MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Mỹ liên tiếp xác lập kỷ lục buồn, viễn cảnh bi quan lên ngôi

17-03-2020 - 13:15 PM | Tài chính quốc tế

Hai lần liên tiếp xác lập cú sập tồi tệ nhất kể từ năm 1987, chứng khoán Mỹ dường như vẫn chưa biết đâu là đáy.

Các nhà đầu tư đang vật lộn trong sự hoảng loạn, bắt nguồn từ sự bất định do virus corona gây ra với kinh tế toàn cầu. Việc đóng cửa ở nhiều quốc gia, bao gồm cả những nền kinh tế lớn nhất thế giới, tác động nặng nề tới các hoạt động kinh tế. Nó làm lu mờ những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách trong việc hạn chế bớt tác động của dịch bệnh với các nền kinh tế.

Biến động, dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao, khiến bóng đen u ám bao phủ quan điểm của các nhà đầu tư và chiến lược gia.

Không thể đầu tư

Đó là quan điểm của Nadine Terman, CEO Solstein Capital LLC. "Khi VIX trên 31, chúng ta không thể đầu tư. Vấn đề còn nghiêm trọng hơn khi các thiên đường trú ẩn như vàng và Trái phiếu kho bạc cũng đi xuống cùng nhiều tài sản khác. Bạn sẽ phải vô cùng thận trọng", Terman nhận định.

Ở thời điểm hiện tại, cái gọi là chỉ số đo nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư liên tục ở mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Chứng khoán Mỹ liên tiếp xác lập kỷ lục buồn, viễn cảnh bi quan lên ngôi - Ảnh 1.

Sẽ còn sụt giảm

"Để thị trường có thể phục hồi trong lâu dài, chúng tôi tin rằng chúng ta cần nhìn thấy những chính sách đặc biệt, điều chưa xảy ra hoặc các chính sách hiện có phải trực tiếp hơn. Chúng ta cần phải cảm thấy tự tin trước khả năng kiểm soát dịch bệnh. Điều này dường như vẫn còn khá xa vời. Mọi thứ có thể sẽ tồi tệ hơn rất nhiều trước khi có thể tốt lên", các chiến lược gia của JPMorgan Chase & Co., trong đó có Mislav Matejka, nhấn mạnh.

Theo Matejka, cổ phiếu từng mất đi một nửa giá trị trong 2 cuộc suy thoái gần đây. Hiện nay, chúng mới mất 20% giá trị. Ba cuộc suy thoái gần đây cũng có mức P/E lần lượt là 10,1, 13,8 và 10,2 lần. Trong khi đó, P/E hiện tại là 15,2 lần và 14,5 lần trong 2 lần chạm đáy liên tiếp gần đây. Có lẽ, thị trường sẽ còn sụt giảm.

Chứng khoán Mỹ liên tiếp xác lập kỷ lục buồn, viễn cảnh bi quan lên ngôi - Ảnh 2.

Không thể dự đoán

Jon Hill, chiến lược gia lợi suất Mỹ của BMO Capital Markets, thì cho rằng VIX đóng cửa trên 80 là điều mới xảy ra 3 lần trong lịch sử. Đó là mối quan ngại sâu sắc. Hai lần trước, VIX đạt đỉnh này trong quý IV năm 2018.

"Lúc này, chúng ta đang đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng. Những điều tiếp theo là gần như không thể dự đoán. Tuy nhiên, việc tiếp tục các động thái hỗ trợ thị trường là điều có thể nhìn thấy trước", Hill chia sẻ.

Các chính phủ hành động

Mark Haefele, giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management, cho biết: "Các chính phủ đã bắt đầu công bố chính sách tài khóa, điều mà thị trường đang trông đợi. Mục tiêu của họ là giúp các doanh nghiệp sống sót qua cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, để trấn an thị trường trong trường hợp gần như không có thông tin tốt về sự kiểm soát virus, chúng ta cần những cam kết cởi mở hơn từ các chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân đối phó với các vấn đề về dòng tiền, phát sinh từ sự bùng phát của COVID-19".

Vẫn là tạm thời

Từ tuần này, những báo cáo kinh tế được công bố có thể sẽ bắt đầu phản ánh tác động tiêu cực từ nỗ lực ngăn chặn COVID-19 lây lan. "Không còn nghi ngờ gì nữa, đó sẽ là những tin tức tồi tệ. Tuy nhiên, ít nhất các nhà đầu tư có thể tiếp cận với các thông tin cơ bản và chính thống. Nỗi sợ về những con số xấu thường tệ hơn trước khi chúng thành hiện thực", Jim Paulsen, chiến lược gia đầu tư chính của Leuthold Group, nhận định.

Khi cuộc khủng hoảng này bắt đầu, nhiều người tin rằng nó chỉ là tạm thời. Các nền kinh tế có thể vượt qua được khủng hoảng khi có sự đồng thuận về việc ảnh hưởng chỉ là tạm thời và nền kinh tế sẽ phục hồi. Giá cổ phiếu và lợi suất trái phiếu sẽ tăng không chỉ để phản ánh sự phục hồi mà còn là hiệu ứng của sự đảo ngược nỗi sợ.

Lập kế hoạch tốt nhất cho những gì tệ nhất

Eleanor Creagh, chiến lược gia thị trường tại Saxo Capital Markets, cho rằng: "Vẫn còn quá sớm để nói cuộc khủng hoảng y tế do virus corona gây ra sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng và tệ hơn là một cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như mức độ tác động của nó. Tuy nhiên, niềm tin đang rất yếu trong khi nỗi sợ hãi từ sự không chắc chắn đặt hàng loạt tài sản dưới áp lực mạnh mẽ".

Theo Creagh, thị trường sẽ cần thời gian để định giá lại. "Hãy lập kế hoạch tốt nhất cho những gì tệ nhất", Creagh nhấn mạnh.

Sự hoảng loạn dây chuyền

Altaf Kassam, Trưởng phòng Chiến lược & Nghiên cứu Đầu tư EMEA của State Street Global Advisors, nhận định điều tạo ra cảm giác hoảng loạn chính là tốc độ và mức độ của việc bán tháo. Virus càng lây lan mạnh mẽ, thị trường tài chính sẽ càng trượt dốc. Câu hỏi đặt ra lúc này là những gì các nhà hoạch định chính sách làm có thể mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường và họ có thể làm hơn thế nữa hay không.

Đỉnh cao của sự không chắc chắn

Manishi Raychaudhuri, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương tại BNP Paribas SA có trụ sở tại Hồng Kông, nói rằng: "Các nhà đầu tư trên thế giới không thể hình dung được những số liệu cơ bản nhất trong bối cảnh dịch bệnh leo thang. Chúng ta đang sống trong một môi trường không chắc chắn rất cao".

Tham khảo: Bloomberg

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên