MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện đời như phim của Max Keith: Biến Coca Cola thành sản phẩm Đức, mê hoặc cả quân đội với thứ nước cam làm từ đồ thừa

03-09-2021 - 09:47 AM | Tài chính quốc tế

Chuyện đời như phim của Max Keith: Biến Coca Cola thành sản phẩm Đức, mê hoặc cả quân đội với thứ nước cam làm từ đồ thừa

Những chiêu marketing huyền thoại đã khiến người Đức mê mẩn Coca Cola trong thế chiến II như thế nào?

Coca Cola "Made in Germany"

Vào năm 1933 khi Adolf Hitler mới lên nắm quyền, một thế lực khác cũng đang trỗi dậy tại Đức, đó là Coca-Cola. Doanh nghiệp Mỹ này đã vào thị trường Đức từ năm 1929 dưới sự điều hành của Max Keith. Chính người đàn ông này đã xây dựng nên mạng lưới phân phối hùng hậu cho Coca-Cola tại Đức, từ nhà máy đóng chai ở Frankfurt cho đến những nhà kho ở Cologne.

Giám đốc Max cùng đội quân bán hàng của mình đã tràn ra khắp các ngõ ngách của những thành phố chính để phát tờ rơi và dán áp phích quảng cáo cho đến khi mọi người dân Đức biết đến cái tên Coca-Cola. Nhờ chiến lược marketing ráo riết này mà Max đã làm được một điều không tưởng, đó là khiến người tiêu dùng của một quốc gia có truyền thống uống bia rượu chuyển sang dùng nước ngọt có ga.

Chuyện đời như phim của Max Keith: Biến Coca Cola thành sản phẩm Đức, mê hoặc cả quân đội với thứ nước cam làm từ đồ thừa - Ảnh 1.

Max Keith

Tất nhiên, thời điểm đó cũng là quãng thời gian thuận lợi cho Max khi ông có thể xây dựng nhà máy và thuê nhân công giá rẻ do kinh tế Đức vẫn chưa thoát khỏi suy thoái sau khi thua trận trong Thế chiến I.

Đến khi kinh tế hồi phục mạnh trở lại vào đầu thập niên 1930, sản phẩm Coca-Cola của Max là một trong những mặt hàng được người dân mua đầu tiên khi đã có tiền dư dả. Ngoài ra, việc tủ lạnh được phát minh tại Mỹ vào thập niên 1930 rồi đưa sang Đức cũng giúp người tiêu dùng được thưởng thức Coca lạnh nhiều hơn, qua đó làm tăng doanh số.

Mặc dù có được thành công nhưng Max lại rất cẩn thận trong việc quảng cáo sản phẩm. Ông giấu nhẹm chuyện Coca-Cola là một doanh nghiệp của Mỹ trong tình hình xung đột địa chính trị ngày một gia tăng. Trong tất cả các quảng cáo, Max luôn sử dụng tiếng Đức và thậm chí tuyên bố công ty Mỹ chỉ là nơi cung cấp công thức và tài chính cho các nhà máy Coca ở Đức hoạt động.

Trên thực tế, Giám đốc Max đã đúng phần nào khi ông thuyết phục được những giám sát người Mỹ chấp nhận sự độc lập của Coca tại Đức. Thậm chí vào năm 1935, nhà máy Coca tại Đức đã tự sản xuất 7/9 thành phần nguyên liệu cho sản phẩm mà không cần nhập từ Mỹ.

Đến thời điểm này, Đức đã trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất của Coca-Cola, nhưng mọi chuyện mới chỉ bắt đầu với Max.

Với sự phát triển kinh tế cũng như quân sự, người Đức ngày càng thích uống Coca hơn. Thậm chí hãng đã tài trợ tổ chức Olympic năm 1936 tại thủ đô Berlin. Với chiến thắng của người Đức với 33 huy chương vàng, Coca đã bán được hơn 1 triệu thùng (mỗi thùng 24 chai) trong năm đó còn tờ rơi quảng cáo của hãng thì tung bay khắp các ngõ ngách.

Tuy nhiên, Hitler đang yêu cầu nền kinh tế tự cung tự cấp với kế hoạch phát triển 4 năm, qua đó hạn chế hàng nhập khẩu và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tăng cường sản xuất. Hệ quả là các chuyến hàng nhập khẩu từ Mỹ ngày càng ít bao gồm cả Coca, buộc Giám đốc Max phải mở rộng dây chuyền sản xuất.

Chuyện đời như phim của Max Keith: Biến Coca Cola thành sản phẩm Đức, mê hoặc cả quân đội với thứ nước cam làm từ đồ thừa - Ảnh 2.

Nguồn ảnh: Medium

Năm 1938, Coca Đức có tới 43 nhà máy đang hoạt động và 9 nhà máy đang xây dựng. Đến tận đây, Coca đã trở thành đồ uống giải khát phổ biến nhất tại Đức. Năm 1933, Đức tiêu thụ khoảng 100.000 thùng Coca thì con số này đã đạt 4,5 triệu thùng vào năm 1939.

Thế nhưng khi Đức xâm lược Ba Lan vào tháng 9/1939 và châm ngòi Thế chiến II, mọi chuyện bắt đầu trở nên gian nan hơn cho Coca.

Fanta và sự ra đời của người hùng Thế chiến II

Các chuyến hàng từ Mỹ của Coca ngày một ít do chiến tranh và chấm dứt hẳn khi Mỹ tham chiến vào năm 1941. Với tư cách là giám đốc của một công ty Mỹ, Max lo sợ rằng ông sẽ bị bỏ tù giống như những gì đã diễn ra với GM và IBM chi nhánh Đức.

