MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VSC: Hanjin chỉ góp 3-5% doanh thu, ảnh hưởng không đáng kể tới Viconship

05-09-2016 - 15:04 PM | Doanh nghiệp

Hanjin hãng tàu mới vào và chỉ chiếm thị phần nhỏ ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Hanjin mới trở thành khách hàng của Viconship cách đây 3-4 tháng. Chỉ góp 3-5% doanh thu và công nợ tồn đọng thấp, Hanjin phá sản không gây ảnh hưởng đáng kể tới Viconship.

Sự kiện hãng tàu lớn thứ bảy thế giới và lớn nhất Hàn Quốc Hanjin đệ đơn lên tòa án Hàn Quốc xin phá sản gần đây được ví như sự sụp đổ của Lehman Brothers trong ngành vận tải biển thế giới. Không có người trả phí phục vụ tại cảng, các tàu hàng của Hanjin đã không được cập cảng hay bốc dỡ hàng hóa. Khi Hanjin tuyên bố phá sản, còn khoảng 540.000 container hàng hóa vẫn đang “mắc kẹt”.

Đánh giá về tác động của sự kiện này đối với ngành cảnh biển, một chuyên gia phân tích trong ngành này nhận định hoạt động kinh doanh các cảng biển sẽ không chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi sự kiện mà chủ yếu liên quan đến công nợ. Các chủ hàng sẽ chuyển hàng sang các hãng tàu khác cho nên lượng hàng sẽ chỉ giảm đi trong ngắn hạn. Vị chuyên gia này cho biết các cảng biển ở Việt Nam hầu hết chốt công nợ với các hãng tàu theo tháng. Do đó, rủi ro sẽ chỉ gói gọn trong một tháng doanh thu nên công nợ của tháng 8 có khả năng là sẽ không thu hồi được. Đến thời điểm hiện tại, các cảng biển đã ngừng phục vụ Hanjin.

Chia sẻ với phóng viên NDH về ảnh hưởng của sự kiện “rúng động” ngành vận tải biển trên, ông Nguyễn Việt Hòa, Chủ tịch HĐQT CTCP Container Việt Nam ( Viconship, VSC-HoSE) cho biết tác động của sự việc này đến Viconship là không đáng kể.

Hanjin chỉ mới vào cảng Green Port của Viconship được 3 - 4 tháng gần đây. Ông Hòa cho biết trong bốn tháng vừa rồi Hanjin duy trì 1 tàu vào mỗi tuần. Hanjin góp khoảng 3-5% doanh thu. Khi hãng tàu này không vào nữa, Viconship sẽ bớt đi một khách hàng. Tuy nhiên ảnh hưởng là không đáng kể.

Do điều khoản thanh toán nên Hanjin vẫn còn tồn công nợ tại Viconship. Con số nợ của hãng tàu này tại Viconship hiện nay được ông Hòa cho biết là khoảng 1 - 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, Viconship hiện đang giữ 500-700 container hàng, trị giá khoảng hơn triệu USD, ông Hòa cũng cho biết thêm.

Theo Chủ tịch Viconship, Hanjin là hãng tàu mới vào và chỉ chiếm thị phần nhỏ ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Thực tế, hàng tàu này đã vào miền Bắc trước đó nhưng ngừng một năm rưỡi và mới trở lại hồi tháng 2/2016.

Ông Đỗ Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gemadept (mã GMD -HoSE), cũng cho biết không chịu ảnh hưởng gì từ "sự cố" của Hanjin. Hiện Gemadept không làm việc với hãng tàu này.

Tại Việt Nam, Hanjin là một trong những hãng tàu đầu tiên bỏ vốn vào thị trường cảng biển. Hãng tàu này đang góp vốn liên doanh tại Cảng quốc tế Tân Cảng – Cái Mép, một liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn với ba hãng tàu bao gồm Mitsui O. S. K. Lines (Nhật Bản), Hanjin Shipping (Hàn Quốc), và Wanhai Shipping (Đài Loan).

Được biết, Hanjin Shipping trước đây có trên 20% vốn tại cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép, nhưng đã bán lại cho Hanjin Transportation.

Hoạt động vận tải biển thế giới đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Được biết, tổng công suất vận tải tàu biển (hàng container) thừa khá nhiều so với nhu cầu sử dụng, khiến giá vận chuyển hàng có thời điểm ở mức thấp nhất trong 7 năm.

Giá dầu thế giới đã giảm đến đáy và có xu hướng tăng trở lại. Một số bên phân tích trong ngành vận tải biển từng đưa ra dự báo về xu hướng hợp nhất, phá sản của các hãng tàu cho đến khi lượng cung giảm đến mức bắt đầu có lợi nhuận trở lại. Những ngày qia, khi thông tin về việc Hanjin đệ đơn xin phá sản được công bố, chỉ số BDI đã tăng 9 điểm, lên 720 điểm chỉ sau ba ngày.

Diễn biến chỉ số BDI trong 5 năm trở lại đây

Theo Thanh Thủy

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên