Chứng khoán Trung Quốc mở rộng cánh cửa với thế giới, nhưng lại phải đối mặt với sự "quay lưng" của khối ngoại
Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm có thể nắm giữ cổ phiếu của Trung Quốc với số lượng lớn hơn. Tuy nhiên, vấn đề là họ dường như không còn hứng khởi với thị trường đại lục.
- 13-05-2019Dân Mỹ sẽ nếm trọn nỗi đau kinh tế từ cuộc chiến thương mại của ông Trump
- 13-05-2019Bitcoin vượt 7.000 USD, sóng tiền số trở lại?
- 13-05-2019Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm phiên đầu tuần, hợp đồng tương lai Dow Jones giảm 240 điểm
Ở thời điểm hiện tại, khối ngoại đang ồ ạt bán cổ phiếu niêm yết tại đại lục với tốc độ cao kỷ lục, ngay tại thời điểm MSCI chuẩn bị nâng tỷ trọng của cổ phiếu loại A trong rổ thị trường mới nổi. Ngay trong tháng này, 17,4 tỷ NDT giá trị các cổ phiếu loại A đã bị bán ra qua các liên kết giao dịch với Hồng Kông, dòng vốn chảy ra khỏi thị trường nước này đang trên đà vượt qua con số 18 tỷ NDT của tháng 4.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường có diễn biến tốt nhất thế giới trong năm nay, nhưng khoảng 1 nghìn tỷ USD đã bị thổi bay chỉ trong vòng 3 tuần khi những căng thẳng thương mại với Mỹ trở lại giai đoạn nóng bỏng. Lo ngại rằng Bắc Kinh có thể cắt giảm các kế hoạch kích thích tài chính cũng là yếu tố đè nặng tâm lý nhà đầu tư, theo đó Shanghai Composite đã mất 11% kể từ mức đỉnh hồi tháng 4.
Tính đến hôm 9/5, khối ngoại đã bán ròng 3,8 tỷ NDT cổ phiếu Trung Quốc mỗi ngày. Tình trạng này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nâng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc. Làn sóng bán tháo tiếp tục diễn ra và gần như lên đến đỉnh điểm vào phiên cuối tuần trước. Tuy nhiên, "biệt đội giải cứu thị trường" đã nhanh chóng vào cuộc và giúp chứng khoán Trung Quốc tăng vọt, bất chấp Mỹ chính thức nâng thuế.
Jingyi Pan, một chiến lược gia thị trường tại IG Asia Pte tại Singapore, nhận định: "Nỗi lo mới tiếp tục xuất hiện do căng thẳng thương mại leo thang đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài suy nghĩ lại."
Chốt phiên giao dịch ngày 13/5, Shanghai Composite mất 1,2%, sau khi vòng đàm phán thương mại gần đây nhất kết thúc mà không mang lại kết quả. Ngoài ra, các quan chức Mỹ dự kiến sẽ công bố chi tiết về kế hoạch áp thuế bổ sung là 25% với tất cả các loại hàng hoá còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc.
MSCI sẽ nâng tỷ trọng của các cổ phiếu loại A vốn hoá lớn từ 5% lên 10% và đưa các cổ phiếu thuộc chỉ số công nghệ ChiNext vào rổ vào ngày 29/5. Thông báo về việc thay đổi sẽ được công bố vào ngày thứ Hai. Việc nâng tỷ trọng sẽ được thực hiện một lần nữa vào cuối năm nay.
Động thái trên sẽ giúp thu hút dòng vốn ngước ngoài từ các quỹ đầu tư chỉ số, dù điều này cũng không đảm bảo sẽ mang lại đà tăng cho thị trường. Việc đưa các cổ phiếu loại A vào rổ MSCI Emerging Market Index hồi năm ngoái đã không thể ngăn cản tình trạng lao dốc thảm nhất trong vòng 1 thập kỷ của chứng khoán Trung Quốc xảy ra hồi tháng 10/2018. Dòng vốn ngoại chảy vào vẫn là không đáng kể so với quy mô của thị trường Trung Quốc - vốn bị chi phối bởi các nhà đầu tư cá nhân.
Những biến động xảy ra gần đây của chứng khoán Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch nâng tỷ trọng các cổ phiếu vốn hoá lớn vào năm nay của MSCI, theo Zhen Wei, giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại MSCI. Tuy nhiên, có thể số lượng của các cổ phiếu vốn hoá trung bình (mid-caps) sẽ thay đổi trong buổi đánh giá diễn ra vào tháng 11 tới, ông tiết lộ trong một buổi phỏng vấn tại Singapore hôm thứ Năm.