MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuỗi Wrap & Roll của em gái ca sĩ Thu Phương ra sao sau hơn 2 tháng nhận đầu tư từ quỹ ngoại?

12-10-2016 - 16:17 PM | Doanh nghiệp

Sau 2 tháng, Wrap & Roll đã mở thêm 4 cửa hàng và đóng một số cửa hàng khác vì vị trí không còn đắc địa, tổng số cửa hàng ở Việt Nam của chuỗi hiện dừng ở con số 10 (cùng với 4 cửa hàng nhượng quyền tại Singapore).

Chúng tôi gặp lại chị Nguyễn Thị Kim Oanh, bà chủ xinh đẹp sáng lập Wrap and Roll tại cửa hàng đầu tiên của chuỗi - chi nhánh Hai Bà Trưng, TPHCM, sau hơn 2 tháng kể từ khi Wrap & Roll nhận đầu tư 6,9 triệu USD từ Mekong Capital.

Quỹ ngoại này từng rót vốn thành công vào lĩnh vực F&B với thương vụ đầu tư vào Golden Gate Group, mới đây đã lựa chọn Công ty cổ phần nhà hàng Wrap and Roll, đơn vị sở hữu chuỗi nhà hàng món cuốn Wrap & Roll, làm điểm dừng chân tiếp theo ở lĩnh vực F&B

Sau 2 tháng, chị Oanh đã mở thêm 4 cửa hàng và đóng một số cửa hàng khác vì vị trí không còn đắc địa, tổng số cửa hàng ở Việt Nam của chuỗi hiện dừng ở con số 10 (cùng với 4 cửa hàng nhượng quyền tại Singapore), vừa khéo 10 năm Wrap and Roll ra mắt cửa hàng đầu tiên và cũng là lúc chị Oanh quyết định thay đổi nhận diện thương hiệu Wrap and Roll.

Chào chị, chúc mừng sinh nhật Wrap and Roll tròn 10 tuổi. Việc thay áo mới của Wrap and Roll Hai Bà Trưng lần này ngoài lý do kỉ niệm 10 năm khai trương cửa hàng đầu tiên, còn lý do gì nữa không, thưa chị?

Chị Kim Oanh: Chào CafeBiz. Việc thay đổi nhận diện thương hiệu Wrap and Roll có 2 lý do.

Đầu tiên là chúng tôi thay đổi nhận diện thương hiệu nhưng không quá khác biệt so với lúc trước. Vẫn 3 màu chủ đạo là xanh đậm, xanh nhạt và màu vàng nhưng lần này, tôi làm ấm xuống để tạo cảm giác mạnh mẽ hơn. Wrap and Roll đã có mặt ở thị trường 10 năm thì cũng cần có sự thay đổi nhưng không quá khác biệt.

Bên cạnh đó, công ty tôi vừa được quỹ Mekong Capital đầu tư. Đó cũng là bước đệm mới để chúng tôi thay đổi nhận diện, đặc biệt là sửa lại chi nhánh Hai Bà Trưng. Đây là chi nhánh đầu tiên của Wrap and Roll cách đây 10 năm.

Tôi chọn điểm mốc đúng 10 năm và cũng là vào ngày cửa hàng đầu tiên của Wrap and Roll ra đời, ngày 10/10/2006 - 10/10/2016. Sau 10 năm, một chặng đường 10 chi nhánh lúc lên lúc xuống nhưng quan trọng là Wrap and Roll đã có niềm tin của nhà đầu tư với số tiền rất lớn. Đó là nguồn động viên tinh thần rất lớn.

Thứ 2, bây giờ Wrap and Roll đã có thêm 4 chi nhánh nhượng quyền ở Singapore. Đó là bước đệm quan trọng để năm 2017, công ty tôi không chỉ phát triển Wrap and Roll ở trong nước mà tiến ra nước ngoài nhiều hơn với đội ngũ nhân viên được đầu tư bài bản hơn.

Việc thay mới được tiến hành đồng bộ cho các cửa hàng khác nữa chứ, thưa chị?

- Thực ra trong 2 tháng vừa qua tôi đã mở thêm 4 chi nhánh mới, đóng cửa một vài chi nhánh cũ vì một số vị trí không còn đắc địa nữa so với những năm trước. Cho nên, hơn 2 tháng vừa qua, Wrap and Roll thay đổi diện mạo cho cả cái cũ và cái mới. Thế nên, 10 cửa hàng ở Hà Nội và TP HCM đều khoác áo mới hết.

Thương hiệu mới, nhân diện mới và nhân viên cũng được đào tạo theo phong cách kiểu mới. Chẳng hạn, cách chào nắm chặt bàn tay, hai tay đan vào nhau để trước ngực. Wrap and Roll cũng đưa vào các chuẩn mực về dịch vụ. Tất cả điều đó đều là một phần của nhận diện thương hiệu.

Wrap and Roll đã có mặt Singapore, chị có dự định mở hoặc nhượng quyền thêm ở các nước khác nữa không?

- Chắc chắn rồi. Với 4 cửa hàng đã thành công ở Singapore, tôi cho rằng đó là dấu hiệu tốt cho kinh doanh. Thị trường Singapore là thị trường rất cạnh tranh. Nếu có thể tồn tại ở Singapore thì có thể tồn tại được ở nhiều thị trường khác với mô hình như thế.

Chúng tôi sẽ đầu tư cho mảng nhân sự phát triển ra nước ngoài trong năm 2017. Sau Singapore, Wrap and Roll sẽ tìm đến các quốc gia khác nữa.

Ngoài ra, ngay ở Việt Nam thực khách cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc ăn uống đảm bảo cho sức khỏe, dinh dưỡng. Đồ cuốn đảm bảo sự cân bằng giữa các nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể, nhờ có nhiều rau tươi.

Chị nhận thấy thị trường Singapore khác thị trường Việt Nam như thế nào?

- Ồ, khác nhau nhiều chứ. Singapore là quốc gia đa văn hóa. Người Singapore họ rất hay ăn ở ngoài và rất cởi mở với những mô hình ẩm thực khác nhau. Thế nên họ rất thích đón nhận những văn hóa ẩm thực ở các nền văn hóa khác. Càng nhiều văn hóa ẩm thực du nhập vào Singapore, tính càng cạnh tranh cao và người tiêu dùng càng có nhiều lựa chọn.

Cảm ơn chị, chúc chị thành công với những dự định kinh doanh sắp tới!

Theo Thế Trần

Trí thức trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên