MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện chưa từng xảy ra ở Trung Quốc: Vì đâu Honda, Toyota đồng loạt sa thải hàng loạt vì không cạnh tranh được với các hãng xe điện bản địa?

06-12-2023 - 14:05 PM | Tài chính quốc tế

Một thời ‘hào quang rực rỡ’ của các hãng ô tô Nhật Bản đã đi qua vì thích nghi quá chậm chạp trong kỉ nguyên xe điện.

Trong vài năm qua, thị phần ô tô Nhật Bản tại Trung Quốc đã không ngừng mở rộng. Với mô hình sản xuất tinh gọn (Lean), Toyota và Honda đã trở thành những hãng ô tô có lợi nhuận cao nhất tại đây.

Thời kỳ rực rỡ của những công ty xe Nhật này kéo dài không lâu khi ngành công nghiệp xe điện xứ tỉ dân đang trỗi dậy. Giờ đây, thời thế đã thay đổi, những thương hiệu Nhật Bản đình đám ấy đang phải thỏa hiệp với thực tế.

Honda sa thải gần 1000 công nhân

Dường như các công ty Nhật Bản đều có một truyền thống lâu đời là sẽ cố gắng không sa thải nhân viên dù tình hình có khó khăn đến đâu. Thế nhưng, vào đầu tháng 12, Honda, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai Nhật Bản, tuyên bố sẽ sa thải gần 1000 công nhân hợp đồng tại Quảng Châu, Trung Quốc. Honda cũng chấm dứt hợp tác với công ty cung cấp lao động bên thứ ba và tiến hành bồi thường kinh tế theo luật định.

Đây là lần sa thải quy mô lớn đầu tiên kể từ khi Honda thành lập chi nhánh ở Quảng Châu, Trung Quốc vào năm 1998.

Chuyện chưa từng xảy ra ở Trung Quốc: Vì đâu Honda, Toyota đồng loạt sa thải hàng loạt vì không cạnh tranh được với các hãng xe điện bản địa? - Ảnh 1.

Sự trỗi dậy của thị trường xe điện thuần túy tại Trung Quốc đã ảnh hưởng tới thị trường ô tô truyền thống vốn có của Honda. Doanh số bán hàng tại Trung Quốc của Honda sụt giảm mạnh. Trong 10 tháng đầu của năm 2023, Honda bán được 3,2 triệu chiếc xe trên toàn cầu nhưng doanh số tại Trung Quốc đã giảm gần 18,5%.

Đây là lý do chính khiến công ty tiến hành sa thải hàng loạt. Mặt khác, để nhanh chóng chuyển sang làm xe điện, Honda đã phải điều chỉnh, chuyển đổi dây chuyền sản xuất để cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Phần lớn số nhân viên bị sa thải đều đến từ dây chuyền sản xuất ô tô truyền thống.

Toyota đóng cửa nhà máy

Gần như cùng lúc đó, Toyota cũng tiến hành sa thải gần 1000 công nhân dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc. Nguyên nhân được Toyota đưa ra là doanh số sụt giảm vì giảm giá, từ đó dẫn kéo lợi nhuận trên thị trường Trung Quốc đi xuống. Tuy nhiên, Toyota cũng cho biết đây chỉ là “điều chỉnh theo giai đoạn, nhắm vào các công nhân sản xuất chứ không liên quan tới nhân viên chính thức”.

Theo Reuters, Toyota đã đình chỉ một số dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Thiên Tân, Trung Quốc, mà theo công ty là để “tối ưu hóa hệ thống sản xuất và điều chỉnh theo những thay đổi trong các mẫu xe”. Hạn ngạch sản xuất của Toyota tại Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 66.000 chiếc vào tháng 12, 60.000 chiếc vào tháng 1 và 38.000 chiếc vào tháng 2 năm sau.

Trước khi tạm dừng sản xuất, Toyota đã gửi thư tới các đối tác đại lý vào tháng 11, nói rằng việc này sẽ giúp giảm áp lực hàng tồn kho và gánh nặng tài chính cho phía đại lý.

Tuy nhiên, thông tấn xã Jiji của Nhật Bản đưa tin rằng Toyota đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ở Trung Quốc.

Ngoài Trung Quốc, Toyota cũng có những điều chỉnh tại thị trường các nước khác. Công ty được cho là đã ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Canada và có kế hoạch sa thải hàng nghìn việc làm ở Mỹ để đối phó với áp lực doanh số và chi phí giảm.

Chuyện chưa từng xảy ra ở Trung Quốc: Vì đâu Honda, Toyota đồng loạt sa thải hàng loạt vì không cạnh tranh được với các hãng xe điện bản địa? - Ảnh 2.

Xe Nhật “hết thời” ở Trung Quốc?

Từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2023, doanh số bán hàng của hãng Nissan của Nhật Bản tại Trung Quốc, bao gồm hai phân khúc kinh doanh chính là xe du lịch và xe thương mại hạng nhẹ, là 620.000 chiếc, giảm 33,1% so với cùng kỳ.

Cả ba “ông lớn” Nhật Bản là Toyota, Honda và Nissan đều đang gặp nhiều thử thách khi kỷ nguyên điện hóa đã bắt đầu khi các mẫu xe chủ yếu của họ vẫn sử dụng nhiên liệu truyền thống và chưa bắt kịp được với những thay đổi chóng mặt ở Trung Quốc. GAC Mitsubishi trước đó cũng tuyên bố rút khỏi thị trường Trung quốc và nhà máy sản xuất đã bị công ty Trung Quốc là GAC Aion tiếp quản.

Tham khảo từ: Net Ease

Theo Thùy An

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên