Chứng quyền có bảo đảm (CW): Sinh lời không giới hạn, lỗ tối đa chỉ bằng giá mua chứng quyền
Một ưu điểm của CW là không cần chờ đến ngày đáo hạn, bạn có thể bán ngay CW trên sàn chứng khoán bởi sau 7 -10 ngày kết thúc đợt chào bán sơ cấp từ tổ chức phát hành (CTCK), CW sẽ được niêm yết trên HOSE.
- 18-03-2018CTCK phải "xây kho" tối thiểu 50% lượng chứng quyền phát hành
- 13-03-201823 cổ phiếu đủ điều kiện làm chứng khoán cơ sở của Chứng quyền có bảo đảm
- 07-10-2017Kiến thức cơ bản "đón đầu" chứng quyền có bảo đảm Covered Warrant - CW
Giả sử bạn muốn mua 1.000 cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam khi giá cổ phiếu này đang là 200.000 đồng, vì theo phương pháp định giá của mình, bạn cho rằng VNM có thể tăng lên 230.000 đồng/cp trong vòng 3 tháng nữa.
Như bình thường, bạn sẽ phải bỏ ra 200 triệu đồng để sở hữu lượng cổ phiếu mong muốn. Và trong trường hợp VNM diễn biến đúng như dự báo, sau 3 tháng, bạn lãi 30 triệu đồng tương đương 15% (chưa trừ thuế, phí giao dịch). Tất nhiên, nếu không may, VNM rớt giá về 160.000 đồng/cp, bạn bị lỗ 40 triệu đồng tương đương lỗ 20%.
Khi sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant – CW) ra đời, bạn có thêm một lựa chọn khác. Bạn đến gặp CTCK VNDIRECT khi đơn vị này phát hành chứng quyền mua VNM với giá 15.000 đồng/CW, tỷ lệ chuyển đổi 1:1 (tức 1 CW mua 1 cổ phiếu VNM) trong thời hạn 3 tháng, giá thực hiện CW là 200.000 đồng (tức là bạn có quyền mua cổ phiếu VNM giá 200.000 đồng tại thời điểm 3 tháng sau), bằng giá hiện tại của VNM trên thị trường.
Như vậy, bỏ ra 15 triệu đồng, bạn sở hữu 1.000 quyền mua cổ phiếu VNM tại mức giá 200.000 đồng vào thời điểm 3 tháng nữa. Trong trường hợp VNM diễn biến tích cực và đạt mức giá 230.000 đồng/cp sau 3 tháng đúng như bạn dự báo, chứng quyền đến thời điểm đáo hạn, số tiền lãi của bạn là: (230.000-(200.000+15.000))x1000=15.000.000 đồng, tương đương mức sinh lời trên vốn đầu tư ban đầu là 100%.
Tỷ lệ sinh lời không dừng lại ở 100% nếu như giá cổ phiếu VNM vượt quá cả kỳ vọng của bạn, tức vượt qua con số 230.000 đồng. Chính vì thế, các chuyên gia nói rằng đầu tư CW có khả năng "sinh lời không giới hạn".
Còn trong trường hợp không may mắn, giá VNM rơi về 160.000 đồng, nếu thực hiện quyền mua, bạn sẽ bị lỗ tới: (160.000-(200.000+15.000))x1000=55.000.000 đồng, cao hơn rất nhiều con số lỗ 40 triệu đồng nếu mua VNM.
Tuy nhiên, điểm "lợi hại" của CW là lúc này, bạn có thể từ chối không thực hiện quyền. Như thế, khoản lỗ tối đa của bạn trong thương vụ này chỉ là số tiền đã bỏ ra để mua chứng quyền, tức 15 triệu đồng.
Đây là ví dụ mà các chuyên gia của CTCK VNDIRECT đưa ra tại Hội thảo giới thiệu về sản phẩm chứng quyền có bảo đảm nhằm giúp nhà đầu tư có một cái nhìn cơ bản và dễ hiểu nhất về CW. Qua đó có thể thấy 2 ưu điểm vượt trội của CW so với chứng khoán cơ sở: (1) Khả năng sinh lời cao hơn và (2) Xác định được khoản lỗ tối đa trước khi thực hiện đầu tư.
Trong ví dụ trên, điểm hòa vốn của nhà đầu tư mua CW là khi VNM có giá 215.000 đồng, nếu giá VNM cao hơn 215.000 đồng, bạn luôn có lãi và ngược lại.
Một ưu điểm của CW là không cần chờ đến ngày đáo hạn, bạn có thể bán ngay CW trên sàn chứng khoán bởi sau 7 -10 ngày kết thúc đợt chào bán sơ cấp từ tổ chức phát hành (CTCK), CW sẽ được niêm yết trên HOSE. Không giống như Hợp đồng tương lai trên TTCK phái sinh, CW giao dịch như một cổ phiếu bình thường với thời gian thanh toán T+2.
Tuy nhiên đó chỉ là ví dụ một cách đơn giản. Trong thực tế, tỷ lệ chuyển đổi ít khi là 1:1. Như trong thông báo của VNDIRECT, công ty chứng khoán này dự kiến phát hành chứng quyền mua của 4 cổ phiếu là FPT, HPG, MBB và SSI với tỷ lệ chuyển đổi của FPT và HPG là 4:1 (4 chứng quyền được mua 1 cổ phiếu cơ sở) và của MBB, SSI là 3:1. Giá CW dự kiến từ 1.000 – 2.500 đồng.
Hiện tại mới chỉ có 5 CTCK được phát hành CW là VND, SSI, HSC, VPBS và MBS, trong đó số lượng cổ phiếu cơ sở được phát hành CW của VND hiện là nhiều nhất. Tỷ lệ chuyển đổi, giá chứng quyền của cùng một mã cổ phiếu và cả giá thực hiện quyền mua tại các CTCK có thể khác nhau, tùy thuộc vào vốn khả dụng và chính sách của CTCK đó. Nhà đầu tư có thể so sánh các yếu tố giữa các CTCK để lựa chọn mua CW tại đâu.
Vẫn trong ví dụ với VNM nói trên, CW có thể đem đến cho nhà đầu tư một ích lợi khác. Giả sử bạn đang có 10.000 cổ phiếu VNM trong tài khoản, tương đương 2 tỷ đồng và có mục tiêu nắm giữ lâu dài. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, bạn cần tiền mặt để giải quyết nhu cầu cá nhân mà không muốn "đánh mất" lượng cổ phiếu VNM nói trên, bạn có thể chọn phương án bán hết 10.000 cổ phiếu VNM ngay lúc này để thu về 2 tỷ đồng, nhưng đồng thời mua 10.000 CW VNM, tức là chỉ mất 150 triệu đồng để sở hữu quyền mua 10.000 cổ phiếu VNM tại giá 200.000 đồng trong 3 tháng nữa. Số tiền "dư" là 1 tỷ 850 triệu đồng được rút ra để phục vụ mục đích cá nhân.