MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán tháng 5: “Sell in May” sẽ lặp lại?

Theo thống kê, kể từ thời điểm ra đời vào năm 2000, chỉ số VnIndex đã có 9 năm giảm điểm, trong khi số năm tăng điểm chỉ là 5.

Như thường lệ, mỗi đợt tháng 5 về, TTCK lại trở nên “ám ảnh” với câu nói “Sell in May and go away” (Bán chứng khoán vào tháng 5 và đi chơi). Đây cũng là điều dễ hiểu bởi tháng 5 thực sự là khoảng thời gian không mấy tích cực với TTCK Thế giới, trong đó có TTCK Việt Nam.

Theo thống kê, kể từ thời điểm ra đời vào năm 2000, chỉ số VnIndex đã có 9 năm giảm điểm, trong khi số năm tăng điểm chỉ là 5. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng nhất định của giới đầu tư trong khoảng thời gian này.

Tháng 5 giảm điểm đang là xu thế chủ đạo

Tháng 5 giảm điểm đang là xu thế chủ đạo

Việc TTCK tháng 5 diễn biến không thực sự tích cực có thể lý giải bởi đây là giai đoạn khoảng trống thông tin xuất hiện. Hầu hết các tin tức vĩ mô quan trọng trong nước đều được công bố vào quý 1, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chủ yếu rơi vào tháng 4. Tháng 5 là thời điểm các thông tin lác đác xuất hiện, thị trường thiếu vắng sự hỗ trợ dẫn tới xu thế thận trọng là chủ đạo trên thị trường.

Ảnh hưởng bởi dòng vốn khối ngoại

Bên cạnh những yếu tố từ việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ, giao dịch của khối ngoại cũng là tác nhân ảnh hưởng tới thị trường trong tháng 5.

Hoạt động mua, bán của khối ngoại trên thị trường có tính chu kỳ khi họ thường mua ròng mạnh vào giai đoạn đầu năm và cuối năm. Trong khi giữa năm là thời điểm bán ròng của họ. Có thể điều này cũng xuất phát từ tâm lý “Sell in May” và trên thực tế, việc khối ngoại bán ròng đã ảnh hưởng tiêu cực tới diễn biến thị trường trong những năm trước.

Giai đoạn gần đây, khối ngoại có xu hướng mua ròng nhưng dòng tiền này không chảy trực tiếp vào các quỹ ETF mà chủ yếu thông qua chứng chỉ P-notes. Theo nhiều chuyên gia, đây là dòng tiền “nóng” và có tính đầu cơ cao. Do đó, thị trường sẽ đối mặt với rủi ro lớn bởi dòng vốn này đảo chiều rất nhanh.

Áp lực điều chỉnh sau kỳ nghỉ lễ

Thời điểm hiện tại, nhiều yếu tố quốc tế đang không thực sự ủng hộ xu hướng tăng trưởng của TTCK trong nước.

Sau khi bứt phá mạnh từ đầu năm, giá dầu hiện đang giằng co trong vùng 45 USD/thùng. Theo dự báo, nhiều khả năng giá dầu sẽ dao động trong khoảng 40-50 USD/thùng trong năm nay. Do đó, yếu tố này sẽ khiến cổ phiếu dầu khí- nhóm có ảnh hưởng lớn tới thị trường không còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Bên cạnh đó, TTCK Mỹ- nơi ảnh hưởng không nhỏ tới các quyết định đầu tư toàn cầu cũng đang giao dịch tại vùng đỉnh mọi thời đại và đang chịu áp lực điều chỉnh khá lớn. Trong trường hợp các chỉ số Dow Jones, S&P 500 quay đầu đảo chiều, chắc hẳn TTCK Việt Nam sẽ khó có thể bứt phá.

Chỉ số Dow Jones đang giằng co quanh vùng đỉnh 18.000

Chỉ số Dow Jones đang giằng co quanh vùng đỉnh 18.000

Trước giai đoạn nghỉ lễ, chỉ số VnIndex đã tăng ấn tượng và áp sát mốc 600 điểm. Tuy vậy, dòng tiền vào thị trường là khá yếu và hiện chưa có dòng cổ phiếu nào đủ mạnh để dẫn dắt đà tăng chung. Với việc thiếu vắng động lực tăng trưởng cả trong nước lẫn quốc tế, TTCK Việt Nam sau giai đoạn nghỉ lễ hẳn sẽ gặp những thách thức không dễ vượt qua.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên