã đóng 390 cửa hàng - tức là một nửa trong số các cửa hàng ở Trung Quốc trong thời điểm cao điểm dịch bệnh. Hầu hết đã mở cửa trở lại nhưng doanh thu chỉ bằng 60 -70% so với trước. Các khách hàng không quay lại cửa hàng vốn đã đóng cửa quá lâu. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với những ngành công nghiệp khác.

PV: Đây không phải là lần đầu tiên ông đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn trên phương diện nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Ông đã trải qua khủng hoảng tài chính năm 2008 và thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 như thế nào?

Sự lây lan của virus đã cho thấy cách thế giới kết nối sâu sắc như thế nào. Điện thoại thông minh là thứ phổ biến sau khủng hoảng Lehman Brothers vào năm 2008. Kể từ sau đó, nhiều người đã kết nối với phần còn lại của thế giới hơn nhờ sự nổi lên của Internet, AI và robot.

Virus corona là khủng hoảng có 1 không hai trong thế kỷ, giống như đại dịch cúm Tây Ban Nha. Suy thoái là điều không thể tránh được với những chính sách hiện tại. Quỹ tiền tệ đã dự báo sự sụt giảm kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái nhưng nhiều khả năng sẽ còn tồi tệ hơn thế.

PV: Dịch cúm Tây Ban Nha 1918 cũng kéo theo những thảm hoạ, như Đại suy thoái và chiến tranh thế giới II?

Chúng ta cần thừa nhận rằng dịch bệnh Covid-19 có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tồi tệ như vậy. Thế giới đang được kết nối. Bất kỳ ai có thể đi đến bất cứ đâu ở bất kỳ lúc nào. Đó là thực tế. Thế giới cần chung tay và thảo luận cách chấm dứt đại dịch này 1 lần và mãi mãi.

Theo Vân Đàm

Tổ quốc

Trở lên trên