MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chung cư Osaka Complex thu quỹ bảo trì trái quy định của pháp luật

24-07-2023 - 11:45 AM | Bất động sản

2% kinh phí quỹ bảo trì tại chung cư Osaka Complex được chuyển vào số tài khoản cá nhân là không đúng quy định của pháp luật.

Phản ánh đến báo điện tử VTC News, nhiều cư dân chung cư Osaka Complex (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, việc đóng 2% kinh phí quỹ bảo trì tại khu chung cư này có rất nhiều điểm bất thường.

Cụ thể, theo thông báo đóng 2% kinh phí quỹ bảo trì của Công ty Cổ Phần Quốc Tế CT Việt Nam do bà Hoàng Thị Kim Oanh - chức vụ Phó Tổng Giám đốc (Theo Giấy uỷ quyền ngày 23/8/2017), tiền kinh phí quỹ bảo trì được đóng vào số tài khoản tên "Hoang Kim Oanh - Nguyen Thu Thinh - Duong Thi Ngoc Mai" mở tại ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam, chứ không phải số tài khoản theo hợp đồng mua bán căn hộ chung cư được chủ đầu tư mở tại ngân hàng MB.

Giấy thông báo cũng chỉ có chữ ký của bà Oanh, chứ không hề có con dấu của Công ty Cổ Phần Quốc Tế CT Việt Nam.

Sau khi nộp tiền, người dân cũng không được cung cấp bất cứ phiếu thu hay giấy xác nhận đã nộp tiền nào.

Nhiều cư dân cho biết, vì nghĩ bà Oanh đại diện cho chủ đầu tư nên đã tin tưởng chuyển tiền vào số tài khoản trên. Chỉ đến khi nhiều thiết bị đến hạn nhưng không có tiền bảo trì, nhiều cư dân mới ngã ngửa vì không biết số tài khoản kia có phải của chủ đầu tư hay không.

Cụ thể, dù hơn 90% số căn hộ đã hoàn thành việc đóng 2% kinh phí quỹ bảo trì, nhưng ngày 17/7 vừa qua, 5/6 thang máy tại toà B chung cư Osaka Complex đã bị khoá, dừng hoạt động, thang rác cùng việc thu gom rác thải cũng không được xử lý khiến hàng trăm hộ dân bức xúc.

Chung cư Osaka Complex thu quỹ bảo trì trái quy định của pháp luật - Ảnh 1.

Chung cư Osaka thu quỹ bảo trì không đúng quy định của pháp luật.

Trả lời báo điện tử VTC News, bà Nguyễn Bích Ngọc - Phó Phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai khẳng định: " Việc thu 2% kinh phí quỹ bảo trì vào Số tài khoản cá nhân ở trên là không đúng quy định của pháp luật ".

Bởi lẽ, theo quy định, chủ đầu tư phải mở một tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư nộp. Khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải ghi rõ tên tài khoản là tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn. Vì vậy, thu quỹ bảo trì bằng tài khoản đứng tên 03 cá nhân bản chất là sai quy định.

Cũng theo bà Ngọc, tài khoản thu này được lập ra vào năm 2019, khi có hơn 100 căn hộ về ở (tập trung tại tháp A). Trong bối cảnh đại diện pháp luật Chủ đầu tư bị bắt, các cư dân sinh sống tại toà nhà đã thống nhất thành lập Ban Quản trị lâm thời gồm 13 thành viên để thay mặt cư dân làm việc với các cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính (cấp sổ đỏ,..) nhằm ổn định cuộc sống, đồng thời thống nhất lập tài khoản đồng sở hữu đứng tên 03 cá nhân: Bà Hoàng Thị Kim Oanh, bà Dương Thị Ngọc Mai (thành viên Ban Quản trị lâm thời – căn hộ A1205), ông Nguyễn Thu Thịnh (thành viên Ban Quản trị lâm thời – căn hộ A1101) để tạm thu kính phí bảo trì 2% các chủ sở hữu căn hộ (Biên bản họp cư dân ngày 27/12/2018).

Liên quan đến việc xử lý đối với số tiền quỹ bảo trì đã thu không đúng quy định này, bà Ngọc cho biết, UBND quận sẽ xin ý kiến của UBND thành phố về việc quản lý và sử dụng tài khoản này trong thời gian chưa thành lập được ban Quản trị chính thức.

Chung cư Osaka Complex thu quỹ bảo trì trái quy định của pháp luật - Ảnh 2.

Nhiều thang máy tại chung cư Osaka Complex bị ngắt hôm 17/7 khiến cư dân bức xúc

Bên cạnh đó, việc bà Oanh gửi thông báo thu 2% kinh phí quỹ bảo trì chung cư Osaka Complex theo bà Ngọc cũng không đúng vì theo giấy uỷ quyền, bà Oanh không được quyền thu 2% kinh phí bảo trì do không thuộc phạm vi uỷ quyền.

