Chứng khoán SHS báo lãi quý 3/2022 sụt giảm 64% so với cùng kỳ
Sau 9 tháng, SHS mới chỉ thực hiện được gần 1% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm (2.026 tỷ đồng)
CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (Mã chứng khoán: SHS) vừa công bố BCTC quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022.
Công ty ghi nhận doanh thu hoạt động quý 3 đạt 298 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ, trong đó lãi cho vay và phải thu đạt 118 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Tương tự lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 60% xuống còn 85 tỷ đồng trong khi doanh thu môi giới giảm phân nửa so với cùng kỳ, đạt 61 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu tư vấn tài chính tăng mạnh từ mức hơn 1 tỷ đồng của quý 3/2021 lên gần 16 tỷ đồng trong năm nay.
Cùng chiều với doanh thu, chi phí hoạt động của SHS cũng giảm 34% so với cùng kỳ xuống mức 141 tỷ đồng trong quý 3. Chi phí tài chính được tiết giảm 26% xuống 29 tỷ đồng (chủ yếu là lãi vay) trong khi chi phí quản lý công ty chứng khoán tăng gấp 2,4 lần lên 22 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 3 của SHS giảm 64% so với cùng kỳ, đạt 88 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý 3/2022 của SHS
Lũy kế 9 tháng đầu năm, SHS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 932 tỷ đồng, giảm sâu 47% so với cùng kỳ. Do khoản lỗ lớn của quý 2 nên lợi nhuận sau thuế 9 tháng vỏn vẹn 20 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ.
Với kết quả đạt được, SHS mới chỉ thực hiện được gần 1% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm (2.026 tỷ đồng) được thông qua tại đại hội cổ đông.
Thời điểm 30/9, tổng tài sản của SHS đã tăng nhẹ so với đầu năm lên gần 11.400 tỷ đồng. Các khoản cho vay và phải thu chiếm tỷ trọng lớn nhất với số dư cuối kỳ hơn 3.269 tỷ đồng trong đó dư nợ cho vay ký quỹ (margin) hơn 3.067 tỷ đồng, còn lại là các khoản ứng trước tiền bán 202 tỷ đồng. So với cuối quý trước, cho vay margin của SHS đã tăng 435 tỷ đồng.
Danh mục tự doanh của SHS cũng tăng thêm sau quý 3, trong đó các khoản FVTPL có giá trị hợp lý hơn 4.500 tỷ đồng, tăng gần 550 tỷ so với cuối quý 2. Danh mục bao gồm cổ phiếu (2.594 tỷ đồng) - thêm mới EIB và các cổ phiếu khác so với cuối quý 2 ; trái phiếu (2.067 tỷ đồng) và giấy tờ có giá (51 tỷ đồng).
Ngoài ra, SHS còn có khoản AFS với giá trị ghi sổ gần 675 tỷ đồng gồm cổ phiếu SHB, BCG và TCD. Các khoản HTM chiếm 900 tỷ đồng, đều là công cụ thị trường tiền tệ.
Nhịp Sống Thị Trường