Chưa Tết, vựa hoa lan khủng tại TP.HCM đã 'cháy hàng'
Dù mới đầu tháng Chạp âm lịch nhưng những vựa lan lớn của TP HCM đã bán hết lan chậu cho thương lái từ tháng 10 âm lịch.
- 03-01-2019Mưa bão, làng hoa Tết ở Tiền Giang và Bến Tre điêu đứng
- 02-01-2019Chạy “nước rút” cho mùa hoa Tết
- 30-11-2018Hoa Tết chết từng ngày sau cơn bão số 9
Tại xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP.HCM) là nơi tập trung nhiều vườn lan Dendrobium, giống rất phong phú về màu sắc và hình dạng hoa đang được thị trường trong nước ưa chuộng. Tuy nhiên chỉ mới đầu tháng Chạp nhưng các vựa lan nơi đây đã không còn hoa bán tết và bán lẻ. Theo chủ vườn nguyên nhân là do thương lái đã mua và dự trữ bán Tết từ cuối tháng 10 âm lịch.
Với 4000m2 chuyên trồng lan Dandrobium, ông Nguyễn Văn Thọ (ngụ tại ấp 2, xã Bình Chánh) cho hay: “Nhìn vườn còn nhiều cây vậy thôi, chứ chúng đã có chủ. Vườn của tôi có 80.000 chậu lan, tuy nhiên từ tháng 10, 11 âm lịch, số cây này đã được bán hết cho các thương lái ở khắp mọi nơi như khu vực miền Tây Nam Bộ, Huế, Đà Nẵng… Hiện tại vườn của tôi chỉ còn những chậu lan mới trồng chưa đến tuổi, thiếu tháng”.
Vườn lan 4000 mét vuông của ông Thọ cháy hàng trước tết. Ảnh: HẢI LONG
Ông Thọ cho hay với dòng lan Dendrobium phải mất từ 8 đến 9 tháng mới cho thu hoạch và đòi hỏi một quy trình chăm sóc đặc biệt hơn những loại hoa khác.
Để không ảnh hưởng tới tiến độ ra hoa vào dịp tết, mỗi ngày ông Thọ phải tưới 3 lần nước, bởi nếu để khô, cây sẽ bị mất sức và ảnh hưởng tới việc ra hoa của lan. Cứ mỗi vụ thu hoạch, ông thu về 600 triệu đồng hoặc hơn, tùy vào năng suất lao động và số lượng cây trồng.
Sở hữu 12.000 chậu lan Dendrobium đủ màu sắc với tổng diện tích lên tới 6000 m2 vườn lan của ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ tại ấp 2, xã Bình Chánh, TP.HCM) cũng đã bán hết sạch trong dịp cận kề tết Nguyên Đán này.
“Vựa lan của tôi trồng và cung ứng quanh năm cho thị trường, nhưng bán chạy nhất là dịp Tết Nguyên Đán này. Cuối tháng 10 âm lịch, tôi đã bán hết 12.000 cây lan Dandrobium thường và loại Dandrobium mini. Thậm chí những hàng lá, tức là loại mới nhú đọt bông thương lái cũng thu mua luôn. Đến thời điểm này thì hầu như các nhà vườn tại đây đều trong tình trạng cháy hàng như vườn của tôi”, ông Hoàng chia sẻ.
Mặc dù đã cung cấp ra thị trường một số lượng lan lớn, nhưng theo ông Hoàng số hoa ấy vẫn chưa đủ cho nhu cầu chơi hoa dịp tết. Vào những ngày cuối năm, ông Hoàng cho hay mình phải nhập về thêm hàng trăm chậu lan Dendrobium đủ màu sắc từ nơi khác về để bán.
Những giống lan tại vườn được ông nhập từ Thái Lan, sau đó cho vào các chậu nhỏ để chăm sóc. Vì là loại lan nhập khẩu đã được lai tạo thuần hóa nên cây cho hoa quanh năm, không có mùa nghỉ, tạo ra được thu nhập ổn định cho người trồng.
Hơn chục năm kinh nghiệm, ông Hoàng đánh giá cao giá trị kinh tế cũng như sức hút đối với người tiêu dùng ở loại lan này. Đây là giống lan cho ra nhiều màu sắc bắt mắt như tím thẫm, xanh, vàng, cam, cam đỏ... lại lâu tàn nên được ưu chuộng cao.
Theo các nhà vườn, giá hoa tại các vựa luôn ổn định và ngang bằng nhau, giá năm nay bằng với năm ngoái. Theo đó mỗi cây, các nhà vườn bán sỉ cho thương lái sẽ là 28.000 đồng/chậu, và mức giá này sẽ thay đổi khi tới tay thương lái ra thị trường vì phụ thuộc vào nhu cầu người chơi, giá cả thị trường.
Chị Sáu Đặng, một thương lái từ Bến Tre lên Bình Thạnh để thu mua lan cho hay, mỗi một dịp tết, dòng lan này bán ra thị trường rất chạy. Mỗi một nhà vườn chị thu mua từ 500- 1000 chậu, sau đó nhập lại cho các tiểu thương nhỏ tại Bến Tre.
Theo các nhà vườn số lan còn lại trong vườn là của thương lái thu mua và gửi lại. Ảnh: HẢI LONG
“Tôi bắt đầu đi thu mua từ đầu tháng 10 âm lịch và gửi lại các vườn, để vào mùa bắt đầu lấy về bán. Giá của dòng lan này luôn ổn định, lại cho lời vì không bị chết hay hư hỏng hàng”, chị Sáu Đặng cho hay.
Theo bà Tô Thị Lệ Hằng, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Chánh, hiện nay trên toàn xã có 18 hộ dân trồng và kinh doanh hoa lan. Ngoài giống Dendrobium thì các hộ dân còn cho ươm,trồng các giống lan khác như mokara, giã hạc, vũ nữ… tuy nhiên dòng lan này chỉ chiếm số lượng nhỏ lẻ.
Cũng theo bà Lệ Hằng hiện nay, xã Bình Chánh cũng đã thành lập CLB Hoa Lan với sự tham gia của 10 hộ nông dân. Theo đó, xã luôn tạo điều kiện, cũng như áp dụng kỹ thuật trồng từ cấy mô và trồng theo luống để tăng hiệu quả, giảm chi phí, tận dụng diện tích trồng lan.
Xác định đây là hướng chuyển đổi cây trồng chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao nên hiện nay xã đang xây dựng đề án thành lập hợp tác xã hoa lan để giúp nông dân mở rộng vườn lan, hỗ trợ cây giống, xử lý kỹ thuật và nhất là tạo đầu ra ổn định cho xã viên.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh