Chủ tịch VCCI: Tăng trưởng theo chiều rộng thì rất khó có thương hiệu lớn cỡ thế giới
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, khi tăng trưởng chiều rộng dựa vào tài nguyên và lao động giá rẻ thì rất khó để có những thương hiệu thực sự tầm cỡ quốc tế.
- 07-09-2017HSBC lạc quan dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt mức 6,8%
- 29-07-2017Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Tác động tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế
- 21-07-2017Điều hành giá phải hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế
Sinh năm 1959 tại Thái Bình, ông Vũ Tiến Lộc làm Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VCCI từ năm 2004.
Ông Lộc chính là người đã cùng các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chọn 13/10 hàng năm là ngày doanh nhân Việt Nam. Ông Lộc cũng đã từng nghiên cứu và tích cực phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp và doanh nhân.
Ông Lộc cũng là người đầu tiên đưa ra thông điệp "Doanh nhân - người lính thời bình" để tôn vinh các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Nhân dịp ngày doanh nhân 13/10, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Tiến Lộc - để hiểu hơn vai trò và những thách thức của doanh nhân trong bối cảnh mới.
Là người có nhiều gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp, ông nhận thấy thế nào về vai trò đội ngũ doanh nhân trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay?
Có thể khẳng định công cuộc hội nhập quốc tế chính là việc của doanh nhân, doanh nghiệp. Chính phủ là người định hướng, hỗ trợ, tạo ra môi trường tốt cho các doanh nghiệp… Còn việc thành bại trong hội nhập là cho chính đội ngũ doanh nhân làm nên.
Sau một quá trình cải cách mở cửa 30 năm đến nay, đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành hơn rất nhiều. Việc hình thành đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo, vững vàng là thành quả quan trọng nhất của chúng ta.
Doanh nghiệp Việt đã dày dạn hơn rất nhiều trên thương trường. Mở cửa hội nhập buộc doanh nghiệp phải cạnh tranh ngay chính trên thị trường nội địa. Chính thành tích tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian qua đã cho thấy sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân.
Doanh nhân Việt Nam - họ cũng là những người có đầy nặng lượng, có tinh thần sáng tạo. Chính phẩm chất này rất phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế mới, nền kinh tế thông minh. Tôi rất hy vọng đội ngũ doanh nghiệp Việt có những bước đột phá hơn trong thời gian tới.
Chúng ta đang chuẩn bị cho APEC. Với sự kiện rất lớn này, sắp tới Việt Nam sẽ là nơi hội tụ của những người kiến tạo ra nền kinh tế thế giới, khu vực. Các CEO hàng đầu thế giới, khu vực cũng sẽ có mặt ở Việt Nam. Đây chính cơ hội doanh nghiệp tiếp cận, học hỏi, tham gia thảo luận chính sách trên phạm vi toàn cầu, tăng cường khả năng kết nối.
Sau hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC lần này, Việt Nam và các nền kinh tế thành viên sẽ tạo ra những động lực mới cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Còn nờ năm 2006, sau khi chúng ta tổ chức thành công APEC, nền kinh tế có mức tăng trưởng khá mạnh những năm sau đó. Tôi hy vọng lần này cũng vậy...
Theo ông phát triển bền vững có phải là yếu tố quyết định đối với các doanh nghiệp trong "cuộc chơi" lớn toàn cầu này?
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đã tiếp cận phương thức phát triển bền vững. Việc các doanh nghiệp đang tiếp cận chuẩn mực toàn cầu, đặc biệt là chuẩn mực về phát triển bền vững là tín hiệu rất phấn khởi.
Nhưng tôi nhấn mạnh không chỉ doanh nghiệp lớn, mà các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ cũng phải tiếp cận theo cách thức này. Chỉ bằng cách phát triển bền vững thì các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ mới lớn được.
Một doanh nghiệp rất lớn mà không đạt được chuẩn phát triển bền vững thì nguy cơ đổ sụp trong tương lai là có thể. Trong khi đó các doanh nghiệp dù nhỏ lại có thể lớn mạnh lên khi đáp ứng được tiêu chuẩn phát triển bền vững. Đạt chuẩn bền vững sẽ là yếu tố quyết định sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Với mô thức phát triển này, sự tăng trưởng của nền kinh tế hôm nay không ảnh hưởng tới mai sau theo kiểu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.
Vì sao Việt Nam có rất ít thương hiệu mang tầm quốc tế thưa ông?
Phải thừa nhận một điều chúng ta có nhưng không nhiều. Thời gian vừa qua cơ hội kinh doanh Việt Nam khá lớn. Cơ hội tăng trưởng chiều rộng lớn. Chính vì vậy sự phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Khi tăng trưởng chiều rộng dựa vào tài nguyên và lao động giá rẻ thì rất khó để có những thương hiệu thực sự.
Số lượng các doanh nghiệp Việt được thế giới tôn vinh, ghi nhận xếp hạng còn quá ít. Như vậy, bên cạnh thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì việc xây dựng thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp lớn là yêu cầu quan trọng… Các doanh nghiệp này phải hình thành theo xu hướng cạnh tranh, hình thành dựa trên nền tảng công nghệ chứ không phải nhờ khai thách tài nguyên hay lao động giá rẻ…
Đã qua rồi thời dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ và đánh đổi môi trường. Kinh tế thế giới đang bước vào kỷ nguyên phát triển thông minh và nhân văn, làm giàu bằng cách phụng sự xã hội, bảo toàn thiên nhiên, chăm lo đến người lao động, quan tâm phát triển cộng đồng.
