Chưa tới 30 tuổi, lương vài chục triệu vẫn tự mua nhà Hà Nội nếu biết những điều này
Dưới đây là hành trình tự phấn đấu để mua nhà của các cặp vợ chồng trẻ ở Hà Nội.
- 29-12-2024Bác sĩ 78 tuổi nhưng trẻ như ngoài 50 nhờ 5 thói quen đơn giản: Ai áp dụng được tốt cả thể chất lẫn tinh thần
- 27-12-2024Mua căn hộ 6,3 tỷ đồng rồi để không, 4 năm sau quay lại phát hiện có 8 người sinh sống bên trong: Cảnh sát vào cuộc phát hiện chiêu thức lừa đảo tinh vi
- 28-12-2024Mang đồng hồ 450 triệu đồng đi bảo hành, người đàn ông nhận về hàng giả, lập tức yêu cầu bồi thường: Toà án khẳng định anh không có quyền
Nhiều người trẻ thường than thở với nhau, nếu không có mức lương cao thì cần phải có sự hỗ trợ từ phụ huynh mới mua được nhà. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn nhận được giúp đỡ tài chính từ gia đình trong hành trình lập nghiệp, phấn đấu có được tổ ấm ở thành phố lớn. Vậy những người trẻ với xuất phát điểm hai bàn tay trắng thì bằng cách nào đã mua được nhà ở nơi có bất động sản đắt như Hà Nội?
Hãy cùng gặp hai vợ chồng dưới đây để lắng nghe hành trình tự thân phấn đấu để mua nhà của họ:
- Nguyễn Dung (sinh năm 1997, nhân viên xuất nhập khẩu) và chồng (sinh năm 1995, nhân viên ngân hàng).
- Minh Hiếu (sinh năm 1994, kinh doanh) và vợ (sinh năm 1996, làm việc tự do).
Vợ chồng lương 40 triệu tính toán mua nhà thế nào?
Nguyễn Dung và chồng đã mua nhà ở Hà Nội vào năm 2022. Căn hộ có diện tích 70m2, giá 2,1 tỷ. Thời điểm này, tổng thu nhập của cặp đôi là 40 triệu/tháng tính theo lương (chồng kiếm được 15 triệu, vợ kiếm được 10 triệu) và tiền thưởng trung bình theo từng tháng.
Cặp đôi quyết định mua nhà khi có trong tay 600 triệu, vay thêm từ ngân hàng 1,4 tỷ (Lãi suất cho khoản vay hơn 500 triệu là 7,9%/năm. Khoản vay còn lại được ân hạn cả gốc và lãi trong 18 tháng, sau đó sẽ tính theo lãi suất thả nổi).
"Chồng mình làm ngân hàng nên sau khi hết hạn ưu đãi lãi suất (18 tháng) thì sẽ làm hồ sơ vay dành cho cán bộ nhân viên, từ đó nhận được mức lãi suất là 6%/năm", Nguyễn Dung chia sẻ thêm.
Ngoài ra, cặp đôi còn vay thêm bạn bè trong quá trình mua nhà và cải tạo không gian sống. Cô nàng cho biết: "Người cho chúng mình vay nhiều nhất là 200 triệu. Một số khác thì cho vay 10 triệu, 20 triệu, 30 triệu để làm nội thất. Về khoản vay từ bạn bè, chúng mình trả cho các bạn bằng lãi suất 6%/năm - con số này tương đương với lãi suất khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng".
Sau khi hoàn thành mua nhà, mục tiêu đầu tiên của cặp đôi là gia tăng thu nhập để nhanh chóng trả hết nợ. Hiện, tổng thu nhập hàng tháng của cặp đôi đã tăng từ 40 triệu lên 64 - 67 triệu/tháng.
Nguyễn Dung chia sẻ: "Giờ đây, chồng mình kiếm được 40 triệu/tháng, vợ kiếm được 17 triệu/tháng (thu nhập bao gồm tiền lương và thưởng vào dịp lễ). Ngoài ra, vợ còn kiếm thêm được khoảng 7-10 triệu/tháng.
Nhớ lại thì chồng mình đã nỗ lực rất nhiều trong công việc và sau 1,5 năm thì mức thu nhập của anh đã tăng lên 40 triệu/tháng. Về bản thân mình thì do làm việc hiệu quả nên lương hàng tháng cũng tăng dần, từ 10 triệu lên 15 triệu. Đồng thời, mình còn kiếm thêm được từ công việc tay trái là dạy học. Mới đầu khi làm gia sư, mình chỉ kiếm được 1-2 triệu/tháng nhưng sau đó đã tăng lên 7-10 triệu/tháng sau khi mình dành nhiều công sức và thời gian cho chúng".
Với mức thu nhập và kế hoạch trả nợ có sẵn, cặp đôi không chi tiêu quá thoải mái, song cũng không sống quá tiết kiệm, có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Hàng tháng, vợ chồng Nguyễn Dung phân bổ thu nhập như sau: Họ dành khoảng 17 triệu/tháng để trả chi phí sinh hoạt; 3,5 triệu trả lãi vay ngân hàng; còn lại dành để tiếp tục trả nợ, làm quỹ dự phòng và tiết kiệm. Nếu tháng nào có chi phí phát sinh, chẳng hạn là ăn ngoài ở hàng quán,... thì họ sẽ dùng tiền thưởng và khoản kiếm thêm bên ngoài để bù vào.
