MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa từng xảy ra trong lịch sử, khối ngoại bán ròng hơn 2.500 tỷ đồng cổ phiếu công nghệ số 1 Việt Nam chỉ sau một tháng

Chưa từng xảy ra trong lịch sử, khối ngoại bán ròng hơn 2.500 tỷ đồng cổ phiếu công nghệ số 1 Việt Nam chỉ sau một tháng

Trong quá khứ, từng có thời điểm nhà đầu tư nước ngoài phải chấp nhận mức trả chênh (premium) đến hàng chục % so với giá trên sàn để sở hữu FPT. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khối ngoại có thể thoải mái mua cổ phiếu này qua khớp lệnh nếu muốn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn từ khối ngoại khi liên tục bán ròng mạnh tay trên diện rộng. Ngay cả cái tên rất "hot" trong mắt nhà đầu tư nước ngoài là FPT cũng bị xả triền miên với khối lượng lớn. Riêng phiên 13/6 vừa qua, khối ngoại đã bán ròng 5,5 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng giá trị hơn 700 tỷ đồng, cao nhất sàn chứng khoán.

photo-1718269098264

Cổ phiếu FPT bị khối ngoại xả mạnh phiên 13/6

Tính chung trong một tháng trở lại đây, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 19 triệu cổ phiếu FPT, giá trị lên đến hơn 2.500 tỷ đồng. Đây có lẽ là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử niêm yết của FPT bởi cổ phiếu này đã có thời gian rất dài kín room ngoại, gần như chỉ hở room do phát hành ESOP nhưng sẽ ngay lập tức được lấp đầy.

Thực tế, FPT là một trong những cái tên được khối ngoại săn đón nhiều nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong quá khứ, từng có thời điểm nhà đầu tư nước ngoài phải chấp nhận mức trả chênh (premium) đến hàng chục % so với giá trên sàn để sở hữu cổ phiếu này. Chỉ vài tháng trước, FPT vẫn còn xuất hiện các giao dịch thoả thuận giữa các nhà đầu tư nước ngoài tại mức giá trần.

Tình hình đã thay đổi sau giai đoạn bán ròng liên tục vừa qua. Hiện tại, khối ngoại nếu muốn có thể thoải mái mua FPT thông qua khớp lệnh trên sàn do cổ phiếu này đang hở room gần 17 triệu đơn vị, tương đương khoảng 1,1%. Động thái bán ròng của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu FPT liên tục tăng nóng thời gian qua.

photo-1718269117149

Sau khi lập đỉnh lịch sử mới, cổ phiếu này đã quay đầu giảm 1,5% trong phiên 13/6 xuống mức 130.000 đồng/cp. Dù vậy, so với thời điểm đầu năm 2024, thị giá FPT vẫn cao hơn đến gần 57%. Vốn hóa thị trường tương ứng xấp xỉ 190.000 tỷ đồng, đưa FPT trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Trên sàn chứng khoán, vốn hóa của công ty công nghệ này chỉ kém 4 cái tên do Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, ACV và Viettel Global.

Đà tăng của cổ phiếu FPT được hỗ trợ tích cực từ kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đặn ở mức cao hàng năm. Năm 2024, FPT đặt ra mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch, tập đoàn công nghệ này sẽ tiếp tục phá kỷ lục của năm trước.

photo-1718269137666

4 tháng đầu năm, FPT ước đạt 18.989 tỷ đồng doanh thu và 3.447 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 20,6% và 19,7% so với cùng kỳ 2023. Mảng Dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng, đạt doanh thu 9.450 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 29,2%, dẫn dắt bởi sức tăng đến từ cả 4 thị trường.

Năm 2023 trước đó, FPT ghi dấu một cột mốc quan trọng khi lần đầu cán mốc doanh thu 1 tỷ USD từ dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài. Tập đoàn lên kế hoạch năm 2030 đạt mục tiêu 5 tỷ USD, từ đó nâng cao vị thế trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin tỷ USD trên toàn cầu.

photo-1718269162595

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán DSC cho rằng FPT sẽ đạt được mức tăng trưởng lần lượt 22% đối với mảng CNTT nước ngoài và 21% đối với mảng Giáo Dục từ năm 2025 nhờ việc đầu tư vào công nghệ mới nhất của NVIDIA hiện tại. Những kỷ lục tăng trưởng của FPT gần đây có thể một phần lý giải bởi chiến lược M&A mở rộng của FPT tại các thị trường trọng điểm Mỹ, Châu Âu, và Nhật Bản.

DSC nhận định rằng những lợi ích từ M&A và đầu tư chiến lược đã phản ánh rõ ràng hơn vào kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2024, khi số lượng khách hàng đóng góp trên 1 triệu đô tăng 25% so với cùng kỳ. Đánh giá trên việc FPT có dòng tiền đều đặn hàng năm và khả năng huy động vốn, CTCK này thấy rằng việc M&A sẽ tiếp diễn tại thị trường Nhật Bản để gia tăng doanh số.

Hà Linh

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên