Chứng khoán Việt Nam sẽ tạo đáy trung và dài hạn, muộn nhất vào tháng 1/2023
Theo chuyên gia AIS, nhà đầu tư vẫn còn cơ hội mua mới, tích luỹ tài sản vào lúc này.
Thị trường chứng khoán đang ở mức định giá hấp dẫn, thấp hơn cả thời điểm khi dịch Covid bùng phát. P/E của thị trường đang ở mức tương đương năm 2011-2012 và thấp hơn một số các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc.
Tại Talkshow Chọn danh mục "Chờ tín hiệu tích cực" do Báo Đầu tư tổ chức, ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích CTCK AIS cho rằng trong năm 2023, 2024, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ chứng kiến những sự cải thiện tích cực hơn về mặt lãi suất. Khối ngoại đánh giá đây là cơ hội để mua vào, do vậy động thái mạnh tay tham gia thị trường của nhóm này gần đầy là hoàn toàn dễ hiểu.
Thông thường, khối ngoại tham gia với tầm nhìn tối thiểu trên 1 năm, hầu hết các quỹ của nước ngoài có tỷ suất lợi nhuận khá thấp trong năm nay. Quỹ hoạt động tốt nhất ở thời điểm hiện tại ghi nhận mức -32% còn các quỹ khác là -40%, tương đương mức giảm của TTCK. Khi đó, các quỹ đầu tư quan tâm nhiều hơn đến tương lai và tận dụng giai đoạn này để mua nhiều thêm các cổ phiếu tốt. Theo quan sát của ông Kiên, một số quỹ dự kiến sau lễ Giáng Sinh, họ sẽ "raise fund", huy động thêm nguồn vốn để tham gia mua vào giai đoạn này, giúp cho danh mục hiện tại giảm bớt áp lực về thua lỗ.
Bên cạnh đó, liên quan đến mục tiêu đưa lạm phát xuống dưới 7% của FED năm 2023 và năm 2024 là dưới 2%, ông Kiên cho biết sẽ còn 3 đợt nâng lãi suất song tốc độ sẽ không còn mạnh. Vị chuyên gia AIS cho rằng các đợt nâng sẽ được giãn dần ra để đưa mức lãi suất đạt đỉnh, dự kiến 4,75%-5%.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung. Áp lực tăng lãi suất đến từ tỷ giá, không phải lạm phát. Tỷ giá VND/USD hơn một tháng trước đã chạm ngưỡng 25.000 đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại đã bắt đầu giảm về dưới mức 24.000 đồng, áp lực nâng lãi suất lên NHNN có thể đã giảm bớt trong thời gian tới.
Theo chuyên gia, mức lạm phát được kiểm soát dưới 5% và GDP đạt tối thiểu 5,5%, do vậy, sẽ không có đợt nâng lãi suất nào trong 6 tháng đầu 2023. Điều này sẽ ảnh hưởng rất tích cực cho thị trường chứng khoán và cả thị trường tài chính.
“T hị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hình thành đáy trung và dài hạn trong quý 4/2022 hoặc muộn nhất là vào tháng 1/2023. Nhà đầu tư vẫn còn cơ hội mua mới, tích luỹ tài sản vào lúc này. Ít nhất là đến quý 1/2023, trước hoặc sau thời điểm dịp Tết Nguyên Đán, chúng ta vẫn còn thời gian để mua vào những doanh nghiệp đứng đầu các ngành nghề ”, ông Kiên nêu rõ.
Trung Quốc mở cửa, lĩnh vực nào sẽ được hưởng lợi?
Trong quý 1/2023, Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại nền kinh tế. Đồng thời xung đột giữa Nga-Ukraina cũng cho thấy những dấu hiệu hạ nhiệt. Khi đó, lượng hàng hoá cung ứng ra thế giới trở nên dồi dào hơn đẩy giá hàng hoá trong năm 2023 hạ nhiệt so với năm nay.
Ở thời điểm hiện tại, một số mặt hàng như xăng dầu, phân bón đã bắt đầu giảm giá và sang năm 2023 khi các ngân hàng trung ương trên thế giới thắt chặt tiền tệ sự sụt giảm sẽ rõ nét hơn. Trong bối cảnh giá xăng dầu và năng lượng giảm, sự kiện Trung Quốc mở cửa trở lại là điểm tích cực cho cả nền kinh tế thế giới lẫn Việt Nam.
Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc lớn gấp đôi lượng xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu cộng lại. Bởi vậy, ông Phùng Trung Kiên đánh giá các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Cụ thể, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông sản, thuỷ hải sản, đồ gỗ, linh kiện phụ kiện điện tử,... ưu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ được hưởng lợi.
Mặt khác, chính phủ đang đẩy mạnh chuyển đổi số nên các DN Việt Nam thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin cũng sẽ được hưởng “làn gió mát”.
" Nếu nhà đầu tư đặt mục tiêu trung và dài hạn nên chọn những ngành nghề được hưởng lợi từ sự chuyển dịch kinh tế vĩ mô trong thời gian tới ", ông Kiên khuyến nghị.
Nhịp Sống Thị Trường