MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chưa có quy định xác định hàng hoá như nào được gọi là hàng của Việt Nam”

04-07-2019 - 16:13 PM | Thị trường

“Hàng hoá của Việt Nam", "hàng hoá sản xuất tại Việt Nam” là những khái niệm đến thời điểm này vẫn chưa có quy định cụ thể, rõ ràng nhằm xác định, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Liên quan đến sự việc CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều nay (4/7), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính làm đầu mối, phối hợp với các bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Công Thương tích cực và phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương bổ sung thêm, đối với hàng hoá lưu thông trong nước có Nghị định 43 ban hành năm 2017 nêu quy định yêu cầu bắt buộc hàng hoá lưu thông trên thị trường Việt Nam đều phải dán nhãn tên người sản xuất, tổ chức cá nhân, xuất xứ hàng hoá.

Nghị định 43 có điều 15 quy định các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân xác định và có trách nhiệm với thông tin đưa ra.

Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá xuất, nhập khẩu phục vụ hưởng ưu đãi thuế quan còn chưa áp dụng với nhãn hàng tại thị trường Việt Nam. Việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ không nói lên tỷ lệ xuất xứ Việt Nam mà cả khu vực. “Chưa có quy định rõ ràng xác định xuất xứ hàng hoá như nào được gọi là “sản xuất tại Việt Nam”, “hàng hoá của Việt Nam”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, khi có dự thảo về vấn đề quy định xuất xứ hàng Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ công bố và xin ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp, người tiêu dùng làm sao để thực tế và ngăn chặn gian lận thương mại.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các Cục, Vụ, Viện có liên quan như: Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường… tiến hành kiểm tra rà soát công tác quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này.

Từ đó có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh...

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả trong thời gian sớm nhất.

Theo Bảo Vy

BizLive

Trở lên trên