Vì đâu cổ phiếu công ty dược 60 năm tuổi tại Hà Nội tăng gấp đôi trong vài tháng, vốn hóa lên Top4 ngành dược vượt nhiều tên tuổi lớn
Vốn hóa thị trường của công ty dược này cũng đã đạt mức gần 4.300 tỷ đồng.
- 22-08-2020Tăng hơn 30% từ đầu tháng 7, Dược Hà Tây (DHT) chốt phương án bán 20% cho đối tác Nhật với giá 70.000 đồng/cp
- 15-03-2019Dược Hà Tây (DHT) trình phương án dành toàn bộ cổ phiếu ESOP thưởng riêng cho Tổng Giám đốc
Dự án Nhà máy Dược phẩm Công nghệ cao Hataphar tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng mức đầu tư là 1.350 tỷ đồng. Nhà máy đạt chuẩn EU – GMP, sản xuất thuốc tân dược (thuốc tim mạch, tiêu hóa, tiểu đường) với công suất 2 tỷ sản phẩm/năm, dự kiến đi vào hoạt động một phần từ năm 2024.
Đây là dự án của CTCP Dược Hà Tây (mã chứng khoán DHT), được kỳ vọng là "gà đẻ trứng vàng" mới cho công ty dược phẩm 60 năm tuổi có trụ sở tại Hà Đông (Hà Nội). Theo ban lãnh đạo, nhà máy khi vận hành toàn bộ có thể đem lại 1.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho Dược Hà Tây, tăng khoảng 50% so với trước đó. Với nhà máy mới đạt chuẩn EU – GMP, DHT có thể tập trung vào nhóm thuốc tân dược và đẩy mạnh doanh thu.
Một phần bởi triển vọng mở rộng quy mô đón chu kỳ tăng trưởng mới, cổ phiếu DHT đã chứng kiến mức tăng giá ấn tượng trong giai đoạn vừa qua.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/6, cổ phiếu DHT tăng hơn 8% lên 52.000 đồng/cp. Đây cũng là mức đỉnh lịch sử của cổ phiếu này từng đạt được.
Kể từ đầu năm cho tới nay, cổ phiếu DHT đã chứng kiến đà tăng mạnh 131% lên mức giá ở hiện tại. Vốn hóa thị trường của công ty này cũng đã đạt mức gần 4.300 tỷ đồng. Mức định giá này đưa Dược Hà Tây thành công ty lớn thứ 4 ngành dược, chỉ sau Dược Hậu Giang, Vinapharm và Imexpharm.
Nhìn lại năm 2023, Dược Hà Tây ghi nhận doanh thu đạt 2.000,6 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 89 tỷ đồng.
Đến quý 1/2024, kết quả kinh doanh của công ty này tiếp tục sụt giảm. Cụ thể, Dược Hà Tây mang về 505,7 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp này lại giảm hơn 41% còn hơn 16 tỷ đồng,
Nhóm cổ đông lớn nhất của Dược Hà Tây là ASKA Pharmaceutical Co., Ltd - hãng dược đến từ Nhật Bản liên tục gia tăng sở hữu cổ phiếu DHT từ đầu năm. Cụ thể, kể từ đầu năm cho tới nay, ASKA Pharmaceutical Co., Ltd đã gom hơn 2 triệu cổ phiếu DHT để tăng sở hữu tại Dược Hà Tây từ 32,56% vốn lên gần 35% vốn.
ASKA là hãng dược có tuổi đời hơn 100 tuổi, trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản. Ngành nghề kinh doanh chính của ASKA là sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu dược phẩm, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế... Trong mảng dược phẩm, công ty chuyên về các sản phẩm nội khoa, sản phụ khoa và tiết niệu.
Trước đó, năm 2021, ASKA đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của Dược Hà Tây khi mua gần 5,3 triệu cổ phần phát hành mới với mức giá 70.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 18% thị giá cổ phiếu DHT khi đó. Thời điểm này, ASKA nắm 24,9% vốn điều lệ của Dược Hà Tây (6,6 triệu cổ phiếu) và là cổ đông lớn nhất tại công ty dược này.
Sang tới tháng 6/2023, Dược Hà Tây chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 180%, tương ứng cổ đông nắm 100 cổ phiếu sẽ nhận về 180 cổ phiếu mới. Lượng cổ phiếu của ASAKA nắm tăng lên hơn 18,4 triệu cổ phiếu và hiện tại đã tăng lên gần 27 triệu đơn vị sau giao dịch mới nhất.
An ninh Tiền tệ