Dồn tiền tiết kiệm mua vàng, 3 năm sau bán đi mua được nhà
Đó là câu chuyện của Minh Hiếu (30 tuổi, kinh doanh). Anh nhớ lại, cho đến cách đây 4 năm, Hiếu vẫn không nghĩ bản thân có thể mua được nhà vì chỉ kiếm được hơn 20 triệu/tháng.
Cho đến năm 2020, sau khi bỏ tiền vào kinh doanh riêng, Hiếu quyết định dồn hết tiền tiết kiệm mua 7 cây vàng phòng thân với niềm tin "vàng sẽ còn tăng giá". Thời điểm này, anh mua hết vàng miếng với giá 51 triệu/lượng.
Sau đó, may mắn trong Covid-19, tình hình kinh doanh của Hiếu đi vào ổn định. Nên 2 năm sau, anh chàng không chỉ gia tăng khoản tiết kiệm mà còn đủ tiền cưới vợ, trong khi không cần chạm đến 7 cây vàng đã mua.
Đầu năm 2023, Minh Hiếu tình cờ quen một người làm bất động sản, biết được rằng giá nhà đang rẻ nhưng sắp tới sẽ bước vào chu kỳ tăng giá. Sau nhiều cân nhắc, vợ chồng Minh Hiếu quyết định mua 1 căn hộ chung cư cũ (2 phòng ngủ, diện tích 55m2) ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) với giá 2 tỷ đồng.
Lúc này, anh bán hết 10 cây vàng (gồm 7 cây vàng tích mua vào năm 2020, 1 cây vàng mua thêm vào năm 2022 và 2 cây vàng cưới) thu về 750 triệu. Trong khi mua nhà, Hiếu còn dùng 300 triệu tích lũy của hai vợ chồng, bố mẹ cho 200 triệu, vay người thân không tính lãi 320 triệu, còn thiếu bao nhiêu thì họ vay ngân hàng.
Cho đến hiện tại, vợ chồng Minh Hiếu còn nợ ngân hàng 400 triệu, nợ người thân 200 triệu. Để trả nợ, cặp đôi đều cố gắng "cày cuốc" làm việc, tính toán chi tiêu cẩn thận. Cho đến hiện tại, tổng thu nhập của cặp đôi đã tăng lên 50 triệu/tháng nên việc trả nợ dễ dàng hơn nhưng chi tiêu trong gia đình vẫn không giảm bớt căng thẳng.
Minh Hiếu chia sẻ: "Chi tiêu gì thì vợ chồng mình cũng tính toán đắn đo, tăng xin giảm mua để còn trả nợ vay ngân hàng. Cũng may là có ông bà hai bên giúp đỡ trong nhiều khoản chi phí. Có những tháng, vợ chồng mình được ông bà hỗ trợ đồ ăn, nên không mất một đồng đi chợ. Nhưng cả năm trời vợ chồng vẫn không dám mua quần áo mới, thay điện thoại hoặc đi du lịch".
Lời khuyên dành cho vợ chồng trẻ muốn mua nhà
Từ kinh nghiệm, bản thân, Minh Hiếu bày tỏ quan điểm về việc người trẻ ngày nay sợ vay nợ mua nhà vì không muốn chịu áp lực tài chính. Còn về phía mình, anh cho rằng mọi người nên vay nợ mua nhà để tận dụng đòn bẩy tài chính, nhưng phải có kế hoạch trả nợ chặt chẽ.
"Kinh nghiệm của mình là dám có nợ thì mới có mục tiêu phấn đấu. Nếu bạn không vay được từ người thân thì hãy vay ngân hàng rồi kiếm tiền trả lại. Chỉ sợ không có sức khỏe và ý chí thôi, chứ cứ làm việc chăm chỉ rồi cuối cùng sẽ trả hết nợ. Còn nếu không với tình hình nhà đất leo thang hiện tại thì không biết bao giờ mới mua được nhà. Bạn nhắm căn nhà 2 tỷ thì có khi bạn để dành được 1 tỷ thì giá nhà đã tăng lên 3-4 tỷ rồi. Chúc các bạn sớm có được căn nhà mơ ước của riêng mình!", Minh Hiếu nhắn nhủ.
Trong khi đó Nguyễn Dung chia sẻ lời khuyên trong việc quản lý tài chính trước và sau khi mua được nhà: "Thứ nhất, bạn cần tính toán thật kỹ về chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình. Với vợ chồng trẻ như mình thì cần xem xét cả về kế hoạch sinh em bé nữa. Vợ chồng mình có kế hoạch đón con trong vòng 2 năm sau khi mua nhà. Khi mua nhà, mình 25 tuổi, chồng 27 tuổi nên 2 đứa nghĩ khi vợ 27 tuổi, chồng 29 tuổi thì có em bé là vừa. Tuy nhiên các bạn nên đi khám sức khỏe sinh sản trước, nếu sức khỏe bình thường thì cứ làm theo kế hoạch, còn nếu có vấn đề gì phát sinh thì bạn cần tính toán.
Thứ hai, bạn cần phải tìm cách tăng thu nhập để rút ngắn thời gian trả nợ.
Ngoài ra, khi chọn mua nhà, mình nghĩ bạn chỉ cần có trong tay khoảng 30% giá trị căn hộ là được. Yếu tố quan trọng cần xem xét là mức thu nhập của bạn khi bắt tay vào mua nhà là như thế nào. Tính ổn định của công việc cũng rất quan trọng. Vì nếu công việc của bạn không ổn định, thu nhập bấp bênh thì mình nghĩ không nên mua nhà. Vì sau này, bạn sẽ đối diện với nhiều áp lực và có thể không trả được nợ, dẫn đến phải bán nhà".
Phụ nữ số