Chuột bệnh xâm chiếm chiến hào Ukraine, sống lại ký ức rùng rợn Thế chiến I
Chuột bị bẫy la liệt trong một chiến hào ở Bakhmut, Ukraine hồi tháng 10/2023. Ảnh: Getty Images
Các binh sĩ Ukraine tại các tiền tuyến trong cuộc xung đột với Nga hiện phải đối mặt với sự xâm chiếm của loài gặm nhấm mang đến căn bệnh khiến các bệnh nhân nôn mửa, chảy máu mắt và làm tê liệt khả năng chiến đấu.
- 21-01-2024Tiết lộ vật thể khủng khiếp có thể “cuốn bay” Trái Đất
- 21-01-2024Châu Âu tính toán thiệt hại ban đầu do khủng hoảng Biển Đỏ
- 21-01-2024Độc lạ Trung Quốc: Xây ‘chung cư’ khổng lồ cho lợn, công nghệ giám sát như NASA, có con nặng 500kg to như gấu Bắc Cực
Cảnh tượng đã khiến nhiều người liên tưởng đến điều kiện sống khủng khiếp trong Chiến tranh Thế giới thứ I.
Một nữ quân nhân Ukraine có biệt danh là “Kira” nhớ lại tiểu đoàn của cô đã bị bao vây bởi dịch chuột vào mùa thu năm ngoái khi đang chiến đấu ở khu vực phía Nam Zaporizhzhia.
“Hãy tưởng tượng đang ngủ, bạn bất ngờ giật mình khi chuột bò vào quần hoặc áo len, cắn vào đầu ngón tay bạn. Bạn chỉ có thể ngủ được 2, 3 tiếng, tuỳ thuộc vào mức độ may mắn không bị chuột quấy rầy”, Kira nói với đài truyền hình CNN. Kira ước tính có khoảng 1.000 con chuột trong hầm trú ẩn của 4 người lính.
Tình trạng chuột hoành hành là do sự thay đổi trong các mùa và chu kỳ giao phối của chuột. Giữa một mùa đông khắc nghiệt, lũ chuột phải tìm kiếm thức ăn dọc theo tiền tuyến dài gần 1.000 km, lây lan bệnh tật và tỏ ra hung hăng khi phải tranh giành thức ăn và hơi ấm.
Kira cho biết cô đã thử mọi cách để đuổi chuột ra khỏi hầm trú ẩn: rắc thuốc độc, phun amoniac, thậm chí là cầu nguyện. Cô cho biết các cửa hàng gần đó tích trữ các sản phẩm diệt chuột bán rất chạy song không thể ngăn cản được lũ chuột.
“Chúng tôi nuôi một con mèo tên Busia. Lúc đầu nó cũng hữu ích và ăn thịt chuột. Nhưng sau đó có quá nhiều chuột đến nỗi Busia cảm thấy không còn động lực để bắt chuột. Một con mèo có thể bắt được một hoặc hai con chuột, nhưng nếu có tới 70 con thì điều đó là không thể”, Kira giải thích.
Trên mạng xã hội, video cho thấy mức độ xâm chiếm của chuột ở tiền tuyến được chia sẻ một cách chóng mặt. Chuột nhắt bò lổm ngổm dưới gầm giường, trong ba lô, máy phát điện, túi áo khoác và vỏ gối. Một đoạn video cho thấy lũ chuột lao ra từ tháp súng cối của Nga như những viên đạn từ khẩu Browning.
Tình báo quân sự Ukraine trong tháng 12/2023 đã báo cáo về sự bùng phát của cơn sốt do chuột ở nhiều đơn vị quân sự Nga xung quanh Kupiansk ở khu vực Kharkiv. Báo cáo cho biết người nhiễm căn bệnh này từ chuột do hít phải bụi phân chuột hoặc ăn phải phân chuột trong thức ăn.
CNN chưa thể xác minh tính xác thực của báo cáo này, nhưng theo quân đội Ukraine, các triệu chứng của căn bệnh này bao gồm sốt, phát ban, tụt huyết áp, xuất huyết ở mắt, nôn mửa, đau lưng dữ dội và gặp vấn đề về tiểu tiện.
Kết quả tình báo quốc phòng Ukraine chỉ ra “cơn sốt chuột” đã làm giảm đáng kể khả năng chiến đấu của binh lính Nga song báo cáo cũng không cho biết liệu quân đội Ukraine có bị ảnh hưởng tương tự hay không.
Chính quyền Ukraine không nêu cụ thể căn bệnh do chuột lây lan tấn công quân đội Nga, nhưng có một loạt bệnh liên quan đến việc sống gần loài gặm nhấm có các triệu chứng tương tự, bao gồm bệnh dịch hạch tularemia, bệnh leptospirosis và hantavirus.
Báo cáo này làm liên tưởng đến điều kiện sống trong Thế chiến thứ nhất, nơi chất thải và xác chết chất đống đã tạo điều kiện cho chuột sinh sản nhanh chóng. Chuột hoạt động về đêm và bận rộn nhất khi binh lính đang tranh thủ nghỉ ngơi, khiến binh lính căng thẳng.
Robert Graves, một nhà thơ người Anh từng chiến đấu trong Thế chiến I, hồi tưởng về việc lũ chuột “từ kênh đào lên, ăn xác chết và sinh sôi nảy nở một cách chóng mặt”.
Trong Thế chiến I, số lượng chuột tăng lên khi xung đột rơi vào thế bế tắc. Đã xuất hiện những lo ngại rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cũng gây ra điều tương tự. Người đứng đầu lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny, nói với The Economist vào cuối năm ngoái: “Giống như trong Thế chiến I, chúng ta đang rơi vào bế tắc”.
Ihor Zahorodniuk, một nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Ukraine, giải thích sự xâm nhập của chuột một phần là do loài gặm nhấm sinh sản cao điểm vào mùa thu, nhưng cũng do ảnh hưởng của chính chiến tranh. Chiến tranh đã phân tán các loài săn mồi tự nhiên, cho phép chuột sinh sản tự do hơn.
Ngoài việc gây lo lắng và bệnh tật cho binh lính, chuột còn tàn phá các thiết bị điện và quân sự. Nữ binh sĩ Kira cho biết chuột đã trèo được vào hộp kim loại và nhai dây điện, làm gián đoạn liên lạc.
“Bọn chuột nhai mọi thứ: từ radio, bộ lặp tín hiệu đến dây điện. Chuột chui vào ô tô và nhai dây điện nên ô tô không thể chạy được, đồng thời chúng còn gặm cả bình xăng và bánh xe. Chỉ riêng thiệt hại từ lũ chuột trong hầm đào của chúng tôi đã lên tới một triệu hryvnia (khoảng 26.500 USD)”, Kira chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Zahorodniuk nhấn mạnh thiệt hại do chuột gây ra có thể nghiêm trọng vì mất liên lạc có thể khiến nhiều người thiệt mạng.
Khi Ukraine tiếp tục phải trải qua một mùa đông giá lạnh, dịch chuột có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. “Trời sẽ càng ngày càng lạnh, bọn chúng sẽ tiến vào chiến hào ngày càng nhiều”, ông Zahorodniuk nói.
Báo Tin tức