Chưa biết lấy tiền đâu cho vay mua nhà ở xã hội lãi suất 4,8%
Quyết định của Thủ tướng về cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm khiến người dân kỳ vọng tuy nhiên khi nhu cầu của khách thì nhiều nhưng ngân hàng vẫn "chưa biết lấy tiền đâu cho vay", khi nào có...
- 03-06-2016Người mua nhà ở xã hội “hóng” chính sách hỗ trợ mới
- 02-04-2016Dân mua nhà ở xã hội cầu cứu Bí thư Thăng
- 31-12-2015Vay mua nhà ở xã hội được hưởng lãi suất 5%/năm từ 2016
Ngày 06/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1013/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi của NHCSXH đối với các đối tượng quy định tại Nghị định sẽ là 4,8%/năm, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Quyết định này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2016 và được áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016. Như vậy, song song với quyết định kéo dài thời hạn giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng tới cuối năm 2016 vừa được NHNN công bố thì những người lao động có thu nhập thấp sẽ có thêm sự lựa chọn vay vốn tại NHCSXH với mức lãi suất thấp hơn gói vay 30 nghìn tỷ đồng ở các NHTM là 0,2%/năm.
Ngày 8/6, NHCSXH cho biết, hiện nay ngân hàng đã chuẩn bị về nhân lực và xây dựng các quy trình nội bộ sẵn sàng thực hiện chương trình Nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 ngay sau khi được Nhà Nước bố trí nguồn vốn.
Tuy nhiên vẫn còn không ít băn khoăn vì thời gian áp dụng mức lãi suất này chỉ trong khoảng 6 tháng.
Anh Nguyễn Tuấn Ngọc, Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông NHCSXH cho biết, hiện nay nhu cầu của khách thì nhiều nhưng ngân hàng vẫn chưa có vốn để triển khai chương trình, chưa biết nguồn vốn bao nhiêu, khi nào có.
“Để khách hàng có thể tiếp cận được vốn phụ thuộc rất nhiều vào các Bộ ngành liên quan. Ngân hàng vẫn đang còn tiếp tục đợi những văn bản hướng dẫn triển khai từ Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư… “, anh Ngọc cho hay.
Ông Trần Ngọc Quang - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay là việc Chính phủ sẽ cấp vốn như thế nào cho NHCSXH để cho người dân vay, bởi theo ông Quang các Bộ, ngành liên quan đang gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ này.
Mặt khác, từ chính sách đến thực hiện là một khoảng cách, cần sự nỗ lực mạnh của cả Chính phủ và NHCSXH.
Điều đó cũng có cơ sở khi Bộ Tài chính cho biết, dự kiến đến tháng 7-2017, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA, mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với mức lãi suất cao. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi, hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm tới là rất lớn.
Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, quyết định này cũng không có gì bất ngờ vì nó nằm trong Luật Nhà ở, Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý Nhà ở xã hội, cũng như chủ trương chung để nối sau vụ gói 30.000 tỷ .
Theo chuyên gia, đây là quyết định đúng đắn, kịp thời tạo ra niềm tin cho người dân, tạo sự kết nối chính sách đồng bộ, liên tục.
Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng, cái khó hiện nay là nguồn vốn, cho nên Nhà nước vẫn đang nợ NHCSXH một số khoản tiền.
“Hiện nay chúng ta đang có một cái khó lớn nhất là nợ công đã đầy, phát hành trái phiếu chính phủ cũng đến giới hạn, không thể tùy tiện in tiền để ngân hàng chính sách cho vay được”, ông Phong nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, việc tìm nguồn vốn là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng, cần phải thúc đẩy mạnh hơn nữa để triển khai chính sách trong thực tiễn, tránh tình trạng nợ chính sách quá nhiều.
Infonet