MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chúng ta có nên tiếp tục sử dụng chất ngọt nhân tạo để thay thế đường hay không?

20-09-2017 - 11:20 AM | Sống

Nhiều nghiên cứu mới đã tiết lộ mặt trái của chất ngọt nhân tạo.

Đường được coi là “cái chết trắng” của thời đại mới . Nó làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, mắc bệnh tim mạch thậm chí là ung thư. Chúng ta biết rằng mình không nên ăn quá nhiều đường. Nhưng vị ngọt là thứ mà ít người cưỡng lại được.

Các chất ngọt nhân tạo có mặt ở đây để thỏa mãn nhu cầu ấy của bạn. Đặc điểm nổi bật nhất của chất ngọt nhân tạo là chúng rất ngọt mà không chứa calo. Chất ngọt nhân tạo từng được coi là sự thay thế hoàn hảo dành cho đường. Nhưng nhiều nghiên cứu mới ngày nay đã tiết lộ những mặt trái của chúng.

Vậy, liệu chúng ta có nên tiếp tục sử dụng chất ngọt nhân tạo để thay thế đường?

Chất ngọt nhân tạo - là bạn hay là thù?

Chất làm ngọt nhân tạo là những phụ gia thực phẩm tạo vị ngọt rất đậm. Trung bình, chúng có độ ngọt gấp hàng trăm lần so với đường. Do đó, chất ngọt nhân tạo có thể được sử dụng ở lượng rất nhỏ trong thức ăn và đồ uống.

Ở các nước phương tây như Australia, việc sử dụng các chất phụ gia thực phẩm này được quy định rất chặt bởi luật pháp. Có một loạt các chất làm ngọt đậm được phê duyệt để sử dụng, bao gồm: acesulfame kali (Ace K), aspartame, saccharin, sucralose và steviol glycosides.

Tất cả các loại phụ gia thực phẩm, bao gồm chất ngọt nhân tạo, đã được kiểm tra độ an toàn trước khi dùng cho thực phẩm. Điều này bao gồm việc đánh giá, xem liệu có bất kỳ tác động có hại nào từ chất phụ gia đến người tiêu dùng hay không. Và các nhà khoa học phải tính toán đến tất cả các mức tiêu thụ một người có thể sử dụng.

CÁC CHẤT LÀM NGỌT NHÂN TẠO PHỔ BIẾN

Aspartame (có trong nhãn hiệu Equal và NutraSweet) ngọt gấp đường mía 220 lần.

Sucralose (có trong nhãn hiệu Splenda) ngọt gấp đường mía 660 lần.

Saccharin (Sweet ‘N Low, Sweet Twin, NectaSweet) ngọt gấp đường mía 200-700 lần.

Stevia (Truvia, Pure Via, Sun Crystals)

Acesulfame K (Sunett và Sweet One)

Neotame

La Hán quả (Nectresse)

Cyclamates (chất ngọt nhân tạo này bị cấm lưu hành vì có liên quan đến ung thư bàng quang)

Tuy nhiên, vấn đề là các nhà khoa học cũng có nhiều ý kiến trái chiều về chất ngọt nhân tạo. Trước đây, vì không chứa calo mà chất ngọt nhân tạo đã được đề xuất như một sự thay thế lành mạnh cho đường, giúp giảm calo tiêu thụ, ngăn ngừa tăng cân, béo phì và tiểu đường.

Nhưng đến gần đây, nhiều bằng chứng mới đã chỉ ra chúng không có lợi như mọi người vẫn nghĩ. Một nghiên cứu mới tổng hợp 37 thử nghiệm và nghiên cứu đoàn hệ (một dạng nghiên cứu y khoa nhằm tìm ra những nguy cơ tác động đến sức khỏe cộng đồng) đã kết luận rằng:

Về lâu dài, sử dụng chất làm ngọt nhân tạo liên quan đến nguy cơ cao mắc hội chứng chuyển hóa (một tập hợp các điều kiện làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đột quỵ and và bệnh tim mạch) và trực tiếp là bệnh tiểu đường type 2 nói riêng.

Ngoài ra, còn có những bằng chứng mới cho thấy chất làm ngọt nhân tạo có ảnh hưởng tiêu cực đến vi khuẩn đường ruột và dung nạp glucose. Tuy nhiên, các nghiên cứu này đa phần mới chỉ được thực hiện trên chuột. Sẽ cần những bằng chứng mạnh hơn trên người, trước khi chúng ta có được khuyến cáo cuối cùng.

Một mối quan tâm nữa với việc sử dụng chất ngọt nhân tạo chính là độ ngọt của nó. Các nhà khoa học cho biết dù vị ngọt đến từ đâu, đường hay chất ngọt nhân tạo, nó cũng làm nhờn vị giác của con người.

Kết quả là sử dụng chất ngọt nhân tạo thay thế đường không giúp tạo ra những thay đổi hành vi ăn uống. Nó thậm chí làm tăng ham muốn đồ ngọt, dẫn tới việc một người có thể quay trở lại tiêu thụ đường nhiều hơn.


Chất ngọt nhân tạo không giúp bạn kiêng đồ ngọt

Chất ngọt nhân tạo không giúp bạn kiêng đồ ngọt

Vậy cuối cùng, điều nên làm là gì? Một điều chắc chắn, chúng ta cần phải giảm tiêu thụ đường phụ gia trong chế độ ăn uống. Chất ngọt nhân tạo được coi là an toàn, khi chúng ta sử dụng nó để thay thế đường.

Mặc dù những bằng chứng mới đang khiến chúng ta nghi ngờ chất ngọt nhân tạo sẽ gây ra một số vấn đề về sức khoẻ. Nhưng chúng ta sẽ cần nhiều bằng chứng thuyết phục hơn, đặc biệt là từ các nghiên cứu trên người để đưa ra phán quyết.

Một lời khuyên chung nhất mà các bác sĩ sẽ đưa ra tại thời điểm này: Đó là bạn nên giảm tiêu thụ các sản phẩm có lượng đường cao, thực phẩm chế biến, đóng gói. Ngược lại, hãy ăn nhiều các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau quả, cá, thực phẩm nguyên cám, thịt nạc và các loại hạt.

Một khi bạn tạo được thói quen ăn uống lành mạnh với ít đường, bạn cũng sẽ chẳng cần tiêu thụ nhiều chất ngọt nhân tạo. Lúc đó thì chắc chắn không còn gì phải lo lắng.

Tham khảo Theconversation

Theo ZKNIGHT

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên