Chứng khoán hóa nợ xấu
Sau nhiều năm, chứng khoán hóa nợ xấu vẫn chưa sẵn sàng được thực hiện do thiếu hành lang pháp lý.
- 06-07-2021Sàn mua bán nợ xấu: Vẫn vướng hành lang pháp lý
- 29-06-2021Thị trường mua, bán nợ xấu chưa chuẩn hoá thông tin
- 26-06-2021VAMC chuẩn bị khai trương Sàn giao dịch nợ xấu
Trong khi chờ hành lang pháp lý cho chứng khoán hóa nợ xấu, thì sàn giao dịch nợ VAMC sắp ra đời.
Nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng trong quý 1/2021. Nguồn: BCTC
Sàn giao dịch nợ ra trước
Theo giới chuyên gia, sàn giao dịch nợ VAMC ra đời tới đây là bước đi cần thiết để áp dụng các giải pháp xử lý nợ cao hơn.
Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ có hai mảng hoạt động chính. Thứ nhất là hoạt động môi giới mua bán các khoản nợ xấu, tức sàn sẽ làm trung gian mua bán nợ xấu. Hoạt động này không bao gồm hoạt động bán đấu giá.
Thứ hai là tư vấn mua bán nợ xấu. Theo đó, Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ là đầu mối tập hợp thông tin về các khoản nợ xấu mà các tổ chức tín dụng (TCTD) mong muốn đưa lên giao dịch tại sàn.
Nguồn hàng cung cấp cho sàn giao dịch nợ gồm 2 nguồn chính. Nguồn đầu tiên là các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường. Nguồn hàng này ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng và sẽ được đưa lên lên giao dịch ngay sau khi sàn giao dịch nợ ra đời. Nguồn thứ hai là nguồn nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt. Trước khi giao dịch khoản nợ xấu này, phải có sự thống nhất giữa VAMC và các TCTD về phương thức xử lý nợ. Nếu khoản nợ xấu nào được thỏa thuận bán cho bên thứ ba thì sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch nợ...
Bao giờ "chứng khoán hóa nợ xấu"?
Còn nhớ vào năm 2013, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ quốc gia khẳng định, chưa thể thực hiện chứng khoán hóa nợ xấu do chưa làm tốt định giá, phân loại nợ, thị trường chứng khoán (TTCK) còn nhỏ, chưa đa dạng nhà đầu tư.
Nợ xấu vẫn được các ngân hàng rao riết rao bán nhưng để đóng gói phát hành chứng khoán hóa thì vẫn còn chờ pháp lý (ảnh: Tòa nhà Crystal Palace ở vị trí đất vàng Phú Mỹ Hưng đang bị BIDV siết nợ, phát mãi)
Trong khi TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cũng từng chia sẻ với DĐDN, dù Nghị quyết 42/QH14 của Quốc hội đã đề cập đến sàn giao dịch nợ xấu, nhưng chưa có quy định về chứng khoán hóa nợ xấu để tạo hành lang pháp lý triển khai công cụ này.
So với năm 2013, đến nay thị trường mua bán nợ đã có hoạt động tốt hơn. Quy mô TTCK từ chỗ tương đương 31% GDP, nay đã đạt 90,4% GDP. Các sản phẩm tài chính phái sinh đã có, đi cùng là sự thu hút quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức, cá nhân… Nhưng vấn đề mấu chốt lúc này vẫn là hành lang pháp lý: Chưa có quy định chính thức nào "bật đèn" cho hoạt động chứng khoán hóa nợ xấu.
Trong khi đó, đại dịch COVID-19 có thể sẽ mang đến những hệ lụy mới đối với hệ thống ngân hàng. Đặc biệt theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc tại Việt Nam, ngân hàng đang tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ ở hôm nay và tạm đẩy rủi ro về tương lai.
Rủi ro đó chính là nợ xấu với cơ chế dồn lại, được xử lý ngắt đoạn trong 3 năm. Liệu đây có là quãng thời gian đủ đề bàn lại về chứng khoán hóa nợ xấu?
Diễn đàn doanh nghiệp