Chứng khoán Mỹ biến động thế nào dưới thời các đời tổng thống?
Tính từ khi ông Trump nhậm chức tới ngày 30/9 (678 ngày giao dịch), chỉ số S&P 500 đã tăng 31%...
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ít lần nhấn mạnh rằng thị trường chứng khoán là một trong những công cụ tốt nhất để đo lường các chính sách của chính quyền dưới sự điều hành của mình. Tính từ khi ông Trump nhậm chức tới ngày 30/9 (678 ngày giao dịch), chỉ số S&P 500 đã tăng 31%.
Vậy, chỉ số S&P 500 đã biến động như thế nào dưới các kỳ tổng thống trước đây? Dưới đây là dữ liệu được thống kê bởi CNN Business.
Ronald Reagan
Ảnh: Getty Images.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Ronald Reagan tại Nhà Trắng, Phố Wall không thực sự khởi sắc. Do tác động từ cuộc chiến lạm phát của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Paul Volcker, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái ngắn vào tháng 7/1981. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên gần 11%. Tuy nhiên, việc FED tăng lãi suất và chính sách giảm thuế doanh nghiệp của ông Reagan cuối cùng cũng giúp giải quyết vấn đề lạm phát, đưa nền kinh tế Mỹ vào thời kỳ tăng trưởng nhanh. Dưới thời Reagan, Mỹ chi tiêu mạnh cho quân sự nhằm "đấu" với Liên Xô.
Dù nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, Phố Wall đã trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất dưới thời Reagan. Chỉ số Dow Jones giảm tới 22,6% vào ngày thứ Hai Đen Tối - tương đương khoảng 5.500 điểm hiện nay. Dù vậy, chỉ số S&P 500 đã có 5 năm tăng trưởng ở mức hai con số, bao gồm mức tăng 26% vào năm 1985.
George H.W. Bush
Ảnh: AP.
Nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng mạnh trong năm đầu tiên nhiệm kỳ của Tổng thống George H. W. Bush. Năm 1989, chỉ số S&P 500 tăng 27%.
Tuy nhiên, sau đó, cuộc khủng hoảng tiết kiệm và vay nợ cùng chiến tranh vùng Vịnh nổ ra. Tăng trưởng sụt giảm, kinh tế Mỹ suy thoái nhẹ vào tháng 7/1990.
Dù suy thoái kết thúc vào tháng 3/1991, nền kinh tế nước này phục hồi khá chậm chạp. Hai năm sau đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở quanh mức 7%. Nền kinh tế ì ạch đã khiến George H. W. Bush bị đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992.
Bill Clinton
Ảnh: Reuters.
Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, chứng khoán Mỹ tăng trưởng đột biến - chỉ số S&P 500 tăng tới 210% - khi các nhà đầu tư lạc quan về Internet và tăng trưởng kinh tế vượt bậc. Nhiệm kỳ của Clinton có 2 trong số 10 năm đỉnh của chỉ số S&P 500: 1995 và 1997. Trong hai nhiệm kỳ của ông, có tới 5 năm GDP của Mỹ đạt mức tăng trưởng 4%. Tỷ lệ lạm phát được duy trì ổn định, còn tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 4%. Mỹ chứng kiến thời kỳ tăng trưởng kinh tế dài nhất trong lịch sử hiện đại.
Thời gian này, bong bóng dotcom đã khai sinh một ngành hoàn toàn mới. Chỉ số Nasdaq tăng gấp 7 lần trong khoảng từ năm 1993 tới giữa năm 2000.
George W. Bush
Ảnh: AP.
Đặt cược rằng một doanh nhân đứng đầu Nhà Trắng sẽ giúp mang lại lợi nhuận lớn, nhiều nhà đầu tư đã phải thất vọng trong nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush. Dưới thời Bush con, chỉ số S&P 500 sụt 40%, mức giảm mạnh nhất trong các kỳ tổng thống thời hiện đại.
Bush tiếp quản Nhà Trắng vào thời điểm bong bóng dotcom vỡ, gây ra cuộc suy thoái năm 2001. Suy thoái càng thêm trầm trọng sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9.
Năm 2004 và 2005, tăng trưởng kinh tế phục hồi nhẹ, một phần nhờ lãi suất thấp và sự bùng nổ của thị trường bất động sản. Nhưng bong bóng vẫn tiếp tục xuất hiện, mở ra cuộc Đại Suy Thoái và cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại.
Vào quý cuối cùng trong nhiệm kỳ của Bush, GDP của Mỹ giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng nhanh. Năm 2008, chỉ số S&P 500 sụt 38%, năm tồi tệ nhất kể từ thời Đại Khủng Hoảng.
Barack Obama
Ảnh: Reuters.
Cơn khủng hoảng của Phố Wall vẫn tiếp diễn trong vài tháng đầu nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama. Ngành công nghiệp tài chính và ôtô đứng trên bờ vực sụp đổ trước khi nhận được các gói cứu trợ của chính phủ. Năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh 10%, gấp đôi trong gần một năm.
Thị trường chứng khoán Mỹ chạm đáy vào tháng 3/2009, nhưng sau đó nền kinh tế bắt đầu hồi phục dần, giúp mở ra thời kỳ thị trường giá lên (bull martket) dài nhất trong lịch sử Mỹ.
Tuy vậy, quá trình phục hồi từ Đại Suy Thoái diễn ra khá lâu và chậm chạp. Dưới thời ông Obama, tăng trưởng GDP của Mỹ chưa bao giờ đạt mức 3%.
Với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, FED tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Thử nghiệm chưa từng có của FED đã giúp thị trường chứng khoán tăng mạnh - chỉ số S&P 500 tăng gần gấp 3 lần dưới thời Obama - nhưng cũng góp phần gia tăng bất bình đẳng và chủ nghĩa dân túy.
Donald Trump
Ảnh: Getty Images.
Chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 ban đầu giúp Phố Wall tăng điểm ngoạn mục. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gồm giảm thuế, bỏ một số quy định và chi tiêu vào cơ sở hạ tầng của ông Trump đã giúp chỉ số Dow Jones tăng từ 18.332 điểm (vào ngày bầu cử) lên trên 21.000 điểm vào tháng 3/2017.
Chương trình cải cách thuế của ông Trump giúp Phố Wall bùng nổ. Chỉ số Dow Jones có thời điểm tăng lên trên 26.000 điểm. Tăng trưởng kinh tế đạt hơn 4% vào giữa năm 2018. Lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng tăng mạnh. Còn tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 4%.
Từ đó đến nay, chứng khoán Mỹ chứng kiến nhiều biến động mạnh, chủ yếu do các cú sốc trong chính sách thương mại của Mỹ với quốc tế - nhưng nhìn chung, vẫn duy trì xu hướng tăng. Thậm chí việc ông Trump bị điều tra luận tội cũng không ảnh hưởng nhiều tới mức tăng của thị trường chứng khoán. Tính từ khi ông Trump nhậm chức tới 30/9/2019, chỉ số S&P 500 đã tăng 31%.
VnEconomy