Vốn, thị trường có phải những khó khăn lớn đối với doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận phát triển bền vững không, thưa ông?
Tôi nghĩ vốn, công nghệ chỉ là một vấn đề. Vấn đề như tôi đã từng nói, chính việc đầu tư phát triển bền vững sẽ là cơ hội thị trường lớn cho các doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp huy động được vốn đầu tư.
Các doanh nghiệp nếu không phát triển bền vững rất khó tiếp cận nhà đầu tư và khách hàng. Phát triển bền vững không phải "phú quý sinh lễ nghĩa" mà đấy chính là lợi ích cho chính các doanh nghiệp.
Phải nói rằng phát triển bền vững và đạt các chuẩn mực phát triển bền vững chính là giấy thông hành cho doanh nghiệp có thể vào thị trường thế giới. Cho nên quy mô thị trường, khả năng huy động nguồn lực tùy thuộc rất nhiều vào phương thức phát triển bền vững của doanh nghiệp,
Nhà đầu tư, người tiêu dùng giờ khắt khen hơn rất nhiều, khó tính hơn rất nhiều. Một trong các tiêu chuẩn quan trọng để họ quyết định đầu tư hay sử dụng chính là sự bền vững.
Chính phủ đã có chương trình phát triển bền vững, hướng doanh nghiệp phát triển theo mô hình bền vững. Trong quá trình đó, việc chia sẻ thông tin, giới thiệu mô hình bền vững là hoạt động rất thiết thực. Người ta có thể hiểu lợi ích của bền vững, nhưng nhiều người trong số đó không biết sẽ phải làm thế nào cả.
Thưa ông, hội nghị APEC sắp tới đề cập tới những thách thức nào đối với doanh nghiệp?
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới của kinh tế thế giới. Đó là xu hướng toàn cầu hoá và sự tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạnh công nghệ 4.0. Chính điều này đang tạo nên môi trường kinh tế mới, những phương thức kinh doanh mới.
Trước đây, thị trường thế giới do một số doanh nghiệp lớn chi phối, giờ là hạng vạn hàng vạn doanh nghiệp, trong đó rất nhiều siêu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Với phương thức mới, một doanh nghiệp siêu nhỏ ngồi ở Tây Nguyên vẫn tương tác được với thế giới, cung ứng sản phẩm ra thế giới.
Công nghệ là nền tảng cho doanh nghiệp lớn lên, thâm nhập trị tường toàn cầu. Do vậy, nội dung thảo luận ở APEC năm nay là làm thế nào để quốc tế hoá được doanh nghiệp. Trong quá trình này, cần phải có nỗ lực của doanh nghiệp trong việc nâng mình lên.
Ngoài ra, vấn đề tiếp cận tài chính đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang rất quan trọng, không chỉ riêng Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu. Một trong những nội dung thảo luận tại APEC lần này là làm sao để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được tài chính.
Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang có nhiều biện pháp thúc đẩy vấn đề này bằng cách khuyến khích ngân hàng cung ứng tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tìm cách để hạ thấp lãi suất cho vay.
Có thể khẳng định rằng sẽ cần khoảng thời gian khá dài mới khắc phục được những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguồn vốn doanh nghiệp hiện nay dựa vào nhiều hệ thống ngấn hàng. Vốn tự có của doanh nghiệp tương đối hạn chế. Những doanh nghiệp này thường không có tài sản thế chấp bảo đảm. Trong khi ngân hàng dựa chủ yếu vào việc thế chấp này.
Chính vì vậy, Chính phủ đang khuyến khích chủ trương cho vay theo cơ sở tín chấp, lịch sử tín dụng của doanh nghiệp… Kỳ vọng những cách thức đó sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ giải quyết được vấn đề tài chính. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh thêm rằng bản thân các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để tăng cường số vốn tự có.
Ngoài câu chuyện vốn hay thị trường, điều mà nhiều doanh nghiệp lo ngại chính là những rào cản từ hàng loạt những điều kiện kinh doanh rườm rà, phi lý mà chúng ta vẫn gọi là "giấy phép con"?
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2020 trở thành một trong 3 nền kinh tế có thể chế cạnh tranh nhất khu vực ASEAN. Để đạt mục tiêu này, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác là cắt giảm các giấy phép con rườm rà, rắc rối , phi lý. Đó là yêu cầu để đạt chuẩn của ASEAN.
Tôi nghĩ đây không phải là sự lựa chọn muốn hay không muốn mà đó là con đường tất yếu phải làm. Với những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành hiện nay, tôi tin rằng mục tiêu giảm được 30-50% điều kiện kinh doanh là hoàn toàn khả thi.
Vừa qua, Bộ Công thương đã chủ động đề xuất cắt bỏ tới 675 điều kiện kinh doanh. Đây cũng là bộ đang dẫn đầu về số lượng giấy phép con nên việc giảm hàng loạt như vậy cũng là hợp lẽ. Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh hành động quyết liệt này của Bộ trưởng Bộ Công thương. Hy vọng vcác đề án cụ thể để thực hiện hoá việc cắt giảm này sẽ được thực hiện ráo riết.
Cởi trói cho doanh nghiệp đang là yêu cầu quan trọng nhất hiện nay. Trong đó, việc loại bỏ rào cản từ giấy phép con là giải pháp rất quan trọng. Không chỉ Bộ Công thương mà các bộ ngành khác cũng cần có những động thái tương tự...
Xin cám ơn ông về cuộc chia sẻ này!
BizLive