Chưa kịp vui vì được giảm KPI bán bảo hiểm, banker lại nhận ngay thông báo tăng một loạt các chỉ tiêu khác
Nhân sự ngân hàng đang phải gồng mình chạy thêm hàng loạt chỉ tiêu thu nhập ngoài lãi.
- 18-05-2023Nhiều ngân hàng chính thức bỏ KPI bán bảo hiểm
- 10-05-2023Kiến nghị thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng
- 09-05-2023Vụ 'hô biến' tiền gửi SCB thành bảo hiểm: Manulife thỏa thuận riêng với 20 khách
Vừa qua, một số ngân hàng đã quyết định bỏ hoặc điều chỉnh KPI bảo hiểm. Tuy nhiên, niềm vui của banker lại chẳng tày gang, khi cùng lúc ngân hàng đã nâng hàng loạt các chỉ tiêu khác.
Như tại ngân hàng V. (nơi vừa thay thế KPI doanh số bảo hiểm nhân thọ bằng chỉ tiêu doanh thu phí thuần), các nhân sự được yêu cầu phải tăng doanh số một loạt các sản phẩm để thúc đẩy thu phí dịch vụ.
Chị Nguyễn Tú Vy, giao dịch viên của ngân hàng V. chia sẻ, giờ đây chỉ tiêu thẻ tín dụng, số lượng tài khoản mở online cũng đã được nâng lên.
“Trong văn bản thay KPI doanh số bảo hiểm bằng doanh thu phí thuần có cập nhật thêm kế hoạch chỉ tiêu số lượng tài khoản e-banking kích hoạt mới. Trong đó, mỗi nhân viên được yêu cầu mở thêm ít nhất từ 1-5 tài khoản mỗi tháng so với chỉ tiêu cũ, tùy bộ phận và cấp bậc làm việc”, chị Vy chia sẻ.
Chị Lê Thúy Diễm, chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân của ngân hàng S cũng chia sẻ, vừa qua ngân hàng có thay đổi KPI bán bảo hiểm thành thu phí tư vấn tài chính. Tuy nhiên, hàng loạt các chỉ tiêu khác lại được nâng lên.
“Trước đây, chỉ tiêu của mình là phải mở 20 tài khoản hoặc thẻ ghi nợ mỗi tháng. Sau lần cập nhật KPI mới thì con số này là 22 thẻ/tháng và phải mở thêm 3 thẻ tín dụng”, chị Diễm cho biết.
Ở bank A, sau động thái thay đổi KPI bảo hiểm, chỉ tiêu tài khoản số đẹp cũng được nâng lên. Anh Vũ Vinh Hiển, một chuyên viên tín dụng ngân hàng này chia sẻ, thực tế áp lực doanh số gần như là không đổi.
“Trước đây, KPI bảo hiểm là 20-30 triệu/tháng. Giờ đây, mình không phải quá lo với chỉ tiêu này nữa. Tuy nhiên, mỗi tháng phải chốt được 20 triệu doanh số tài khoản số đẹp, hoặc là 1-2 thẻ tín dụng hạn mức 100-200 triệu. Áp lực công việc thực tế cũng không đổi”, anh Hiển nói.
Việc hạ hoặc thay đổi cách tính KPI bảo hiểm có thể sẽ thay đổi được tình trạng nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi đi vay. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến lãi từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng. Báo cáo tài chính quý I/2023 của các ngân hàng đã ghi nhận không ít trường hợp tăng trưởng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ âm.
Ở góc nhìn của TS.Ngô Ngọc Quang - chuyên gia hoạch định tài chính, trường Đại học Ngân hàng, khi việc bán chéo các sản phẩm từ các đơn vị khác trở nên khó khăn hơn, ngân hàng sẽ quay về với các dịch vụ truyền thống như thẻ tín dụng, tài khoản số đẹp,... để tối ưu hóa thu nhập ngoài lãi.
Về phía ngân hàng, các tài khoản số đẹp, tài khoản e-banking sẽ đem đến một số lợi ích sau cho ngân hàng: Trong ngắn hạn, chỉ tiêu này sẽ góp phần thúc đẩy doanh số bán thẻ và tăng thu dịch vụ. Về dài hạn, các tài khoản số đẹp sẽ giúp giữ chân khách hàng, thúc đẩy lượng tiền gửi tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và thu nhập từ dịch vụ thanh toán tiếp tục tăng trưởng. Trên thực tế, báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy, không ít nhà băng đã phải dựa vào thu nhập từ hoạt động thanh toán để giữ vững lãi thuần từ dịch vụ.
Với thẻ tín dụng, sản phẩm này sẽ góp phần thúc đẩy doanh số thu từ dịch vụ cũng như cho vay bán lẻ tại các nhà băng. Tỷ trọng dư nợ thẻ tín dụng trong tổng dư nợ tại nhiều ngân hàng vẫn còn thấp, dư địa phát triển vẫn còn nhiều. Do đó, không ít định chế tài chính huy động tiền gửi đã xem đây là một hướng đi mới trong bối cảnh hiện tại
Tuy nhiên, ngân hàng cần lưu ý, tránh để tình trạng "ép" mua các sản phẩm kể trên xảy ra. Vì hành vi này không mang lại lợi ích lâu dài và những hệ lụy cũng đã được thấy rõ.
Về phía khách hàng, việc mua sản phẩm tài khoản số đẹp có thể là dựa trên sở thích, nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, về dài hạn, người tiêu dùng cũng nên lưu ý đến yếu tố phí giao dịch, phí duy trì tài khoản và một số điều kiện mở thẻ khác.
“Đối với thẻ tín dụng, người tiêu dùng cần lưu ý một số vấn đề sau 1) chọn thẻ phù hợp với mục đích chi tiêu (du lịch, mua sắm, hay chi tiêu thường xuyên); 2) lưu ý hạn mức thẻ tín dụng; 3) cẩn trọng trong việc chi tiêu; 4) lưu ý các loại phí và lãi suất; 5) thận trọng trong việc sử dụng thẻ tín dụng để tài trợ kinh doanh; 6) lưu ý thời hạn sao kê và thường xuyên kiểm tra bảo mật; 7) lưu ý đến việc thẻ tín dụng sẽ có tác động đến điểm tín dụng”, ông TS. Ngọc Quang khuyến nghị.
Trên thực tế, sau nhiều đợt thanh kiểm tra việc kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ mang lại thu nhập ngoài lãi, các ngân hàng đã bắt đầu có sự thay đổi. Việc mua các tài khoản số đẹp hay mở thẻ tín dụng phần lớn được diễn ra trên nguyên tắc tự nguyện.
Ví dụ, khi đi vay vốn, khách hàng có quyền lựa chọn mua một tài khoản số đẹp hay mở thẻ tín dụng để được ưu đãi giảm lãi suất. Trường hợp không tham gia, khoản vay của khách hàng sẽ được áp mức lãi suất thông thường.
Nhịp sống Thị trường