Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất Châu Á, vốn hóa "bay hơi" hơn 154.000 tỷ đồng
VN-Index đóng cửa phiên 21/10 dưới 1.020 điểm, ghi nhận mức giảm 38,63 điểm (-3,65%), sâu nhất trong vòng hơn 4 tháng kể từ ngày 13/6.
Thị trường chứng khoán đã khép lại tuần cuối tuần đáng thất vọng khi sắc đỏ bao trùm, thậm chí có đến hơn 250 cổ phiếu giảm sàn. VN-Index đóng cửa dưới 1.020 điểm, ghi nhận mức giảm 38,63 điểm (-3,65%), sâu nhất trong vòng hơn 4 tháng kể từ ngày 13/6. Mức giảm 3,65% cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới ngày 21/10.
Phiên giảm mạnh cũng đã thổi bay hơn 154.000 tỷ đồng (~ 6,5 tỷ USD) vốn hóa của HoSE. Tính đến hết ngày 21/10, giá trị vốn hóa của HoSE chỉ còn gần 4,1 triệu tỷ đồng, “bốc hơi” gần 2 triệu tỷ đồng so với thời điểm đạt đỉnh hồi đầu tháng 4 năm nay.
Phiên giảm mạnh diễn ra khá bất ngờ ngay trước khi thị trường bước vào mùa cao điểm báo cáo tài chính quý 3. Các doanh nghiệp lớn sẽ lần lượt công bố KQKD trong những ngày tới và diễn biến không mấy khả quan của thị trường khiến nhà đầu tư lo ngại về số liệu lợi nhuận không được như kỳ vọng. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các công ty chứng khoán đã công bố KQKD với nhiều cái tên tăng trưởng âm. Nhóm thép cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp báo lãi giảm sâu, thậm chí thua lỗ trong quý vừa qua.
Mặt khác, vẫn có điểm sáng tích cực trong phiên hôm nay đến từ sự cải thiện rõ rệt của thanh khoản thị trường. Giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt 11.600 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với phiên trước và là mức cao nhất trong 2 tuần qua. Tín hiệu lạc quan phần nào cho thấy cầu bắt đáy vẫn có dù không thật sự dồi dào và gần như chỉ xuất hiện cục bộ trên một số cổ phiếu.
Một trong những yếu tố có thể thúc đẩy dòng tiền nhập cuộc trong giai đoạn này đến từ mức định giá rất thấp của thị trường và nhiều cổ phiếu Bluechips. Theo đó, P/E trailing của VN-Index hiện đã rơi xuống mức 10,4x gần tương đương với đáy Covid cuối tháng 3/2020 và giai đoạn năm 2012. Cùng với đó, định giá của nhiều cổ phiếu lớn như ngân hàng, HPG, SSI, VND đã về gần giá trị sổ sách với P/B xấp xỉ 1 lần, điều rất hiếm khi xảy ra, trừ những giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng.
Trong báo cáo mới đây, Dragon Capital cho rằng nhiều rủi ro đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Theo thống kê của quỹ ngoại này, số lượng cổ phiếu có giá nằm trên đường trung bình 50 ngày chỉ còn 2%, đây là mức thấp nhất trong lịch sử và chỉ số RSI đang hướng về mức đáy giai đoạn Covid.
Mặc dù giảm dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 của Top 80 cổ phiếu danh mục quỹ lựa chọn về mức 17,9% trước những thông tin vĩ mô và trong nước không mấy khả quan, Dragon Capital vẫn đánh giá thị trường đang có mức định giá hấp dẫn với P/E forward 2022 của VN-Index khoảng 8,8 lần trên cơ sở tăng trưởng EPS dự phóng ở mức 16,3%.
Tương tự, Yuanta cũng cho rằng những phiên sụt giảm mạnh đã khiến định giá của chứng khoán Việt Nam trôi về mức rất thấp. Cụ thể, CTCK này ước tính P/E forward 2022 của VN-Index đạt 9,7x, tương đương đáy Covid hồi tháng 3/2022. Theo thống kê của Yuanta, trong lịch sử lạm phát thấp kể từ năm 2013 chỉ có duy nhất 3 lần mức P/E forward dưới mức 11.x. Điều này cho thấy rất hiếm khi TTCK có mức định giá thấp như hiện nay.
Dù triển vọng dài hạn vẫn được đánh giá lạc quan nhưng thị trường được dự báo sẽ vẫn còn phải đối mặt với nhiều sóng gió trong ngắn hạn. Các thông tin về KQKD quý 3 sẽ có ảnh hưởng nhất định đến xu hướng thị trường thời gian tới bên cạnh những tác động từ bên ngoài, đặc biệt là động thái của Fed tại kỳ họp vào tháng 11.
Nhịp Sống Thị Trường