MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán tháng 5: Theo quỹ đạo nào?

Tháng 5 năm nay có vẻ khá khó dự đoán đối với TTCK khi có người lo ngại về tâm lý “Sell in May”, có người kỳ vọng các cổ phiếu trụ cột sẽ thay nhau dẫn dắt VN-Index đi lên, và có người cho rằng cổ phiếu sẽ bị bán ra trước khi được mua trở lại vào cuối tháng.

Theo một khảo sát của PV, những người tham gia thị trường, từ các chuyên gia phân tích tới nhà quản lý quỹ hay môi giới đều có những nhận định khác nhau về thị trường.

Từ góc độ chuyên gia phân tích, ông Nguyễn Thế Minh từ Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng thị trường bước sang tháng 5 khi chỉ số VN-Index đang gặp ngưỡng cản tâm lý 600 điểm – một ngưỡng kháng cự nhạy cảm nhất với thị trường giống như năm 2014 và 2015. Mặc dù VN-Index đã liên tục “test” ngưỡng này trong những phiên vừa qua nhưng chưa vượt qua dứt điểm được.

Diễn biến gần đây cho thấy đà tăng của chỉ số VN-Index đến từ các cổ phiếu trụ cột như VIC,VNM và BVH, cộng với đó là việc khối ngoại mua ròng. Tuy nhiên, mức độ lan rộng từ đà tăng của các cổ phiếu này sang thị trường chung không có, ngoại trừ nhóm cổ phiếu ngành thép.

Ngoài việc một ngưỡng kháng cự mạnh đang thách thức chỉ số VN-Index, ông Minh còn bày tỏ sự thận trọng với diễn biến của thị trường toàn cầu khi thời gian qua các chỉ số chứng khoán của Mỹ và thế giới đều đang điều chỉnh ngắn hạn sau giai đoạn tăng từ đầu năm. Giá đầu Brent cũng tương đồng khi điều chỉnh do lo ngại lượng cung dầu mỏ từ Mỹ tăng.

Đặc biệt, tháng 5 có ảnh hưởng của hiện tượng tâm lý “Sell in May and go away”, thường khiến giới đầu tư thận trọng. Đây là giai đoạn kỳ đại hội cổ đông của các doanh nghiệp gần như kết thúc và kết quả kinh doanh đều đã cho ra, nên không có thông tin hỗ trợ cho doanh nghiệp nữa, và thị trường thiếu động lực để kéo dài đà tăng.

E ngại rủi ro đến từ thị trường thế giới nhiều hơn từ trong nước, vị chuyên gia phân tích của VCSC cho rằng nên thận trọng với giai đoạn này.

Từ góc độ quản lý quỹ, ông Bùi Huy Hoàng – một nhà quản lý cho một quỹ đầu tư của Nhật Bản – cho rằng “năm nay sẽ là 1 năm khác, không có ‘sell in May’”.

Theo ông, thị trường đã phải lên 1 giai đoạn dài và giao dịch phải lên 3-3,5 nghìn tỷ đồng, khi đó lượng tiền margin (hệ số đòn bẩy) đã cuốn theo nhiều tiền, rồi mới có “Sell in May”, nhưng giao dịch hiện nay mới chỉ loanh quanh 1,8-2 nghìn tỷ đồng, thậm chí có hôm chỉ 1,4-1,6 nghìn tỷ đồng.

“Rủi ro từ margin tổng thị trường chưa có khi chưa có những phiên phân phối 3-3,5 nghìn tỷ đồng trong 1 chu kỳ kéo dài từ 1-3 tuần thì chưa thể ‘sell’ được. Áp lực ‘Sell in May’ sẽ không có”.

Nhận định về diễn biến của thị trường trong tháng 5, nhà quản lý quỹ này cho rằng: “Diễn biến trong thị trường này có thể là 3 xanh-1,5 đỏ, tức là thị trường có thể lên 1 phiên xanh, 2 phiên xanh, phiên thứ 3 sẽ gặp áp lực ngắn hạn, đạp chỉ số xuống”.

Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng thị trường sẽ có sự phân hóa chứ không tăng tổng thể, tập trung vào 4-6 cổ phiếu trụ vì có dòng tiền mặt ngắn hạn từ P-notes – dòng tiền có yếu tố đầu cơ chỉ số từ nước ngoài. Điểm sẽ gặp áp lực chốt lời lớn có thể rơi vào vùng 608-615 điểm - là vùng trước đây bị kẹt khá nhiều.

“Xu thế lên vẫn bền, các cổ phiếu trụ sẽ thay phiên nhau dẫn dắt chỉ số, còn các cổ phiếu đầu cơ không lên được bây giờ”, ông Hoàng nhận định, cho rằng năm nay sẽ hơi giống với năm 2013, khi thời điểm bán ra có thể lùi sang tháng 6.

Một điểm nữa khiến thị trường khó có thể xuống sâu, theo ông Hoàng, là ĐHCĐ của Vinamilk sẽ được tổ chức vào ngày 21/5, trong đó sẽ bàn về vụ nới room. Từ nay đến ít nhất là khi đó, cổ phiếu VNM sẽ đóng vai trò khá lớn trong việc đỡ chỉ số.

Từ góc độ môi giới, ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng môi giới chi nhánh Hải Phòng của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) – cũng cho rằng “Tháng 5 năm nay sẽ khác”, vì nó được chào đón bởi nhiều sự kiện chính trị, kéo theo sự xoay chuyển về kinh tế vĩ mô. Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

“Vẫn có thể xảy ra tình huống ‘Sell in May’ nhưng khả năng đó ít” ông nhận định, cho rằng nếu có xảy ra, việc cổ phiếu bị bán trong tháng 5 sẽ kết thúc sớm, vào khoảng ngày 15-20/5, để đón sự kiện chính trị lớn là Tổng thống Mỹ Barrack Obama sang thăm Việt Nam.

Được hỏi về việc liệu có nên lạc quan khi chuyến thăm của Tổng thống Obama diễn ra trong bối cảnh ông sắp kết thúc nhiệm kỳ, ông Tuấn Anh cho rằng bên Mỹ có sự kết nối giữa các nhiệm kỳ gtổn thống, có cam kết chắc chắn của nhiệm kỳ trước với nhiệm kỳ sau. Hơn nữa, đây không chỉ là chuyến thăm chỉ để thăm hỏi. Khi Tổng thống Obama sang, các tập đoàn kinh tế và các quỹ lớn sẽ theo. Đó là cơ hội mở ra tương đối rõ đối với thị trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh lãnh đạo Việt Nam đang muốn nâng cấp thị trường chứng khoán lên một bậc.

Quan trọng hơn là các yếu tố về chính trị. Nhà môi giới hàng đầu của SSI này cho rằng những cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua tại cuộc gặp với các doanh nghiệp, và sự quan tâm của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến việc nâng tầm thị trường chứng khoán – sẽ là những cam kết có lợi cho thị trường, dù chưa phải tác động ngay, nhưng sẽ có ảnh hưởng trong tương lai không xa.

Trong khi đó, các công ty chứng khoán lớn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính đang ráo riết đẩy nhanh thị trường chứng khoán phái sinh, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu 2017 sẽ bắt đầu triển khai.

“Tổng thống Obama là một yếu tố. Cái trong nước đang ổn định, rất nhiều cam kết từ các lãnh đạo cấp cao đang hỗ trợ thị trường. Một loạt các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cũng đang giảm lãi suất từ 0,5-1%, nó ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đang dẫn dắt cho thị trường”.

Về khả năng nới room của Vinamilk trong cuộc họp ĐHCĐ sắp tới, ông Tuấn Anh cho rằng “Vinamilk đành rằng là yếu tố dẫn dắt, nhưng nó chỉ có tác động trong ngắn hạn, chứ không phải xu hướng toàn thị trường chung. Cái tác động chung liên quan đến kinh tế - chính trị, đó là cái rõ ràng, rõ nét, là cái ủng hộ thị trường trong thời tới, chứ không phải Vinamilk hay 1 mã cổ phiếu cố định nào đó”.

Theo Trung Nghĩa

Người đồng hành

Trở lên trên