MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuẩn bị cho lời từ biệt lãi suất LIBOR

22-08-2021 - 15:22 PM | Tài chính - ngân hàng

Chuẩn bị cho lời từ biệt lãi suất LIBOR

Các đầu mối chức năng, các định chế tài chính và tổ chức kinh doanh tại Việt Nam đang chuẩn bị cho lời từ biệt lãi suất LIBOR.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hoàn thiện dự thảo Thông tư Hướng dẫn giao dịch ngoại tệ giữa NHNN và tổ chức tín dụng (TCTD) được phép hoạt động ngoại hối thay thế Thông tư số 02/2012/TT-NHNN ngày 27/02/2012.

Theo quy định hiện hành, “Trong trường hợp thanh toán chậm so với giao dịch NHNN với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bên thanh toán chậm sẽ chịu mức phạt như sau: a) Nếu bằng ngoại tệ, mức phạt tối đa 150% lãi suất LIBOR 01 tuần của đồng tiền thanh toán tại ngày phát sinh thanh toán chậm tính trên số tiền và số ngày trả chậm”.

Tuy nhiên, theo thông báo của Cơ quan Quản lý dịch vụ tài chính Anh (FCA), lãi suất LIBOR tham chiếu nói trên chỉ được công bố đến hết năm 2021. Vì vậy, NHNN cần phải nghiên cứu, điều chỉnh nội dung này.

Lộ trình đã định

Thời gian qua các định chế tài chính trên thế giới đều đã triển khai việc chuẩn bị cho việc ngừng sử dụng lãi suất LIBOR trong các giao dịch, hợp đồng…, hướng đến sự thay thế mới.

Trước đó, tháng 7/2017, FCA - cơ quan điều hành lãi suất cho vay liên ngân hàng London, đã thông báo ý định ngừng sử dụng lãi suất cho vay liên ngân hàng London (LIBOR) vào cuối năm 2021.

Ngày 5/3/2021, FCA đã thông báo việc công bố LIBOR trên cơ sở tham chiếu sẽ chấm dứt ngay lập tức đối với tất cả các giao dịch bằng đồng yên Nhật cũng như các giao dịch kỳ hạn 1 tuần và 2 tháng bằng đồng đô la Mỹ ngay sau ngày 31/12/2021; và đối với các giao dịch còn lại bằng đồng đô la Mỹ sẽ chấm dứt ngay lập tức sau ngày 30/6/2023.

Lãi suất cho vay liên ngân hàng London (LIBOR) là lãi suất tham chiếu được sử dụng rộng rãi nhất cho các khoản vay ngắn hạn, từ qua đêm cho tới 1 năm, theo các đồng tiền khác nhau.

LIBOR hiện đang áp dụng cho năm loại tiền tệ (đô la Mỹ - USD, bảng Anh, euro, franc Thụy Sĩ và yên Nhật), với bảy loại kỳ hạn cho mỗi đồng tiền (qua đêm hoặc giao kế tiếp, 1 tuần, 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng). Mặc dù ra đời từ năm 1969, LIBOR không được sử dụng chính thức cho tới khi Hiệp hội các Ngân hàng Anh bắt đầu giám sát việc thu thập và quản lý dữ liệu trong gần hai thập niên sau đó.

Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á ( ADB ), LIBOR đóng một vai trò then chốt trong các thị trường toàn cầu. Nó được sử dụng rộng rãi làm lãi suất tham chiếu cho các hợp đồng tài chính và là tiêu chuẩn để đo lường chi phí vốn và lợi tức đầu tư cho một loạt các sản phẩm tài chính, bao gồm các khoản thế chấp điều chỉnh lãi suất, thẻ tín dụng, các khoản vay ngân hàng lãi suất thả nổi, và các giao dịch hoán đổi lãi suất hoặc ngoại tệ chéo.

ADB ước tính các hợp đồng tài chính với tổng giá trị từ 200 - 300 tỷ USD hiện đang được chuẩn hóa theo LIBOR trên toàn cầu.

Vấn đề với LIBOR là gì?

Phương pháp tính LIBOR hầu như không thay đổi kể từ khi được áp dụng. Hàng ngày, một nhóm các ngân hàng lớn, được biết đến với tên gọi “các ngân hàng thành viên hội đồng”, thông báo lãi suất cho vay của họ cho Sàn Giao dịch chuẩn hóa liên lục địa, đơn vị quản lý LIBOR từ năm 2014. Những số liệu này được loại bỏ các giá trị cao nhất và thấp nhất, sau đó tính trung bình, và công bố vào khoảng 11:55 sáng theo giờ London vào mỗi ngày giao dịch.

Tuy nhiên, theo báo cáo trên của ADB, có hai quan ngại chính đối với quy trình này.

Thứ nhất, có sự sụt giảm đáng kể trong quy mô nhóm mẫu để tính toán LIBOR kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Sau khủng hoảng, số lượng ngân hàng thành viên hội đồng ít hơn, và đối với các ngân hàng có báo cáo thì họ cũng đưa ra ít mức giá dựa trên các giao dịch thị trường hơn. Thay vào đó, LIBOR ngày càng dựa nhiều hơn vào cái mà Sàn Giao dịch chuẩn hóa liên lục địa gọi là “nhận định của chuyên gia dựa trên dữ liệu thị trường và giao dịch”. Do đó, đã có những quan ngại được nêu ra về việc liệu LIBOR có phản ánh đúng thực tế thị trường khi nó không còn dựa trên các giao dịch thị trường thực tế.

Thứ hai, theo ADB, việc LIBOR dựa trên thông tin đầu vào từ các ngân hàng thành viên hội đồng khiến nó dễ bị thao túng, và các nhà quản lý đã phát hiện ra một loạt các vấn đề bất thường, dẫn tới những khoản phạt lớn đối với các bên vi phạm.

Kết quả là, người ta đã tìm đến các sáng kiến quản trị toàn cầu để xây dựng những mức lãi suất tham chiếu thay thế (ARR). Ví dụ, trên thị trường đồng USD, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) năm 2014 đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban Lãi suất tham chiếu thay thế (ARRC) đưa ra khuyến nghị về mức lãi suất tiêu chuẩn để thay thế LIBOR cho đồng USD.

ARRC là một nhóm các bên tham gia thị trường tư nhân, được Hội đồng Dự trữ liên bang và Ngân hàng Dự trữ liên bang New York tập hợp nhằm giúp bảo đảm việc chuyển đổi thành công từ LIBOR đối với đồng USD sang một lãi suất tham chiếu khác mạnh mẽ hơn.

ARRC bao gồm một loạt các đơn vị thuộc khu vực tư nhân có sự hiện diện quan trọng trên các thị trường bị ảnh hưởng bởi LIBOR đối với USD cũng như hàng loạt các cơ quan thuộc khu vực chính thống, gồm cả các đơn vị quản lý khối ngân hàng và tài chính.

Chủ động thay đổi

Như đề cập ở trên, việc NHNN đang thay đổi quy định ở dự thảo giao dịch ngoại tệ, với mức phạt đối với giao dịch trả chậm theo lãi suất LIBOR sang một phương án khác thay thế là một ví dụ trong việc rà soát, điều chỉnh và thay thế cho việc lãi suất này sắp ngừng áp dụng.

Thời gian qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam cũng đã chủ động phối hợp với khách hàng, rà soát và tư vấn điều chỉnh các điều khoản trong các hợp đồng liên quan đến loại lãi suất này.

Ví dụ như tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), có 3 loại lãi suất tham chiếu thay thế đối với 3 ngoại tệ có ảnh hưởng nhiều nhất đã được xác định, gồm USD LIBOR, EUR LIBOR/ EURIBOR, JPY LIBOR/ TIBOR.

Theo BIDV, việc chuyển đổi lãi suất tham chiếu sẽ có ảnh hưởng đến các hợp đồng, thỏa thuận hoặc dịch vụ giữa khách hàng với ngân hàng đang sử dụng LIBOR là lãi suất tham chiếu. Để bảo đảm tính liên tục của các hợp đồng, dịch vụ hiện hữu trong quá trình chuyển đổi LIBOR, hai bên có thể sẽ cần sửa đổi hợp đồng để điều chỉnh thông tin về lãi suất và/hoặc bổ sung các điều khoản dự phòng phù hợp.

Còn theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), việc thay đổi từ LIBOR sang các lãi suất tham chiếu thay thế đòi hỏi các tổ chức/công ty tài chính phải cập nhật hệ thống từ bộ phận giao dịch tới tác nghiệp, đào tạo lại nhân viên, chia sẻ và đào tạo các thay đổi về lãi suất cho khách hàng cũng như xây dựng lại quy trình.

Theo Minh Đức

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên