MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán có thể tăng hai chữ số năm 2017, đạt đỉnh vào tháng 6 – tháng 8

Sự dồi dào của dòng tiền nội có thể đã và sẽ là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng của VnIndex. Tháng 6-8 có thể VnIndex sẽ đạt đỉnh khi câu chuyện nhiều doanh nghiệp lớn trở nên rõ ràng.

Cuối năm 2016, định giá VnIndex đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm gần đây, và thậm chí cao hơn mức P/E trung bình của giai đoạn 2009 – 2016 (P/E trung bình khoảng 13,5x), đưa định giá thị trường Việt Nam lên mức tương đương thị trường Thái Lan và Malaysia, trở nên đắt đỏ nếu so sánh với Pakistan.

Theo đánh giá trong báo cáo chiến lược được công bố, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng sự tăng trưởng trên là phản ánh kỳ vọng của thị trường với những thay đổi bắt đầu từ năm 2016 như (1) Nhiệm kỳ mới của Quốc hội và Chính phủ và các thông điệp quan trọng về phát triển kinh tế; (2) Chuyển động của lộ trình IPO và thoái vốn Nhà nước; và (3) Phản ánh kỳ vọng của thị trường vào tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, sự dồi dào của dòng tiền, chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước đã có tác động mạnh mẽ đến diễn biến giá cổ phiếu cũng như xu hướng của thị trường. Thanh khoản trên cả hai sàn đã tăng hơn 17% trong năm 2016. Đáng nói hơn, trong khi nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên bán ròng sau nhiều năm, nhà đầu tư trong nước lại giao dịch khá tích cực với tỷ lệ giao dịch bình quân chiếm khoảng 85 – 87% tổng giá trị giao dịch mỗi phiên.

VDSC cũng cho rằng các yếu tố trên sẽ tiếp tục là xung lực chính cho thị trường trong năm 2017.

Về yếu tố cơ bản, năm 2017, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế các cổ phiếu trong danh mục RongViet Research (có giá trị vốn hóa tương đương 49% toàn thị trường, không bao gồm ROS) ước tính khá tích cực, lần lượt là 22% và 16% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, theo tổng hợp dự báo của Bloomberg, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 2017 của 80 doanh nghiệp (chiếm 76% tổng vốn hóa thị trường) đạt khoảng 12,7%. Mức tăng trưởng này không quá cao nhưng cũng có thể giúp thị trường tăng điểm ổn định đồng thời đảm bảo mức định giá P/E không tiếp tục tăng hoặc điều chỉnh nhẹ.

Xét về cung cầu và dòng tiền, dòng tiền nội vẫn là động lực cho sự tăng trưởng của thị trường. Mặc dù giá trị cho vay ký quỹ bình quân năm 2016 đã tăng khoảng 45% so với mức bình quân của năm 2015, con số này chỉ tương đương khoảng 65% tổng vốn chủ sở hữu của các CTCK vào cuối năm 2016 và chỉ bằng khoảng 33% mức tối đa mà các CTCK có thể cho vay theo Quyết định 87/QĐ-UBCK.

Vấn đề còn lại phụ thuộc vào mặt bằng lãi suất, yếu tố ảnh hưởng đến mức độ sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư. Ước tính tỷ lệ M2/GDP đã tăng lên mức kỷ lục 157,6% vào cuối năm 2016, cộng với các yếu tố rủi ro về lạm phát và tỷ giá thì khó có thể chờ đợi một chính sách tiền tệ nới lỏng như hai năm vừa qua.

Tuy nhiên, theo đánh giá của VDSC, NHNN với mong muốn hỗ trợ sự phát triển của các ngành nghề chủ chốt cũng như sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, chính sách tiền tệ sẽ linh hoạt theo sát diễn biến của lạm phát thay vì thắt chặt đột ngột. Mặt bằng lãi suất theo đó được dự báo sẽ không có biến động bất thường trong năm 2017.

Kết hợp cả dự báo tăng trưởng thu nhập của các doanh nghiệp chủ chốt trong ngành và cung cầu tiền, thị trường nhìn chung đang có điều kiện thuận lợi để duy trì xu hướng tăng trong năm 2017. Với dự báo ở trên về tăng trưởng lợi nhuận năm 2017 và khả năng duy trì (hoặc điều chỉnh nhẹ) mức định giá hiện tại, VDSC dự đoán VnIndex (loại trừ ROS) đóng cửa có thể tăng khoảng 10,4%.

Tuy nhiên, với đặc trưng hỗ trợ bởi dòng vốn nội (chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân) thị trường rất dễ có biến động mạnh trong ngắn hạn và tạo ra nhiều sóng nhỏ. Với lập luận này, thị trường có nhiều khả năng xác lập mức điểm cao nhất trong năm vào khoảng tháng 6 – tháng 8 khi mà câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp đã dần hiện rõ; thỏa mãn hay thất vọng đều thường tạo nên biến chuyển mạnh trên thị trường. Quan trọng hơn, 2017 là năm mà tỷ giá sẽ là vấn đề nhạy cảm mà cơn sốt tỷ giá trong 2 năm vừa qua thường diễn ra vào giai đoạn tháng 6 – tháng 8.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên