Chuỗi bán lẻ thực phẩm nhập khẩu Homefarm muốn mở 300 cửa hàng đến năm 2022
Theo người trong cuộc, thực phẩm nhập khẩu hiện nay đa số được nhập từ các nước phát triển cao, đặc biệt được áp dụng công nghệ tiên tiến từ nuôi trồng thu hoạch đến chế biến, bảo quản. Khi nhập về Việt Nam, tất cả sản phẩm sẽ được cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm định trước khi được thông quan, kinh doanh phân phối trên thị trường.
Kinh tế, du lịch phát triển đưa lượng khách quốc tế lưu trú tại Việt Nam gia tăng, sự cởi mở về chính sách… đang tạo làn sóng gia nhập mạnh mẽ của nhiều nhà bán lẻ ngoại thời gian gần đây. Không chỉ những đơn vị tên tuổi, hàng hóa nhập khẩu (đặc biệt thực phẩm tươi sống, đóng hộp cao cấp…) cũng xâm nhập vào thị trường Việt ngày càng nhiều, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và chất lượng ngày càng cao của người tiêu dùng.
Trong đó, không dừng lại ở người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, khách hàng nội địa hiện cũng là đối tượng tiêu dùng sản phẩm cao cấp chính của những đơn vị nói trên. Thực tế, những năm gần đây, người tiêu dùng trong nước rất chịu chi cho những thực phẩm sạch, ngon và hiếm trên thế giới. Ngoài hương vị, theo đại diện các doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng thực phẩm nhập khẩu, những khách hàng có thu nhập cao còn đặt ra yêu cầu về hình thức mẫu mã cũng như chất lượng dinh dưỡng, phải đảm bảo tốt cho sức khoẻ.
Ghi nhận, quy mô thị trường bán lẻ thực phẩm nhập khẩu hiện vào mức hàng tỷ USD. Trong xu hướng cao cấp hoá chi tiêu và sự gia tăng tầng lớp trung lưu - thượng lưu, thị trường này này thậm chí còn nhiều dư địa tăng trưởng trong những năm tới. Đây được đánh giá là cơ hội mới dành cho các chuỗi bán lẻ.
Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thử thách, từ việc vận chuyển, kiểm soát chất lượng, lưu trữ đến vận hành hệ thống kinh doanh, cung cấp dịch vụ cho khách hàng… "Thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp kinh doanh mảng này là về nguồn hàng được chứng nhận, chất lượng và sự ổn định nguồn cung", ông Trần Văn Trường - đồng sáng lập và CEO Homefarm chia sẻ. Được biết, Homefarm hiện là chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm nhập khẩu với 120 đơn vị tính đến tháng 12/2020.
Theo người trong cuộc, thực phẩm nhập khẩu hiện nay đa số được nhập từ các nước phát triển cao, đặc biệt được áp dụng công nghệ tiên tiến từ nuôi trồng thu hoạch đến chế biến, bảo quản. Khi nhập về Việt Nam, tất cả sản phẩm sẽ được cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm định trước khi được thông quan, kinh doanh phân phối trên thị trường.
Do đó, làm sao để có thể đảm bảo được sự đồng đều, kiểm soát rủi ro và duy trì chất lượng sản phẩm là vấn đề sống còn với đơn vị nhập khẩu, phân phối lại hiện nay. Đây cũng là điểm mấu chốt của chuỗi cung ứng, hướng đến giải quyết bài toán lớn về chất lượng sản phẩm, ông Trường nhấn mạnh. Bởi, tiêu dùng sản phẩm chất lượng quốc tế gắn liền với việc nhận thức về sự an toàn và tiêu chuẩn hóa trong ngành thực phẩm của khách hàng giờ càng ngày càng cao hơn. Điều này cũng thúc đẩy sự phát triển của cả hệ thống cung ứng, từ nhà sản xuất trong nước đến nhà phân phối bán lẻ. Tháng 10 vừa qua Homefarm đã đưa vào hoạt động giai đoạn đầu hai DC (distribution center) tại Hà Nội và Tp.HCM, tổng đầu tư khoảng 1 triệu USD với diện tích 5.000m2, phục vụ mục tiêu 300 cửa hàng trong 2 năm tới.
Nhìn chung, với thị trường bán lẻ nhập khẩu hiện nay, cơ hội doanh nghiệp có thể nhìn ra đó là người tiêu dùng không chỉ đơn giản là "ăn no, mặc ấm", mà còn hướng đến "ăn ngon, mặc đẹp". Vì vậy, việc kinh doanh thực phẩm nhập khẩu theo chuỗi là xu hướng mới bắt nhịp được với nhu cầu tiêu dùng, thông qua việc mở rộng hệ thống điểm bán và sự kết hợp với các kênh mua sắm hiện đại, bán hàng online cùng các ứng dụng giao hàng tận nhà.