Chủ tịch VietinBank đề xuất cho ngân hàng giữ lại toàn bộ lợi nhuận 5 năm tới để tăng vốn
Ngoài ra, ông Trần Minh Bình cũng đề xuất Luật hóa Nghị quyết 42 tạo hành lang pháp lý, cơ chế cho hoạt động xử lý nợ.
- 08-01-2024Chủ tịch Agribank: Để cổ phần hóa, ngân hàng sẵn sàng bàn giao 29 mảnh đất còn vướng mắc
- 08-01-2024Giá USD tự do bất ngờ tăng vọt
- 08-01-2024Bất ngờ với nợ xấu của Big 4 ngân hàng
Sáng ngày 6/1, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Chủ tịch HĐTQ VietinBank Trần Minh Bình cho biết, ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm phát huy vai trò là NHTM Nhà nước chủ lực, trụ cột, tiên phong trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. Dư nợ tín dụng của VietinBank được thúc đẩy ngay từ đầu năm, luôn giữ mức cao hơn so với bình quân toàn ngành. Đến cuối năm đạt 15,6%, tương đương đóng góp thêm gần 200 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế. VietinBank đã triển khai các chính sách của Chính phủ và NHNN, như chương trình hỗ trợ lãi suất theo Thông tư 03 của NHNN với dư nợ hỗ trợ lãi suất 12 nghìn tỷ đồng, là ngân hàng có dư nợ hỗ trợ lãi suất cao nhất so với các ngân hàng thương mại khác. Bên cạnh đó, VietinBank cũng thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN; Tập trung đẩy mạnh cho vay lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ với dư nợ chiếm khoảng 40% tổng dư nợ.
Chủ tịch VietinBank cũng cho biết đã tiết giảm chi phí hoạt động theo chỉ đạo của NHNN với tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) ở mức 28% thuộc nhóm thấp nhất ngành, quản trị chi phí vốn hiệu quả, tạo cơ sở để VietinBank thực hiện 5 đợt giảm sàn lãi suất cho vay.
Với tình hình thực tế 2024, ông Trần Minh Bình dự báo sẽ vẫn còn nhiều thách thức và diễn biến khó lường, mặc dù NHNN và toàn bộ hệ thống Ngân hàng đều đang đẩy mạnh tín dụng lành mạnh, tăng trưởng hiệu quả cho nền kinh tế, với cơ chế tín dụng được đổi mới, mức tăng trưởng tín dụng được giao cho các TCTD ngay từ đầu năm. Song song với giải pháp của ngành Ngân hàng, để việc tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế đạt mục tiêu đề ra, VietinBank kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, phối hợp Bộ Tư pháp để sửa đổi, bổ sung rút gọn thủ tục phê duyệt dự án đầu tư bất động sản; UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện giải quyết các vướng mắc trong phê duyệt, trình phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VietinBank kiến nghị tạo điều kiện cho VietinBank cũng như các NHTM Nhà nước tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính. Hiện tại VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trên cơ sở đó, VietinBank đề xuất các Cơ quan có thẩm quyền cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; Phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Việc xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nợ xấu có nguy cơ tăng do các doanh nghiệp gặp khó khăn, mà phần lớn nguyên nhân do phải chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài (đại dịch Covid 19, các cuộc xung đột Nga-Ukraine, tại Trung Đông đẩy phí nguyên liệu lên rất cao, làm tăng chi phí doanh nghiệp), làm suy giảm khả năng trả nợ. Qua đó có thể thấy vấn đề nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế, không chỉ của riêng ngành Ngân hàng. Tuy nhiên để nợ xấu được xử lý có hiệu quả rất cần sự phối hợp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ các ngành, các cấp.
Chủ tịch VietinBank cho rằng, sự đời của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới xử lý nợ xấu, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ góp phần tích cực trong kết quả thu hồi nợ của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên đến nay Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực, sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý lớn, gây khó khăn cho việc xử lý nợ của các TCTD. Do vậy, ngân hàng đề xuất Luật hóa NQ42 tạo hành lang pháp lý, cơ chế cho hoạt động xử lý nợ.