MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán thế giới xuống thấp nhất 4 tuần và USD tăng mạnh, báo hiệu một tuần mới tiếp tục sóng gió

21-06-2021 - 21:40 PM | Tài chính - ngân hàng

Chứng khoán thế giới xuống thấp nhất 4 tuần và USD tăng mạnh, báo hiệu một tuần mới tiếp tục sóng gió

Chứng khoán toàn cầu hôm nay 21/6 giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần do sự thay đổi bất ngờ về chính sách lãi suất theo hướng “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - điều làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro, trong khi giữ cho USD đứng ở mức cao nhất trong vòng gần 10 tuần.

Chứng khoán Châu Âu phiên đầu tuần ngày 21/6 giảm với chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,05%, chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,3%, IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 0,6%.

Tại Châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm mạnh nhất khu vực, với mức giảm 3,6% và giảm xuống dưới 28.000 điểm lần đầu tiên trong vòng 1 tháng gần đây. Chỉ số chứng khoán Châu Á- Thái Bình Dương không kể Nhật Bản giảm 1,4%, các chỉ số blue chip của Trung Quốc mất 0,7%.

Phố Wall của Mỹ mở cửa với thái độ bình tĩnh trở lại khi tăng nhẹ 0,2%, trong đó Nasdaq tăng 0,3%, sau khi S&P 500 giảm 1,3% trong phiên cuối tuần (18/6).

Nhìn chung, chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu – theo dõi cổ phiếu ở 49 quốc gia – những giờ đầu giao dịch của ngày đầu tuần 21/6 đã giảm 0,3%, xuống mức thấp nhất kể từ 24/5.

Chứng khoán thế giới xuống thấp nhất 4 tuần và USD tăng mạnh, báo hiệu một tuần mới tiếp tục sóng gió - Ảnh 1.

Mức độ biến động của các tài sản trong năm 2021

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hôm nay cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ 24/2, là 1,3540%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm giảm xuống mức 1,9290% lần đầu tiên kể từ ngày 11/2.

Đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ - được đo bằng chênh lệch giữa lợi suất kỳ hạn 2 năm và 30 năm - ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1 do các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất trong khi hạ thấp triển vọng dài hạn về tăng trưởng và lạm phát.

Đồng USD hôm nay dao động quanh mức cao nhất 10 tuần như ở phiên cuối tuần, sau khi trải qua tuần tăng mạnh nhất trong vòng hơn một năm - tăng gần 2% lên 92,233, cao nhất kể từ giữa tháng 4/2020.

Đồng euro hôm nay giao dịch ở mức thấp gần nhất so với USD kể từ ngày 6/4, là 1,1887 USD, so với mức cao 1,21457 USD hôm 15/6.

Đồng bảng Anh hôm nay hồi phục nhẹ khi tăng 0,3% lên 1,3836 USD, sau khi hôm thứ Sáu (18/6) đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 16/4.

Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm xuống thấp nhất 6 tuần do USD mạnh lên. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm nay đưa ra tỷ giá tham chiếu là 6,4546 CNY/USD, thấp nhất kể từ 13/5.

Các loại tiền tệ liên quan đến hàng hóa hôm nay cũng biến động mạnh, với đô la Australia dao động trên mức thấp nhất 6 tháng, là 0,7495 USD.

Đồng bạc xanh mạnh lên cũng góp phần gây áp lực giảm giá lên tiền điện tử. Theo đó, Bitcoin hôm nay có lúc giảm xuống còn 32.288 USD, mức thấp chưa từng có kể từ ngày 8/6, trong khi đối thủ của Bitcoin là ether cũng giảm xuống dưới 2.000 USD lần đầu tiên kể từ 23/5.

Đối với thị trường hàng hóa, giá vàng hôm nay tăng trở lại, lên 1.782,8 USD, kết thúc chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp, nhưng vẫn quanh mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5. Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London hôm nay giảm xuống mức thấp nhất kể từ 15/4, sau khi đã mất 8,6% trong tuần qua – mức giảm trong tuần nhiều nhất kể từ tháng 3/2020.

Giá dầu thô hôm nay tăng, đúng như dự đoán là dầu mỏ sẽ còn tiếp tục tăng, bởi nhu cầu mạnh trong mùa lái xe – mùa Hè, và cuộc đàm phán về khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran bị tạm dừng, có thể sẽ dẫn tới việc OPEC+ cũng sẽ trì hoãn việc tăng tốc nguồn cung. Sáng 21/6, giá dầu Brent tăng 0,2% lên 73,64 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,3% lên 71,83 USD/thùng.

"Đồng USD tuần qua tăng mạnh là do sự kết hợp của sự kỳ vọng và một số manh mối (về lượng USD bán ra), mối lo ngại rằng Fed sẽ phải hành động sớm hơn dự kiến, khiến thị trường chứng khoán bắt đầu mất điểm", chiến lược gia cấp cao của SEB, Filip Carlsson, cho biết. Tuy nhiên, ông Carlsson cho rằng những gì đang diễn ra "là một sự điều chỉnh, chứ không phải sự khởi đầu của một xu hướng mới’. Mặc dù vậy, đồng USD được coi là một loại tiền tệ "phòng thủ" mạnh nhất, do đó khi USD tăng cao thì thị trường chứng khoán và hàng hóa luôn biến động mạnh.

Cổ phiếu của các ngân hàng, công ty năng lượng và các công ty khác - có xu hướng nhạy cảm với những biến động của nền kinh tế - đã giảm mạnh sau cuộc họp của Fed vào thứ Tư (16/6), khi ngân hàng trung ương Mỹ đột nhiên đưa ra dự báo sẽ có 2 đợt tăng lãi suất vào năm 2023.

Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard, là tác nhân làm gia tăng hoạt động bán tháo tài sản đầu tư vào hôm thứ Sáu (18/6), khi ông nói rằng việc chuyển sang chính sách thắt chặt nhanh hơn dự kiến là một phản ứng "tự nhiên" đối với tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là lạm phát - đang diễn biến nhanh hơn dự kiến ​​khi đất nước mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley trong một thông tin phát đi đã viết: "Theo quan điểm của chúng tôi, việc Fed bắt đầu thảo luận về thắt chặt tiền tệ gây bất ngờ nhất, nhưng các thị trường đã bắt đầu bước vào quá trình giảm giá không thể tránh khỏi này từ nhiều tháng trước", "Chính xác hơn thì đó là tất cả những vấn đề của quá trình chuyển đổi giữa các chu kỳ và rất phù hợp với phân tích của chúng tôi về thị trường chứng khoán với mức điều chỉnh dự báo sẽ phổ biến lên tới 10-20% trong năm nay".

Một số quan chức của Fed sẽ có bài phát biểu trong tuần này, trong đó có Chủ tịch Jerome Powell sẽ điều trần trước Quốc hội vào thứ Ba (22/6) và một số quan chức khác như các chủ tịch Fed của các bang New York, San Francisco, Cleveland, Atlanta và St. Louis. Những bài phát biểu này sẽ được thị trường theo dõi chặt chẽ để biết thêm ý đồ của Fed trong kế hoạch thay đổi chính sách tiền tệ.

Tham khảo: Reuters

Thu Ngân

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên