MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS và các yếu tố thành công

06-05-2021 - 17:30 PM | Doanh nghiệp giới thiệu

Chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS và các yếu tố thành công

Hành trình chuyển đổi báo cáo tài chính từ chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).

Ngày 16 tháng 3 năm 2020, Bộ Tài chính đã chính thức phê duyệt đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam theo quyết định số 345/QĐ-BTC sau gần 1 năm dự thảo đề án được công bố và nhiều cuộc hội thảo ở các cấp độ khác nhau. Có thể nói, việc ban hành lộ trình áp dụng IFRS là một bước tiến lớn của Việt Nam trên con đường hướng tới mục tiêu hoàn thiện chất lượng báo cáo tài chính tiệm cận với các chuẩn mực của thông lệ quốc tế.

Chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS và các yếu tố thành công - Ảnh 1.

Tác giả Lương Thị Ánh Tuyết, phó tổng giám đốc, dịch vụ kiểm toán, PwC Việt Nam

Ðề án quy định, từ năm 2022 - 2025 là giai đoạn các doanh nghiệp áp dụng IFRS tự nguyện. Sau đó, các đối tượng bắt buộc phải áp dụng bộ chuẩn mực này bao gồm công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ là công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết và các công ty mẹ quy mô lớn khác.

Theo quan sát gần đây, hơn một năm sau khi đề án được ban hành, một số doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu và xây dựng riêng cho mình lộ trình áp dụng IFRS.

Bài học kinh nghiệm và những yếu tố thành công

Mỗi doanh nghiệp có một chiến lược riêng trong việc chuyển đổi và áp dụng IFRS tùy vào loại hình, hoạt động kinh doanh, quy mô và đặc biệt là sự đồng hành và ủng hộ của ban lãnh đạo. Từ kinh nghiệm tư vấn một số doanh nghiệp ở Việt Nam chuyển đổi báo cáo tài chính (BCTC) từ VAS sang IFRS, sau đây là 4 yếu tố chính cho quá trình chuyển đổi BCTC thành công.

Chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS và các yếu tố thành công - Ảnh 2.

Yếu tố thứ nhất -- Chiến lược và tầm nhìn của lãnh đạo công ty

Việc lãnh đạo của công ty được sớm được cập nhật xu hướng áp dụng IFRS tại Việt Nam và thế giới, cũng như nắm bắt được lợi ích của việc áp dụng IFRS sẽ giúp công ty xác định được chiến lược áp dụng IFRS vào doanh nghiệp một cách phù hợp. Trong đó, những lợi ích nổi trội có thể kể đến:

Gia tăng cạnh tranh: đi đầu trong việc triển khai IFRS sẽ là lợi thế khẳng định giá trị cũng như năng lực của doanh nghiệp, đồng thời được các bên liên quan như đối tác, các cơ quan chức năng và ban ngành đánh giá cao.

Phân bổ ngân sách phù hợp: chi phí áp dụng IFRS được lên kế hoạch và phân bổ tránh tình trạng bị dồn vào một thời điểm gấp rút sẽ giảm áp lực về ngân sách cho công ty trong quá trình triển khai.

Xây dựng đội ngũ IFRS: Khi việc áp dụng VFRS và IFRS trở thành bắt buộc, nhu cầu về nhân sự có kinh nghiệm về IFRS sẽ gia tăng, đồng nghĩa với nguồn lực chất lượng cao trở nên khan hiếm. Việc sớm có kế hoạch áp dụng IFRS sẽ giúp công ty tìm được nhân sự phù hợp và phát triển đội ngũ IFRS giàu kinh nghiệm trong công ty.

Tích hợp hiệu quả triển khai IFRS vào các kế hoạch hiện tại của doanh nghiệp: chẳng hạn như xây dựng hệ thống kế hoạch nguồn lực doanh nghiệp (ERP), tái cấu trúc doanh nghiệp. Đối với một số doanh nghiệp hiện tại đang triển khai hệ thống ERP, nếu chưa xem xét ảnh hưởng của việc áp dụng IFRS trong tương lai vào việc triển khai ERP sau này, có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi IFRS được áp dụng tại công ty.

Cơ sở chuyên môn chất lượng cao: chủ động về thời gian cho kế hoạch triển khai IFRS cũng giúp công ty đưa ra một lộ trình áp dụng IFRS bài bản và hiệu quả. Từ đó công ty có đủ thời gian và cơ sở chuyên môn để chuyển đổi từ VAS sang IFRS. Ngoài ra, với thời gian cho phép, công ty có thể kịp thời đánh giá tác động của IFRS lên doanh nghiệp từ đó có thể điều chỉnh một số hợp đồng kinh tế để phù hợp với việc áp dụng IFRS tại doanh nghiệp. Việc lên kế hoạch sớm còn giúp công ty tránh được một số rủi ro trong chuyển đổi BCTC VAS sang IFRS như: việc chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS gấp gáp nên chất lượng báo cáo không đảm bảo, chi phí chi cho tư vấn cao và không cần thiết v.v.

Truyền thông hiệu quả: việc áp dụng IFRS có thể sẽ tác động đến các chỉ số tài chính của công ty, đòi hỏi kế hoạch truyền thông cho Hội đồng Quản trị, cổ đông và các bên liên quan khác. Việc sớm được lãnh đạo công ty ủng hộ cũng như phê duyệt sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công ty trong việc triển khai áp dụng IFRS, chẳng hạn như: ngân sách được phê duyệt một cách hợp lý, có đủ nhân lực để tham gia vào nhóm triển khai IFRS (PMO) v.v.

Yếu tố thứ hai -- Thiết kế lộ trình áp dụng IFRS riêng cho công ty

Thiết kế một lộ trình áp dụng IFRS riêng sẽ giúp công ty chủ động trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến IFRS. Đồng thời cũng có thể giúp công ty giảm được chi phí triển khai IFRS thông qua việc chuẩn hóa và tập trung hóa các quy trình. Khi xây dựng lộ trình áp dụng IFRS riêng cho công ty cần chú ý đến các vấn đề sau đây: đánh giá tính sẵn sàng áp dụng IFRS của công ty, đánh giá tác động của việc áp dụng IFRS đến công ty, so sánh lợi ích và chi phí của việc áp dụng IFRS, năng lực và nguồn lực của nhân viên công ty trong việc áp dụng IFRS, xây dựng các quy trình kiểm soát và thu thập dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin của công ty, xác định năm đầu tiên áp dụng IFRS v.v.

Yếu tố thứ ba -- Hệ thống thông tin tài chính

Việc áp dụng IFRS đòi hỏi hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ quá trình thu thập, chuẩn hóa dữ liệu, xử lý dữ liệu, cũng như kết nối mọi hoạt động từ tất cả các phòng ban bên trong doanh nghiệp, hoặc với các bên liên quan từ bên ngoài doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp triển khai IFRS thành công thường gắn liền với việc triển khai thành công hệ thống ERP (Enterprise resource planning - Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) để nâng cấp hệ thống phù hợp với yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp đang hoặc sẽ triển khai ERP nên cân nhắc việc bổ sung các yêu cầu về việc tạo lập thông tin cho mục đích lập báo cáo tài chính theo IFRS trong thời gian tới. Các doanh nghiệp chưa có khả năng triển khai ERP cũng cần thực hiện việc thay đổi quy trình thu thập và xử lý thông tin hiện hữu của mình để sẵn sàng cho việc áp dụng IFRS.

Yếu tố thứ tư -- Nhân sự

Vai trò của người làm công tác kế toán doanh nghiệp chuyển từ việc hạch toán Nợ/Có theo truyền thống sang việc lập và trình bày báo cáo tài chính trên cơ sở nắm bắt bản chất kinh tế của giao dịch, thực hiện các xét đoán có cơ sở dựa vào thông tin của quá khứ và dự báo cho tương lai.

Việc đào tạo và cập nhật IFRS cho đội ngũ kế toán mà chủ yếu mới quen thuộc với VAS không thể thực hiện được chỉ trong một thời gian ngắn.

Bản thân ban lãnh đạo và chủ sở hữu của doanh nghiệp là người sử dụng báo cáo tài chính theo IFRS cũng cần được đào tạo để đọc hiểu, nắm bắt được thông tin trên báo cáo tài chính, từ đó sử dụng thông tin đó trong quá trình ra quyết định của mình.

Việc triển khai thành công IFRS có thể sử dụng các năng lực nội tại của doanh nghiệp, nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi tại các nước có tính tương đồng với Việt Nam như Malaysia và Thái Lan, doanh nghiệp nên tìm kiếm sự hỗ trợ của các đội ngũ chuyên gia tư vấn triển khai IFRS chuyên nghiệp vì điều này sẽ giúp doanh nghiệp có các bước đánh giá và ra quyết định phù hợp, tránh gây lãng phí hoặc có các lựa chọn không tối ưu.

Các bước chuyển đổi từ VAS sang IFRS

Doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình chiến lược và kế hoạch cụ thể cho quá trình chuyển đổi. Dưới đây là một số bước chính mà doanh nghiệp cần lưu ý cân nhắc trong quá trình thực hiện:

● Phân tích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để làm cơ sở cho việc xây dựng và lựa chọn các mô hình tài chính phù hợp với yêu cầu của IFRS

● Phân tích và đánh giá báo cáo tài chính được lập và trình bày theo VAS để xác định các khoản mục, giao dịch có sự khác biệt giữa VAS và IFRS

● Thu thập dữ liệu, hồ sơ cần thiết để đo lường sự khác biệt giữa VAS và IFRS. Đối với những dữ liệu, hồ sơ được dùng để tính toán và đo lường sự khác biệt giữa VAS và IFRS đòi hỏi phải có tính kế thừa nhưng chưa có sẵn tại thời điểm hiện tại, doanh nghiệp cần bắt đầu có kế hoạch thay đổi các quy trình nội bộ, vận hành các quy trình nội bộ một cách hiệu quả hơn, liên kết chặt chẽ các phòng ban và thực hiện thu thập và lưu trữ những dữ liệu này để đảm bảo có sẵn những dữ liệu này tại thời điểm doanh nghiệp áp dụng IFRS lần đầu tiên

● Doanh nghiệp chọn lựa các chính sách kế toán, ước tính kế toán và các mô hình tài chính theo yêu cầu của IFRS phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

● Thiết kế hệ thống tài khoản, các biểu mẫu và công thức tính toán những khác biệt giữa VAS và IFRS cho từng khoản mục, giao dịch phát sinh.

● Hình thành các bút toán kế toán điều chỉnh sự khác biệt và phản ánh lên BCTC

● Đánh giá về hệ thống phần mềm hiện có, nâng cấp phần mềm nếu cần thiết và tiến hành thiết lập và phản ánh những khác biệt giữa VAS và IFRS lên hệ thống.

Nhìn chung có nhiều yếu tố dẫn đến sự thành công của việc chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS nhưng yếu tố con người được đánh giá là quan trọng nhất. Đó là sự đồng hành và ủng hộ từ lãnh đạo công ty từ đó tạo động lực cho đội ngũ dự án công ty chủ động thiết kế một lộ trình áp dụng hiệu quả riêng cho công ty.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên