Chuyện của bệnh nhân mắc Covid-19 suốt 330 ngày khiến ai nấy không khỏi ngậm ngùi, đến giờ vẫn là bí ẩn trong giới y học
Covid-19 đã là một chuyện không may, huống hồ gì còn sống chung với nó đến tận 330 ngày như người phụ nữ này lại càng bất hạnh hơn.
- 01-03-2021Nước Anh và bài học cho cả thế giới: Trở thành "phòng thí nghiệm sống" về khả năng của biến chủng Covid-19 mới
- 28-02-2021Gửi tới y bác sĩ lời tri ân xúc động từ những bệnh nhân Covid-19: "Cảm ơn vì đã giành lại sự sống cho tôi từ tay tử thần"
- 27-02-2021Anh có thể sẽ có vaccine COVID-19 ở dạng viên trong tương lai
Đại dịch Covid-19 dần bước sang năm thứ hai với những biến thể mới có tốc độ lây lan đáng sợ. Mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ mắc phải căn bệnh này cũng đồng nghĩa phải đấu tranh với tử thần. Thế nhưng, tại bang Illinois ở Mỹ, có một phụ nữ hiện được liệt vào danh sách "cá biệt" vì sống chung với Covid-19 suốt 330 ngày mà không có cách chữa…
Thời gian như chậm dần đi nếu mắc loại bệnh tai quái này
Tôi là Kaitlin Denis, một phụ nữ bình thường như bao người hiện đang sống tại làng Barrington (Mỹ). Mọi chuyện ắt chẳng có gì đáng nói nếu như tôi không phải là "nạn nhân" của đại dịch Covid-19 , thậm chí là nhiễm trước cả khi bang Illinois chưa ghi nhận bệnh nhân tử vong nào.
Thời gian với tôi như trôi chậm dần đi do quá đau nhức, hệt như một ngày có 48 tiếng vậy. Bây giờ mọi người đều đang thảo luận về năm Covid-19 thứ hai, về các chủng mới, về vaccine sắp được sản xuất đại trà… Nhưng với riêng tôi, mọi chuyện vẫn hệt như ngày đầu tiên mắc căn bệnh này.
Cô Kaitlin hiện phải sống vật lộn với con virus corona trong người từng ngày một.
Bản thân vẫn nằm đó, vẫn trên chiếc giường cũ kỹ, vẫn trong căn phòng nhỏ với 4 góc tối suốt 330 ngày qua. Dù mệt mỏi nhưng tôi vẫn buộc phải cập nhật thông tin hàng ngày, bởi nếu không thì mình sẽ mất luôn khái niệm về thời gian. Cảm giác này hệt như trong ngục tù, phải khắc từng dấu lên vách tường để đếm ngày.
Hầu như mọi đêm, tôi đều mang một tâm trạng tích cực cùng suy nghĩ "có lẽ ngày mai thức dậy sức khỏe sẽ ổn". Thế nhưng ngày qua ngày, tôi đang dần chấp nhận con virus này là một phần trong cơ thể mình, có lẽ phải từ bỏ hy vọng khỏi bệnh thôi…
Được gọi là bệnh nhân "cá biệt" trong lịch sử
Sáng nào thức dậy, bản thân cũng phải chịu vô số cơn đau dày vò và tự đặt câu hỏi rằng, hôm nay sẽ thế nào đây? Tôi là người mà y học liệt kê vào danh sách "bệnh nhân mãn tính", một khi virus đã xâm nhập thì sẽ gây bệnh mãi mà không thể loại bỏ chúng. Các bác sĩ cho rằng, hiện trên thế giới đang có hàng chục nghìn người có tình trạng tương tự. Nhưng mỉa mai thay, tất cả chỉ là phỏng đoán.
Tình trạng của tôi cũng như một dấu hỏi lớn của nền y học ngày nay vậy. Nó hệt như một ổ bệnh với những triệu chứng ngẫu nhiên như chóng mặt, buồn nôn, đau nửa đầu , nhức khớp… và bạn không biết mình sẽ mắc phải cái nào. Thực sự chẳng khác gì trò chơi xổ số với toàn kết quả xấu.
Có một số triệu chứng sẽ xuất hiện với tần suất dày đặc, ví dụ là chứng đau mỏi toàn thân. Bản thân cũng đang gặp phải nhiều "tác dụng phụ" như đau xương sườn, tê ngón tay, ù tai, chảy nhiều nước miếng, choáng váng và hội chứng sương mù não nguy hiểm.
Cô Kaitlin chỉ vừa kết hôn cùng chồng vài năm trước khi mắc phải Covid-19.
Từng ngày trôi qua, tôi cảm thấy mình như bị mất trí nhớ tạm thời vậy. Chẳng hạn như một hôm nọ, tôi thức dậy và định bụng thay quần áo để chạy bộ, sau đó tắm rửa và đi làm. Nhưng vừa bước một chân xuống nền nhà thì tim bỗng nhiên đập mạnh, cả người không thể di chuyển. Lúc này tôi dần nhớ lại, mình đã bị mất việc và mất cả khả năng đi đứng…. Quá đắng cay!
Vì cơ thể mắc bệnh nên tôi dần xa lánh với mọi người. Đôi khi ai cũng nghĩ rằng, tôi chỉ đang làm quá bệnh tình lên chứ mọi chuyện chẳng đến nỗi tệ thế. Nhưng mấy ai thấu hiểu nỗi đau này, tôi thậm chí chẳng thể giải thích được với bác sĩ nữa là với những người kia. Chuyên gia nào cũng chỉ lắc đầu và kê đơn thuốc chống trầm cảm hoặc khuyên tôi đi trị liệu tâm lý.
Tôi chỉ vừa bước sang tuổi 30 và đang hạnh phúc với hôn nhân cơ mà, tại sao phải chịu tình cảnh này cơ chứ? Ngẫm lại 10 năm trước, tôi còn tham gia giải bóng đá Hạng nhất cấp đại học, còn giờ chẳng đến nổi cửa hàng tạp hóa trừ khi dùng xe lăn. Ai cũng cảm thấy thương hại cho tôi, và tôi cũng vậy.
Kể từ lúc ngã bệnh vào tháng 3/2019, tôi vẫn chưa nghĩ mình đã mắc phải Covid-19 đâu. Bởi lúc này không một ai đeo khẩu trang, thành phố Chicago vẫn chưa cách ly xã hội… Dù cổ họng và đầu tôi đau như búa bổ nhưng vẫn phải gắng gượng vượt qua.
Tôi vẫn cố gắng làm việc ngày qua ngày, kể cả khi cơ thể sốt nặng. Sau đó chồng tôi cũng bắt đầu có những triệu chứng tương tự nên đã gọi cho đường dây nóng của Đại học Northwestern. Đến phòng cấp cứu, họ chỉ bảo vợ chồng tôi đã mắc Covid-19 mà chẳng cần tiến hành kiểm tra, sau đó cấp thuốc giảm đau và bảo về nhà đi.
Từ thời đại học, cô Kaitlin Denis đã là một chân sút có tiếng trong đội bóng đá nữ.
Cả hai vợ chồng đều lâm bệnh nên mọi chuyện trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi phải dùng ống hít steroid để hỗ trợ hô hấp. Tôi còn đặt hàng tấn nước giải khát và "cố thủ" trong căn hộ suốt 20 ngày đầu tiên mắc Covid-19 .
Đột nhiên vài tuần sau, chồng tôi bỗng thấy khỏe lại và đi bộ bình thường. Anh ấy chạy lại động viên bằng cách rủ tôi ngắm cảnh quanh nhà. Dù vẫn chưa khỏi nhưng tôi đã cố gắng gượng, giả bộ như bệnh tình của mình đã được cải thiện.
Cũng may thay, công ty đã quyết định cho tôi làm việc tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Nhưng vì quá mệt mỏi nên đầu óc tôi chẳng thể tập trung, dù lên giường nằm nghỉ nhưng tâm trí vẫn xoay mòng trong máy tính vậy. Tôi phạm hàng chục lỗi trong công việc, thậm chí là nhầm lẫn ngày tháng.
Lúc này tôi mới vỡ lẽ rằng: "Có gì đó không đúng. Tại sao bản thân không khỏi bệnh dù đã lâu như vậy?".
Bản thân như muốn đầu hàng vì không có câu trả lời
Nói không ngoa chứ số bác sĩ tôi gặp trong 6 tháng qua còn nhiều hơn so với 30 năm đầu tiên của cuộc đời. Tuy nhiên tôi thấy bác sĩ nào cũng giống nhau, hầu như chưa có ai thực sự nghiên cứu Covid-19 một cách chuyên sâu. Tôi phải tự lên mạng tìm hiểu về chứng rối loạn chuyển hóa máu, bởi đang nghi bản thân mắc phải loại bệnh này.
Tôi có hẹn gặp một bác sĩ nội trú tại Chicago nhưng ông khuyên tôi trở lại phòng cấp cứu. Sau đó tôi cũng gặp thêm bác sĩ chuyên khoa thấp khớp, nhưng kết quả lại được giới thiệu sang người khác. Cứ vậy, tôi đi từ phòng khám này sang bệnh viện khác nhưng không có câu trả lời mà bản thân mong đợi.
Cuối cùng, chồng tôi đã đưa đến gặp một bác sĩ thần kinh về bệnh truyền nhiễm . Tôi phải làm một bài kiểm tra đánh giá nhận thức và bị chấm rớt ngay lập tức. Bác sĩ cho biết, điều này cũng đồng nghĩa với việc tôi đang bị ảnh hưởng thần kinh nghiêm trọng, khoảng 10% bệnh nhân Covid-19 thường mắc phải.
Bác sĩ bảo chắc phải mất nhiều năm nữa thì đại dịch này mới được giải mã hoàn toàn. Bởi mọi chỉ số trong cơ thể tôi vẫn ổn định, ảnh chụp phổi lẫn kết quả xét nghiệm máu đều không phát hiện ra bất thường nào. Hiện tại không có cách nào chữa trị cho tôi cả…
Nghe xong lời này, tôi cảm thấy như cả thế giới đang lừa bịp bản thân vậy. Có lẽ căn bệnh này chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, tôi dần thấy ghê tởm, tức giận mình rất nhiều. Bây giờ làm việc gì cũng phải có người trợ giúp, đến nỗi phải chuyển ra ngoại ô để sống cùng bố mẹ già, mong họ đỡ đần bớt. Cả ngày tôi chỉ nằm ườn trên giường chờ người phục vụ và đếm thời gian trôi đi.
Bây giờ tôi đang tiến hành trị liệu mỗi tuần một lần và thấy phương pháp này có vẻ tốt. Tuy nhiên tâm trí tôi đang dần từ bỏ hy vọng khỏi bệnh, hay có thể nói là đầu hàng trước con virus quái ác kia. Tôi giờ như sống tạm bợ, không thể cảm nhận được những hạnh phúc vốn có như trước kia… Thật sự chỉ muốn buông xuôi tất cả.
Theo WashingtonPost
Pháp luật và Bạn đọc