MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện 2 con cá sấu và bài học thấm thía cho những kẻ cứ mải lao mình vào làm việc, cho rằng bận rộn mới đem lại thành quả mà không hề biết đôi khi những người "chẳng làm gì" mới thành công rực rỡ

07-08-2018 - 09:43 AM | Sống

Dường như tất cả chúng ta đều bị ám ảnh ít nhiều với việc phải lao động cật lực, luôn tay luôn chân mới có thể chạm vào thành công.

Chuyện kể rằng, có một con cá sấu già đang ung dung thả mình trôi theo dòng nước, sát bờ sông thì một con cá sấu trẻ hơn bơi lại gần nó và nói: "Tôi nghe nói, ông là tay thợ săn khét tiếng nhất trong vùng. Ông có thể chỉ cho tôi cách săn mồi được không?".

Bị tiếng của con cá sấu nhỏ đánh thức, con cá sấu già mở mắt, liếc nhìn kẻ vừa gọi nó dậy. Thế nhưng, con cá sấu già chẳng nói một lời mà chỉ im lặng rồi… ngủ tiếp. Tức giận và cảm thấy bị xem thường, con cá sấu trẻ đùng đùng bỏ đi săn, để lại làn nước sủi bọt đục ngầu sau đuôi. Nó nghĩ thầm: "Được lắm, tôi sẽ cho ông thấy".

Vài tiếng sau, nó quay trở lại và thấy con sấu già vẫn đang say giấc. Thế là, nó bắt đầu khoe khoang về chuyến đi săn thành công của mình: "Hôm nay tôi đã bắt được 2 con cá béo nịch này. Thế ông đã bắt được gì rồi? Không có gì sao? Tưởng gì, hoá ra ông cũng đâu có khét tiếng cho lắm nhỉ?".

Mắt nhắm mắt mở, con sấu già lần nữa nhìn kẻ đang vênh mặt lên, không nói một lời. Nó khép mắt và tiếp tục thả mình trên dòng nước, đám cá lòng tong thản nhiên đớp tảo dưới bụng nó. Giận dữ vì không nhận được bất cứ lời đáp nào, con sấu trẻ lại bơi đi săn tìm thứ khác.

Sau vài tiếng, nó quay lại, miệng đã ngậm một con cò nhỏ. Nó tiến lại gần con cá sấu già, chắc mẩm bấy nhiêu là đủ để chứng minh ai mới là tay thợ săn thực thụ. Con cá sấu già thì vẫn đang ở nguyên chỗ cũ.

Tuy nhiên, lần này thì khác. Có một con linh dương lớn đang cúi đầu uống nước rất gần chỗ của con sấu già. Nhanh như cắt, con sấu già phóng khỏi mặt nước, mở to miệng ngoạm chặt lấy cổ con linh dương, giật mạnh nó xuống làn nước đục ngầu và nhanh chóng kết liễu đời con vật xấu số.

Sững sờ, con cò ở miệng rớt xuống. Tròn mắt nhìn lão thợ săn cự phách thưởng thức bữa ăn hơn 200 kg của mình, giọng nó mới run run: "Ông… làm ơn… làm ơn chỉ cho tôi biết ông làm cách nào được như thế vậy?".

Nuốt một miếng thịt linh dương khổng lồ, con sấu già cuối cùng cũng mở miệng đáp gọn lỏn: "Ta không làm gì cả".

Chuyện 2 con cá sấu và bài học thấm thía cho những kẻ cứ mải lao mình vào làm việc, cho rằng bận rộn mới đem lại thành quả mà không hề biết đôi khi những người chẳng làm gì mới thành công rực rỡ - Ảnh 1.

Làm những điều thực sự cần thiết hay làm việc chăm chỉ và cật lực

Khi mới khởi nghiệp với JotForm, tôi cũng giống như con cá sấu trẻ: Tin rằng bản thân lúc nào cũng phải làm việc chăm chỉ mới có kết quả. Lúc ấy, nếu ai đó bảo rằng tôi sẽ đạt được kết quả tốt hơn nếu dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi chắc tôi sẽ trợn tròn mắt rồi lại tiếp tục với lịch làm việc 16h/ngày của mình. Đã một thời tôi cho rằng: Để thành công, bản thân phải liên tục làm việc, xây dựng và phát triển sản phẩm kế tiếp, bất chấp "sản phẩm" đó là gì đi nữa.

Dường như tất cả chúng ta đều bị ám ảnh ít nhiều với việc phải lao động cật lực, luôn tay luôn chân mới có thể chạm vào thành công. Thế nhưng, bận rộn và thành công lại là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Còn tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta biết ưu tiên cho việc "không làm gì cả", chúng ta hoàn toàn có thể bắt được nhiều con linh dương to lớn hơn chỉ vài con cá trê như trong câu chuyện trên.

Song, quả thực, điều này nói thì dễ hơn làm. Dù là CEO của các tập đoàn lớn hay nhân viên văn phòng bình thường đều đang hối hả trong guồng quay của sự bận rộn. Mà cũng chẳng biết kể từ khi nào, những người xung quanh chúng ta nhìn nhận giá trị của một cá nhân dựa trên sự bận rộn thay vì chất lượng công việc của họ. Bằng cách này hay cách khác, hai chữ "bận rộn" đã trở thành tính từ được gắn liền với những người thành công và có địa vị trong xã hội.

Thế nhưng, không sớm thì muộn, tất cả chúng ta đều sẽ phải tự hỏi bản thân rằng: Sứ mệnh của chúng ta là gì? Là trở thành người bận rộn nhất, hay là trở thành người mang đến nhiều đóng góp nhất cho xã hội? Và, điều thú vị hơn cả là khi quan sát những bộ óc lỗi lạc nhất trên thế giới, chúng ta dễ dàng nhận thấy ở họ một điểm chung: Tất cả đều thường xuyên dành thời gian để… không làm gì cả.

Sức mạnh của không làm gì

Việc dành ra một khoảng thời gian để nghỉ xả hơi và không làm gì cả có thể khá khó khăn. Nhất là khi bạn liên tục bị "bỏ bom" với hàng loạt các cuộc họp, thông báo hay một danh sách công việc dài dằng dặc. Trên thực tế, nhiều nhà sáng lập của các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu đưa thời gian nghỉ ngơi vào lịch làm việc hằng năm của mình thường xuyên hơn.

Họ gọi khoảng thời gian này là Think Week (Tuần lễ suy nghĩ). Khoảng thời gian này thường kéo dài 1 tuần, là thời gian để đọc sách, suy nghĩ, tự vấn và thoát ly khỏi cuộc sống bí bách chốn công sở

Mặc dù Steve Jobs, Mark Zuckerberg hay Tim Ferriss cũng có áp dụng bí quyết này nhưng chính tỷ phú Bill Gates mới là người khiến cho khái niệm Think Week được trở nên phổ biến. Suốt những năm điều hành Microsoft, Gates luôn dành thời gian cho Think Week 2 lần mỗi năm. Không công việc, không nghỉ mát, chỉ đơn thuần đọc sách và suy nghĩ mà thôi.

Thậm chí, ông còn quyết tâm thực hiện Think Week đến mức cả gia đình, bạn bè và nhân viên cũng không được phép can thiệp vào khoảng thời gian này. Ngày hôm nay, khi chia sẻ về những thành công của Microsoft, Gates cho biết phần lớn chúng đều đến từ những ý tưởng độc đáo loé lên trong thời gian ông không làm gì cả.

Hãy không làm gì cả

Dĩ nhiên, bạn không nhất thiết thực hiện Think Week một cách cứng nhắc như Bill Gates. Như tôi chẳng hạn: Hằng năm, tôi đều rời khỏi công ty ít nhất 1 tuần để về quê giúp bố mẹ thu hoạch ô liu.

Tất cả mọi suy nghĩ như làm cách nào để startup tăng trưởng hay tỷ lệ chuyển đổi của khách hàng là bao nhiêu đều sẽ đồng loạt tan biến khi bạn hái ô liu. Đó vừa là một phương pháp thiền, vừa là cách để tịnh tâm. Bằng một cách thần kỳ nào đó mà những ý tưởng tốt nhất của tôi cũng thường xuất hiện trong khoảng thời gian không làm gì cả này.

Còn nếu bạn không thể dành nổi một tuần trong năm cách ly khỏi công việc, bạn có thể thử phương pháp khác. Đó là: Tránh xa khỏi công nghệ. Vào thứ bảy hay chủ nhật hằng tuần, hãy cách ly bản thân khỏi mọi loại hình công nghệ. Hãy tắt điện thoại, tắt laptop và giấu nó đi. Hết sức hạn chế xem TV hay Netflix.

Hãy để cho não của bạn có không gian suy nghĩ bằng cách bước ra ngoài guồng quay bận rộn mỗi ngày. Bằng cách này, những ý tưởng mới sẽ lóe lên và bạn cũng sẽ có thêm thời gian để xử lý hay cải tiến những ý tưởng cũ. Bạn sẽ nhận ra những kết quả đến từ phương pháp này rất giống với những gì mà con cá sấu già đã thực hiện trong câu chuyện kể trên. Đôi khi, điều tốt hơn cả đơn giản là nhắm mắt lại để "ung dung thả mình trôi theo dòng nước". Hãy kiên nhẫn chờ đợi, rồi "con linh dương" của bạn cũng sẽ xuất hiện mà thôi.

Theo Mộc Dương

Nhịp Sống Kinh Tế/Medium

Trở lên trên