Tuy nhiên, việc thu 2% kinh phí quỹ bảo trì vào số tài khoản 03 cá nhân là do thống nhất của một số cư dân như đã nói ở trên.

Phân tích thêm về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn cho biết, theo các quy định của pháp luật, việc đóng kinh phí bảo trì được quy định rõ là phần kinh phí bảo trì phần sở hữu chung thì được chuyển vào tài khoản do Chủ đầu tư chịu trách nhiệm thu, chi trả kinh phí bảo trì. Nếu sau này, đã thành lập được Ban quản trị thì và Chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển lại kinh phí bảo trì cho Ban quản trị.

Tài liệu cho thấy giấy ủy quyền của chủ đầu tư cho bà Hoàng Thị Kim Oanh và các chủ tài khoản khác đồng sở hữu không có đề cập đến việc thu nhận đóng 2% kinh phí quỹ bảo trì. Và việc đóng 2% phí này có dấu hiệu chưa thực hiện đúng theo quy định pháp luật hiện hành về nhà ở 2014 và các văn bản quy định pháp luật liên quan ”, luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Nếu nội dung ủy quyền không bao gồm việc quản lý kinh phí bảo trì thì người nhận ủy quyền tiếp nhận kinh phí bảo trì là vượt phạm vi ủy quyền, không đúng thời gian. Việc này cần phải xử lý đúng quy định pháp luật để dùng quỹ bảo trì đúng mục đích, đúng thời điểm. Người nào làm sai, làm không đúng, không tuân thủ mục đích của quỹ bảo trì thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu bồi thường thiệt hại mọi tổn thất gây ra.

Cũng theo ông Tuấn, nộp tiền vào số tài khoản cá nhân được xét khi cá nhân này có vai trò như thế nào? Có đủ tư cách pháp nhân hay chịu trách nhiệm pháp luật như thế nào khi đứng ra nhận những nguồn kinh phí thường xuyên?

Chưa kể đến liệu rằng số tài khoản cá nhân có được kiểm soát một cách minh bạch, chi tiêu đúng lúc đúng chỗ phục vụ vào việc bảo trì tòa nhà hay vì một mục đích tư lợi nào đó.

Trong các cuộc họp hội nghị nhà chung cư, các tài khoản đã được quy định và có quy chế áp dụng việc sử dụng tài khoản cá nhân vào để thực hiện việc quản lý mang lại sự bất an cảm giác không an toàn cho cư dân và rất khó để kiểm soát tính minh bạch, hợp lý của dòng tiền được chi tiêu khi báo cáo hàng tháng.

Cuối cùng, sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện hoạt động quản lý hay thu chi được biết rằng việc đối soát về thuế không được kiểm soát một cách rõ ràng dễ dẫn đến những hành vi trốn thuế trái quy định của pháp luật ”, luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Sẽ xử lý nghiêm nếu Nam Minh Hoàng cắt thang máy, tháng rác của dân

Ngay trong ngày 20/7, UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản gửi công ty TNHH Nam Minh Hoàng (đơn vị đang quản lý chung cư Osaka Complex) yêu cầu: Khôi phục ngay và duy trì hoạt động của toàn bộ hệ thống thang máy, thang rác, đảm bảo các điều kiện an toàn trong quá trình vận hành.

Trong trường hợp Công ty TNHH Nam Minh Hoàng cố tình không thực hiện nghiêm túc việc quản lý vận hành toà nhà (vận hành thang máy, thu gom rác,...) và các dịch vụ khác thuộc trách nhiệm của Công ty mà làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản và nhu cầu chính đáng của cư dân, gây mất an ninh trật tự khu vực thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

UBND Quận sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định nếu Công ty TNHH Nam Minh Hoàng cố tình không thực hiện, để xảy ra các hậu quả nghiêm trọng.

Theo Hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Công ty cổ phần Quốc tế CT Việt Nam (bên A) và Công ty TNHH Nam Minh Hoàng (bên B): “Bên B chịu trách nhiệm quản lý, vận hành Công trình thuộc Phần dự án đến trước khi bàn giao cho Bên A, để Bên A bàn giao cho Ban Quản trị nhà chung cư có đủ điều kiện quản lý, vận hành theo quy định tại Điều này và quy định của pháp luật”.

Như vậy, thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Nam Minh Hoàng có trách nhiệm quản lý, vận hành đảm bảo các dịch vụ cho toà nhà và có trách nhiệm bảo trì các thiết bị để đảm bảo an toàn trong quá trình quản lý vận hành ”, UBND quận nhấn mạnh.





Theo Ngọc Vy/VTC News

VTC News

Trở lên trên