MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán thời Covid-19: "Dĩ bất biến, Ứng vạn biến"

Theo ông Nguyễn Hồng Điêp, chứng khoán sẽ có rất nhiều điều bất ngờ, thậm chí có những phiên sụt giảm mạnh, nhưng chúng ta luôn giữ vững nguyên tắc, chuẩn bị trước các phương án phòng vệ, giữ vị thế đầu tư thì cơ hội năm 2020 là rất to lớn.

Dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những tác hại vô cùng to lớn trên phạm vi toàn cầu. Không chỉ ảnh hưởng về sự an toàn, sức khỏe con người, mà dịch bệnh còn là tác nhân gây ra suy thoái kinh tế. Trong cuộc khủng hoảng nào, thị trường chứng khoán luôn là nơi bị ảnh hưởng nhanh và mạnh nhất. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Điệp – Chuyên gia chứng khoán.

Quý 1 đầy rẫy khó khăn

Tất cả chúng ta đang là chứng nhân cho thời khắc lịch sử. Kể cả thế chiến thứ 2 cũng không thể so về sự ảnh hưởng toàn cầu như dịch lệ lần này. COVID-19 đã làm tê liệt nhiều nền kinh tế hàng đầu từ châu Âu, Mỹ, cho đến Trung Quốc và châu Á. Việt Nam dù đang ngăn chặn dịch rất tốt, nhưng cũng không tránh được ảnh hưởng.

Xét về những chỉ số kinh tế xã hội quí 1/2020, chúng ta không khỏi lo âu. GDP đạt 3.82%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm. Cơ cấu nền kinh tế của chúng ta lấy trọng tâm là Dịch vụ, khi dịch lệ xảy đến, sự ảnh hưởng là ngay lập tức. Bên cạnh đó, các mảng nông nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, đều giảm sút nghiêm trọng. Rất nhiều Doanh nghiệp, từ Nhà nước đến tư nhân, đều đang đối mặt với những khó khăn. Hoạt động của hệ thống tài chính có mức tăng trưởng rất thấp. CPI có dấu hiệu tăng, tiền đồng đang chịu sức ép giảm giá lớn.

Chỉ số VN-Index mở cửa đầu năm ở mức 960 điểm, có lúc đã tăng lên 990 điểm, nhưng vào những ngày cuối tháng 3 đã giảm về mức 660, tương đương giảm khoảng 32%. Rất nhiều cổ phiếu có mức giảm 40%-50%, thậm chí lên đến 70%. Vốn hóa thị trường "bốc hơi" hàng tỷ dollar, tài sản Nhà đầu tư bị giảm sút rất nặng nề.

Chứng khoán thời Covid-19: Dĩ bất biến, Ứng vạn biến - Ảnh 1.

Dịch lệ gây ra khủng hoảng toàn cầu, sự thật này chúng ta phải đối mặt. Những cuộc khủng hoảng tài chính 1997, 2008, không thể so được với lần này về qui mô, mức độ ảnh hưởng. Tuy nhiên, sự ứng phó của nhân loại trước COVID-19 thật đáng khâm phục. Chỉ nói riêng trong lĩnh vực tài chính, một loạt các NHTW đều có nhiều biện pháp giải cứu nền kinh tế. Chính phủ chúng ta cũng rất nhanh nhạy trong việc ra một loạt chính sách Tài khóa, Tiền tệ, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cũng như SX-KD.

Chiến đấu để hồi phục

Cho đến ngày hôm nay 5/4/2020, đại dịch trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Thế nhưng dịch lệ nào rồi cũng sẽ qua đi và khi dịch lệ biến mất, chúng ta sẽ phải đối mặt với cuộc chiến khác. Những hệ lụy từ dịch là không thể khắc phục được trong thời gian ngắn. Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ gây ra tình trạng ngưng trệ sản xuất kéo dài. Nhiếu nước trong đó có Việt nam, đã dốc hết sức lực ra "chống dịch", nguồn lực để phục hồi nền kinh tế có thể sẽ bị ảnh hưởng. Sẽ có những doanh nghiệp không thể gượng lại được sau dịch.

Nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào FDI và dịch vụ. Tư duy của nhiều nước sẽ thay đổi, hướng nội và bảo hộ nhiều hơn. Rõ ràng, nhiều loại hình dịch vụ như Du lịch, Ăn uống, đều sẽ gặp khó trong cả năm 2020. Nếu đầu tư nước ngoài giảm sút, sẽ gây ra những tác hại về việc làm, an sinh xã hội.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn kỳ vọng "trong nguy có cơ". Rút kinh nghiệm sau dịch, có thể sẽ có làn sóng chuyển dịch các nhà máy, công xưởng ra khỏi Trung quốc. Nếu nắm bắt tốt thời cơ, Việt nam sẽ điểm đến, sự lựa chọn của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Cuộc chiến sau dịch, phục hồi nền kinh tế cần phải được Chính phủ hỗ trợ quyết liệt. Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, đều coi đây là trọng trách, đều ứng xử với tinh thần cao nhất, trong công cuộc phục hưng đất nước.

Nếu đặt giả định dịch kéo dài khoảng giữa tháng 5/2020, chúng ta còn 7 tháng để chiến đấu cho mục tiêu kinh tế xã hội năm 2020. Mọi dự báo bây giờ còn quá sớm, nhưng nếu Việt Nam giữ được mức tăng trưởng GDP khoảng 4,5%, thì đó cũng là thành công tuyệt vời. Cùng lúc đó, việc kiểm soát cung ứng hàng hóa thiết yếu, kiềm chế lạm phát dưới 5-6%, không để tiền đồng mất giá quá lớn, trong khoảng 4%, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 8%, thì tin rằng chúng ta sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến cam go này.

Khủng hoảng cũng là cơ hội cho thị trường chứng khoán

Việc chỉ số VN-Index đang ở quanh mức 700 điểm cũng là hết sức bình thường, thể hiện đúng bức tranh của nền kinh tế chung. Cho dù điểm số giảm, nhưng yếu tố thanh khoản vẫn khá tốt. Trong tháng 3/2020 là tháng giảm sâu nhất, GTGD bình quân đạt 5.600 tỷ mỗi phiên, một con số rất ấn tượng. Dù khối ngoại liên tiếp bán ròng, nhưng thị trường luôn có lực đủ "cân" lại. Việc bán ròng của khối ngoại có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có thể họ hành động theo nguyên tắc và thuật toán đã được xây dựng trước. Một điều đáng mừng là dù bán ròng, nhưng nhu cầu ngoại tệ không tăng. Có nghĩa là có thể tiền vẫn đang được giữ trong thị trường, chờ thời cơ giải ngân trở lại.

COVID-19 là thứ chúng ta chưa bao giờ biết đến. Cách hành xử lần này cũng phải rất đặc biệt. Chỉ cần Nhà đầu tư luôn ghi nhớ nguyên tắc "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" thì sẽ chiến thắng được thị trường. Sẽ có rất nhiều điều bất ngờ, thậm chí có những phiên sụt giảm mạnh, nhưng chúng ta luôn giữ vững nguyên tắc, chuẩn bị trước các phương án phòng vệ, giữ vị thế đầu tư thì cơ hội năm 2020 là rất to lớn.

Tôi xin đưa ra 2 kịch bản cho TTCK trong quí 2/2020 và cả năm 2020, như sau:

Kịch bản 1: Dịch sẽ được khống chế vào khoảng giữa tháng 5/2020. TTCK sẽ hồi phục trước, là chỉ báo sớm. VN-index có cú hồi 150 điểm, lên vùng 800. Sau đó là quãng thời gian bộc lộ khó khăn của doanh nghiệp. Chứng khoán sẽ có điều chỉnh, giao dịch chủ yếu quanh mức 720-750. Kết thúc năm 2020, VN-Index đạt trên 700 điểm.

Kịch bản 2: dịch được khống chế muộn hơn, xã hội mất nhiều nguồn lực và thời gian. Vn-index sau những đợt sóng hồi ngắn, sẽ tiếp tục dò đáy mới và có thể sẽ về đến 520 điểm. Kết thúc năm 2020, VN-Index đạt khoảng 600 điểm.

TTCK được ví như "hàn thử biểu" của nền kinh tế. Một khi kinh tế khó khăn, TTCK cũng sẽ gặp nạn. Sau dịch lệ lần này, chứng khoán sẽ chứng kiến nhiều sự thay đổi. Thay đổi từ phương thức đầu tư, mô hình dịch vụ cho đến "lớp" nhà đầu tư. Việc coi "Chứng khoán là dịch vụ thiết yếu" là một điểm son của lãnh đạo UBCK và Chính phủ. Sự tiến bộ đến ngay trong mùa dịch, củng cố niềm tin cho giới đầu tư.

Trong bất kỳ kịch bản nào, sẽ có dòng bị ảnh hưởng tiêu cực, nhưng cũng vẫn có dòng được hưởng lợi. Rõ ràng, những dòng như Bán lẻ, Nông nghiệp, Thủy sản, sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Những dòng "trung dung" hơn như Ngân hàng, BĐS, Xây dựng, sẽ phải nỗ lực rất nhiều sau dịch. Còn ngành được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là Bảo hiểm, Y tế, Công nghệ.

Khủng hoảng lần này là rất to lớn, chưa bao giờ gặp. Nhưng đi liền với nó, cơ hội cũng là "10 năm chưa gặp". Chỉ cần giữ vững nguyên tắc, chuẩn bị tốt, vượt qua những tâm lý tầm thường, sự thành công sẽ đến.

Chứng khoán thời Covid-19: Dĩ bất biến, Ứng vạn biến - Ảnh 2.

Nguyễn Hồng Điệp

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên