Chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm vì lo ngại về bầu cử Tổng thống Mỹ
Các tài sản an toàn tăng giá mạnh. Đồng yên Nhật ở gần mức cao nhất 2 tuần so với USD, trong khi vàng tăng phiên thứ sáu liên tiếp.
- 02-11-2016400 nhà kinh tế viết thư khuyên cử tri Mỹ không bỏ phiếu cho Trump
- 02-11-2016Dù Trump hay Clinton thắng thì hãy cứ mua vàng
- 01-11-2016Phố Wall nói không với Donald Trump!
Cơn bán tháo tiếp tục bao trùm thị trường chứng khoán châu Á trong bối cảnh tín hiệu sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ của Fed không thể làm nhà đầu tư an tâm bởi họ đang rất lo lắng về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tuần tới.
Thị trường chứng khoán New Zealand chính thức bước vào giai đoạn điều chỉnh trong khi các cổ phiếu ở Sydney giảm ngày thứ 3 liên tiếp. Chỉ số tương lai của thị trường Hàn Quốc và Hồng Kông cùng hòa theo đà giảm của chứng khoán Mỹ.
Kết phiên 2/11, chỉ số S&P 500 giảm 0,7%, xuống còn 2.097 điểm. Đợt giảm điểm dài nhất 5 năm khiến chỉ số này thấp nhất 4 tháng. Dow Jones cũng giảm 0,4% và chỉ số Nasdaq mất 0,9%.
Ngược lại các tài sản an toàn tăng giá mạnh. Đồng yên Nhật ở gần mức cao nhất 2 tuần so với USD, trong khi vàng tăng phiên thứ sáu liên tiếp và trái phiếu do Chính phủ Australia và New Zealand tăng giá.
Thị trường gần như đã bỏ qua quyết định của Fed vì thông báo của Fed giống như những gì họ đã dự đoán. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ quyết định giữ nguyên lãi suất và để ngỏ khả năng tăng lãi vào cuối năm nay.
Nhà đầu tư nhanh chóng chuyển sự tập trung sang những ảnh hưởng của cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào tuần tới. Xác suất bà Clinton chiến thắng đã giảm khá mạnh sau khi Cục điều tra liên bang Mỹ tuyên bố mở lại vụ điều tra về những email của cựu Ngoại trưởng.
Theo Chris Weston, chiến lược gia tại IG Ltd., thông báo của FBI khiến rủi ro quay trở lại bàn cân. “Từng có thời điểm nhà đầu tư mua vào ồ ạt, các nhà quản lý tiền tệ tăng lượng tiền mặt trong danh mục và vui vẻ đón nhận những “cơn bão nhỏ”. Giờ đây sân chơi thuộc về các nhà bán khống ưa thích sự kết hợp giữa sự thiếu chắc chắn và thiếu thanh khoản”.