Chứng khoán Việt Nam sẽ ra sao sau tuần tăng mạnh nhất trong gần 13 năm?
Chỉ sau một tuần tăng mạnh, vốn hóa toàn thị trường đã lấy lại được hơn 19 tỷ USD. Tính từ đáy 2 năm xác nhận vào giữa tháng 11, con số này thậm chí còn lên đến 30 tỷ USD.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần giao dịch đầy khởi sắc khi cổ phiếu của nhiều nhóm ngành như bất động sản, chứng khoán, thép, ngân hàng,... liên tục đua xanh, tím. VN-Index tăng mạnh 4/5 phiên qua đó kết tuần với mức tăng 11,17% lên trên 1.080 điểm. Đây là mức tăng mạnh nhất trong một tuần chỉ số từng ghi nhận suốt 13 năm qua.
Lần gần nhất thị trường có một tuần tăng mạnh hơn 5 phiên vừa qua đã diễn ra từ giai đoạn 21-26/12/2009. Thời điểm đó, VN-Index dao động trong khoảng 450-500 điểm và biên độ một phiên trên HoSE chỉ là +/-5%. Quy mô thị trường cũng còn rất nhỏ với giá trị vốn hóa HoSE xấp xỉ nửa triệu tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/10 hiện tại.
Chỉ sau một tuần tăng mạnh, vốn hóa toàn thị trường đã lấy lại được hơn 450.000 tỷ đồng (~19 tỷ USD). Tính từ đáy 2 năm xác nhận vào giữa tháng 11, con số này thậm chí còn lên đến hơn 715.000 tỷ đồng (~30 tỷ USD). Dù vậy, so với đỉnh hồi đầu tháng 4, tổng giá trị vốn hóa của chứng khoán Việt Nam đã “bốc hơi” gần 2 triệu tỷ đồng (~83 tỷ USD), còn 4,6 triệu tỷ đồng.
Tâm lý nhà đầu tư đã phần nào ổn định hơn sau giai đoạn sóng gió. Thanh khoản thị trường cũng theo đó được cải thiện đáng kể. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE vượt mức 1 tỷ cổ phiếu/phiên, tăng 72% so với tuần giao dịch trước. Giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường cũng tăng vọt lên ngưỡng 20.400 tỷ đồng/phiên.
Mặc dù hồi mạnh thời gian gần đây, P/E trailing của VN-Index vẫn chỉ ở mức 11,3x – chỉ cao hơn đôi chút so với vùng đáy của các giai đoạn khủng hoảng trong quá khứ và thấp hơn nhiều mức bình quân 10 năm. Rất nhiều Bluechips đang giao dịch quanh giá trị sổ sách, thậm chí một số cái tên còn có P/B dưới 1 lần.
Mức định giá hấp dẫn đã góp phần không nhỏ thu hút sự trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong tuần qua, khối ngoại đã mua ròng 5/5 phiên trên toàn thị trường với tổng giá trị đạt 9.358 tỷ đồng trong đó gần 9.200 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Trước đó, khối ngoại đã lập kỷ lục chưa từng có khi mua ròng xấp xỉ 16.000 tỷ đồng thông qua kênh khớp lệnh trong tháng 11.
Bên cạnh động thái giải ngân trở lại của các quỹ chủ động lớn như Dragon Capital, VinaCapital,... dòng vốn ngoại còn đang ồ ạt đổ vào thị trường qua kênh ETF. Trong tháng 11, các quỹ ETF đã hút ròng hơn 8.000 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây qua đó nâng tổng giá trị lũy kế từ đầu năm lên mức kỷ lục hơn 17.000 tỷ đồng.
Nhiều tín hiệu tích cực xuất hiện
Động thái mua ròng của khối ngoại nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn thời gian tới khi Fubon ETF vẫn đang huy động thêm hàng nghìn tỷ đồng và sẵn sàng mua gom cổ phiếu Việt Nam. Đánh giá về xu hướng này, ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư cao cấp của Chứng khoán MBS nhận định, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục giải ngân vào TTCK Việt Nam và VN-Index sẽ nằm trong xu hướng tăng điểm, hướng tới mục tiêu 1.120 điểm vào cuối năm nay.
Bên cạnh động thái mua ròng của khối ngoại, yếu tố vĩ mô của Việt Nam cũng được đánh giá vẫn khả quan. Sau khi đã ổn định về câu chuyện lạm phát, tăng trưởng, đầu năm 2023 sẽ có tín hiệu mở room để khơi thông dòng vốn, đây là điều căn cơ cho TTCK Việt Nam. Những kỳ vọng này có thể tạo nên tâm lý tích cực cho thị trường cuối 2022.
Đồng quan điểm, VNDirect nhìn nhận trong những tháng đầu năm 2023, thị trường sẽ đi theo kịch bản tăng, phần lớn do định giá các tài sản đã quá hấp dẫn, song đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn đó.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng thị trường sẽ tăng tốt từ giữa 2023 và kỳ vọng đà tăng sẽ vững chãi nhờ các Ngân hàng Trung ương trở nên “bớt diều hâu” kích hoạt một đợt định giá lại tài sản mới. Các TTCK, đặc biệt là các khu vực mới nổi sẽ phản ánh câu chuyện giảm lãi suất từ cách đó 4-6 tháng.
Ngoài ra, tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ sẽ kích thích khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi. Việc thất thế gần đây của các cổ phiếu công nghệ tại đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống, đây cũng là bản chất của TTCK Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa.
Thêm nữa, TTCK sẽ được hỗ trợ bởi yếu tố tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2023 nhờ lãi suất giảm, đồng VND mạnh lên, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tạo thêm động lực. Với dự báo lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12 – 12,5 lần, VNDirect dự báo VN-Index sẽ trở lại mức 1.300 – 1.350 điểm trong nửa cuối năm 2023.
Nhịp Sống Thị Trường