MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Viettel Tào Đức Thắng dùng ChatGPT để soạn bài phát biểu, muốn Viettel AI hướng tới mục tiêu mỗi người dân Việt Nam có 1 trợ lý ảo

13-08-2024 - 09:35 AM | Doanh nghiệp

Chủ tịch Tào Đức Thắng cho biết, Viettel AI đã nghiên cứu thành công trợ lý ảo cho cán bộ công chức, viên chức Việt Nam, dựa trên ngôn ngữ Việt Nam, dữ liệu Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ 1 triệu công chức trên cả nước và hướng tới mục tiêu mỗi người dân Việt Nam sẽ có một trợ lý ảo.

Ngày 12/8 vừa qua, tại sự kiện 10 năm thành lập Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel (Viettel AI), Chủ tịch tập đoàn Tào Đức Thắng cho biết đã yêu cầu ChatGPT chuẩn bị bài phát biểu cho mình.

"Hôm nay, chúng ta cùng nhau tụ hội tại đây để kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Trung tâm Dịch vụ Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo - Viettel AI. Đây là một cột mốc không chỉ đánh dấu sự phát triển và trưởng thành vượt bậc của chúng ta trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo mà còn thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Viettel trong việc tiên phong áp dụng công nghệ cao vào thực tiễn, góp phần xây dựng một tương lai số cho Việt Nam.

Thưa các đồng chí,

Cách đây 10 năm, khi Viettel AI được thành lập, chúng ta đã phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn. Nhưng với tinh thần quyết tâm, sáng tạo và đoàn kết, chúng ta đã vượt qua mọi trở ngại để vươn lên trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam và trong khu vực. Những thành tựu chúng ta đạt được không chỉ là kết quả của sự lao động miệt mài mà còn là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược và sự chỉ đạo đúng đắn của ban lãnh đạo, cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đối tác và khách hàng."

Ông Thắng cho biết, đoạn phát biểu trên được ChatGPT thực hiện chỉ trong vài giây.

Từ đây, ông Thắng cho rằng trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo là cốt lõi của các công nghệ cốt lõi, là nền tảng quan trọng để chuyển tiếp thế giới thực và thế giới ảo trong tương lai của loài người. Ngày nay, trí tuệ nhân tạo đã phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trong cuộc sống. Thị trường và khả năng ứng dụng đã rất rộng mở, nhu cầu xuất hiện ngày càng nhiều.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Viettel, đó là một điều kiện thuận lợi cho Viettel AI nhưng cũng chính là thách thức khi sẽ có nhiều cá nhân, nhiều tổ chức cùng tham gia phát triển ứng dụng. Viettel AI sẽ gặp phải sự cạnh tranh rất mạnh mẽ ở quy mô toàn cầu ngay tại Việt Nam từ những cá nhân, những tổ chức nhỏ đến những công ty công nghệ xuyên biên giới. 

Chủ tịch Viettel Tào Đức Thắng dùng ChatGPT để soạn bài phát biểu, muốn Viettel AI hướng tới mục tiêu mỗi người dân Việt Nam có 1 trợ lý ảo- Ảnh 1.

Viettel AI là gì?

Cách đây 10 năm, ngày 14/8/2014, Viettel tái cấu trúc lực lượng Phòng An toàn thông tin Tập đoàn, thành lập Ban Dự án Tường lửa Quốc gia với 4 thành viên và nhiệm vụ lớn nhất, phức tạp nhất là xây dựng một hệ thống lắng nghe thông tin dư luận, kiểm soát việc truy cập Internet cho toàn bộ Việt Nam, phát hiện các cuộc tấn công mạng diện rộng, góp phần bảo vệ biên giới quốc gia trên không gian mạng.

Chưa đầy một năm sau, tháng 6/2015, Ban Dự án Tường lửa Quốc gia được đổi tên thành Trung tâm Không gian mạng Viettel và gánh vác thêm trọng trách mới là nghiên cứu, phát triển hệ thống tìm kiếm Search Engine với mục tiêu đặt ra là thay thế được hệ thống tìm kiếm của Google và trở thành công cụ tìm kiếm số 1 Việt Nam.

Từ chỗ là một ban ra đời để thực hiện một dự án cụ thể, Trung tâm Không gian mạng Viettel đã liên tục được giao những nhiệm vụ thách thức, nhờ vậy mà tầm vóc và vị thế cũng lớn dần lên trong suốt 01 thập kỷ qua. Đến tháng 11/2023, Tập đoàn thành lập Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Mỗi tên gọi ở mỗi giai đoạn là sự khẳng định năng lực, và là kỳ vọng, niềm tin của cả Tập đoàn đặt lên gần 300 thành viên của Viettel AI.

Viettel AI đã làm ra những sản phẩm mà ban đầu ai cũng nghĩ là bất khả thi và nên đi mua của nước ngoài dù giá rất cao. Minh chứng rõ nhất là hệ thống chặn lọc tin nhắn rác thông minh đầu tiên tại Việt Nam - Viettel Antispam SMS, sau đó cải tiến lên chặn cuộc gọi rác Antispam Call.

Viettel cũng là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công và làm chủ công nghệ của hệ thống giám sát chất lượng mạng di động Data Monitoring, giúp Viettel có thể hiểu trải nghiệm của từng khách hàng về dịch vụ của mình, từ đó tìm ra giải pháp tối ưu hóa mạng lưới và thiết kế dịch vụ phù hợp với thói quen, sở thích của người dùng. Để hoàn thiện hệ thống này, Viettel đã đầu tư 3 triệu USD, nhưng nếu chấp nhận mua của đối tác nước ngoài, mức giá phải bỏ ra tới 25 - 26 triệu USD, tức gấp hơn 8 lần.

Chủ tịch Viettel Tào Đức Thắng dùng ChatGPT để soạn bài phát biểu, muốn Viettel AI hướng tới mục tiêu mỗi người dân Việt Nam có 1 trợ lý ảo- Ảnh 2.

Đón được dòng chảy công nghệ và nhận thấy được tầm quan trọng của các hệ thống tính toán với sự lớn mạnh thần tốc của trí tuệ nhân tạo, năm 2020, Viettel đã quyết định đầu tư hệ thống tính toán hiệu năng cao đạt 20 triệu tỷ phép tính/giây - cao nhất thời điểm đó và chưa có công ty nào ở Việt Nam có thể đầu tư. Nhờ hạ tầng vượt trội này, các kỹ sư của Viettel AI có thể huấn luyện nhiều mô hình AI đồng thời và liên tục cải tiến chất lượng, rút ngắn thời gian nghiên cứu tới hàng chục lần.

Tiêu biểu có thể kể tới là mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt 7 tỷ tham số, công nghệ nhận dạng chữ viết tiếng Việt, công nghệ nhận dạng người và phương tiện giao thông, công nghệ nhận diện sinh trắc học, công nghệ phân tích dữ liệu lớn, công nghệ điều khiển robot, công nghệ bản sao kỹ thuật số,…

Các sản phẩm công nghệ của Viettel AI đã vượt ra khỏi nội bộ Tập đoàn, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ ban ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trên cả nước tin tưởng, sử dụng ngày càng nhiều, đóng góp không nhỏ vào công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Có thể nhắc tới như: Hệ thống truyền thông chủ động giúp lắng nghe mạng xã hội cho Tổng Cục chính trị; hệ thống Nền tảng tác chiến trên không gian mạng cho Bộ Tư lệnh 86; phần mềm tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cho UBND TP.HCM.

Đặc biệt phải kể tới Trợ lý ảo pháp luật đầu tiên ở Việt Nam, sở hữu hệ thống tri thức pháp luật lớn nhất, phục vụ 100% cán bộ công chức của ngành tòa án, giúp giảm 30% khối lượng công việc và thời gian. Viettel AI cũng nghiên cứu thành công trợ lý ảo cho cán bộ công chức, viên chức Việt Nam, dựa trên ngôn ngữ Việt Nam, dữ liệu Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ 1 triệu công chức trên cả nước và hướng tới mục tiêu mỗi người dân Việt Nam sẽ có một trợ lý ảo.



Theo Hà My

Đời sống pháp luật

Trở lên trên