Chủ tịch VCCI: Không chỉ “Made in Vietnam” hay “Make in Việt Nam”, chúng ta còn hướng đến “Created in Vietnam”
“Chúng tôi hoan nghênh, chào đón các công ty quốc tế sẽ đến và hợp tác trong chương trình chuyển đổi số và đầu tư vào Việt Nam các dự án kinh doanh dựa trên nền tảng kinh tế số - để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, để kích hoạt một làn sóng đầu tư FDI có chất lượng cao hơn vào Việt Nam để sáng tạo ra những sản phẩm mới ở Việt Nam - Created in Vietnam”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
- 24-08-2019Made in Vietnam: Sẽ có tiêu chuẩn rõ ràng hơn!
- 15-08-2019Theo dự thảo mới của Bộ Công thương, sản phẩm Samsung, Apple làm ra tại Việt Nam có được gắn "Made in Vietnam"?
- 15-08-2019Dự thảo hàng 'Made in Vietnam': Xoài Thái trồng ở Việt Nam là sản phẩm Việt
Phát biểu tại phiên toàn thể của Vietnam Business Summit 2019 chiều 16/10, ông Vũ Tiến Lộc nhận định: Việt Nam đã trở thành mẫu hình thành công của sự ổn định về kinh tế vĩ mô, và sự bứt phá về tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. “Việt Nam đã duy trì nhịp độ tăng trưởng trên dưới 7%/năm, cao nhất ASEAN, thuộc nhóm dẫn đầu châu Á, và đã vượt lên 10 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 là một kỳ tích”, Chủ tịch VCCI nói.
Nhưng điều quan trọng hơn, theo ông, là tiềm năng và triển vọng tăng trưởng trong những năm tới.Dự báo của các tổ chức quốc tế có uy tín đều đưa ra những con số lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 90% cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước tin rằng tình hình kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn trong thời gian tới. 130.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nay và 70% các doanh nghiệp FDI cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam.
“Cải cách thể chế được tăng tốc, hội nhập được thúc đẩy, niềm tin thị trường được củng cố, tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa, hệ sinh thái cho khởi nghiệp đang được hoàn thiện... Tất cả sẽ là điểm tựa và những cú hích cho phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam”, ông nhận định.
Mặt khác, với việc khởi động chương Chương trình hành động thực hiện chính phủ điện tử, xây dựng hạ tầng cho nền kinh tế số ở Việt Nam của Chính phủ, ông Lộc cho biết đã có một số kết quả tích cực.Theo đó, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin tăng tới 54 bậc trong bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019 với sự mở rộng của số lượng thuê bao di động và mức độ phổ cập internet được đánh giá cao.
“Đây là chỉ số quan trọng nhất báo hiệu sự bùng nổ của ngành công nghệ thông tin viễn thông cũng như triển vọng của ngành sản xuất phần mềm và các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong tất cả các ngành và lĩnh vực kinh tế”, ông Lộc nói và nhận xét đây là cơ hội to lớn cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Vấn đề về cải cách giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp.Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển mình trước cuộc cách mạng số. Mạng 5G cũng đang được các nhà mạng Việt Nam nghiên cứu triển khai tích cực. Các doanh nghiệp tiên phong đang đi đầu trong kinh tế số. Chương trình quốc gia về chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang được diễn ra.
“Chúng tôi hoan nghênh, chào đón các công ty quốc tế sẽ đến với Việt Nam và hợp tác với Việt Nam trong chương trình chuyển đổi số và đầu tư vào Việt Nam các dự án kinh doanh dựa trên nền tảng kinh tế số - để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, để kích hoạt một làn sóng đầu tư FDI có chất lượng cao hơn vào Việt Nam để sáng tạo ra những sản phẩm mới ở Việt Nam - Created in Vietnam chứ không chỉ ‘Made in Việt Nam’ hay ‘Make in Việt Nam’”, ông Lộc nhấn mạnh.