Từ thập niên 1930, quân Đức quốc xã đã tăng cường thanh trừng những người chống đối nước ngoài và Max là một mục tiêu dễ bị nhắm tới. Giải pháp duy nhất là bản thân ông phải gia nhập Đức quốc xã. May mắn thay, Giám đốc Max quen biết với Bộ trưởng tư pháp Đức và ông đã được chỉ định làm một nhân viên chính phủ Đức, qua đó an toàn với đội mật vụ cũng như bảo toàn được các nhà máy Coca trên khắp Châu Âu nơi quân Đức đi qua.

Khi quân Đức thắng trận liên tiếp khắp Châu Âu, Max Keith cũng nhanh chóng tiếp nhận các nhà máy Coca ở Pháp, Hà Lan, Bỉ, Na Uy… Tuy nhiên những nhà máy này sẽ chẳng thể vận hành nếu thiếu các chuyến hàng nguyên liệu từ Mỹ vốn đã bị đóng.

Bản thân Max đã cố gắng tìm kiếm những thành phần thiếu của Coca từ nguồn cung hóa học cho các bệnh viện Đức nhưng chúng rất hữu hạn. Điều này buộc ông phải tạo ra một sản phẩm mới hoặc phá sản. Thời kỳ này, nguyên liệu hóa học tại Đức rất khan hiếm do chiến tranh do không phải mặt hàng thiết yếu.

Chuyện đời như phim của Max Keith: Biến Coca Cola thành sản phẩm Đức, mê hoặc cả quân đội với thứ nước cam làm từ đồ thừa - Ảnh 3.

Giám đốc Max đã yêu cầu đội kỹ thuật hóa học tìm ra một công thức từ những thứ còn lại, bao gồm bột xơ táo sau khi ép rượu và bột váng sữa, đôi khi thêm chút hương vị táo, nho… tùy từng nhà máy sản xuất ở các vùng khác nhau. Sản phẩm được tạo ra có độ ngọt và tạo cảm giác sáng khoái không kém Coca. Đặc biệt là nguyên liệu sản xuất ra chúng khá rẻ tiền và dễ kiếm.

Kể từ năm 1940, Max bắt đầu cho sản xuất sản phẩm mới với tên "Fanta" trong tiếng Đức nghĩa là "Huyền thoại" (Fantastisch). Các nhà máy Coca trên khắp Châu Âu bắt đầu hoạt động với công suất tối đa. Đến tháng 9/1940, khoảng 55 triệu chai Fanta đã được sản xuất để cung ứng cho hơn 20 triệu lính Đức.

Tương truyền rằng khi những chai Fanta cam đầu tiên chuẩn bị đưa ra thị trường thì trong một bữa ăn tối, Hitler đã được giám đốc Max Keith mời uống thử. Thoạt đầu, người phục vụ chỉ rót 1/3 nước cam Fanta vào ly của ông trùm phát xít nhưng lúc uống xong, Hitler đã dùng ngón tay trỏ chỉ vào ly, ra dấu rót đầy.

Khi nguyên liệu sản xuất Coca cạn kiệt và chấm dứt vào năm 1943, Giám đốc Max đã bán được 3 triệu thùng Fanta mỗi năm và tiếp tục duy trì độ cuồng nhiệt của người Đức với nước ngọt có ga. Trong khoảng 1941-1945, bình quân mỗi ngày người dân Đức bao gồm cả binh lính tiêu thụ khoảng 1,2 triệu chai Fanta.

Dẫu vậy, Giám đốc Max vẫn phải yêu cầu các nhà máy sản xuất thêm nước khoáng có ga để được nằm trong danh sách hàng thiết yếu trong thời chiến, qua đó tránh được các chốt kiểm soát khi vận hàng.

Thế nhưng khi quân Đức thua trận, các nhà máy của Max bắt đầu bị đánh bom thường xuyên ít nhất 1 lần. Trụ sở chính của công ty tại Essen bị phá nát. Vào tháng 1/1945, mật vụ Đức ráo riết truy tìm những "kẻ phản bội" nhằm chịu tội thay cho sự thua trận.

Bởi vậy, Bộ tư pháp không còn là nơi trú ẩn an toàn với Max. Mật vụ Đức đã yêu cầu Max đổi tên công ty và phải đến trình diện tại thủ đô Berlin để thẩm vấn. Thậm chí Đức quốc xã còn tính đến chuyện quốc hữu hóa các nhà máy của hãng.

Chuyện đời như phim của Max Keith: Biến Coca Cola thành sản phẩm Đức, mê hoặc cả quân đội với thứ nước cam làm từ đồ thừa - Ảnh 4.

Nguồn ảnh: Medium

Vào thời điểm đó, người quen của Max tại Bộ tư pháp đã chết và người mới thay có quan điểm cứng rắn với Coca chi nhánh Đức. May mắn thay, quân đồng minh đã đánh bom chết vị bộ trưởng mới này chỉ vài tuần sau đó, gián tiếp cứu Giám đốc Max khỏi án tử.

Trong những tháng tiếp theo, Max tiếp tục sản xuất Fanta cho đến khi người Mỹ phát hiện ông trong một nhà máy bị phá hủy một phần vào tháng 5/1945. Bức điện đầu tiên trở về Mỹ là xác nhận Coca chi nhánh Đức còn tồn tại và đề nghị trụ sở giúp đỡ.

Sau khi biết tin, Max được tôn vinh như anh hùng khi không chỉ sống sót mà còn giữ được sự vận hành của Coca dưới thời Đức quốc xã. Với những công lao này. Max được bầu làm chủ tịch Coca Châu Âu và ông đã cho sản xuất Fanta trở lại vào năm 1955 ra toàn thế giới. Riêng tại Mỹ, Fanta xuất hiện vào năm 1949 và do nguồn gốc nhạy cảm mà mãi tới tận năm 2015, công lao chính xác của Max Keith mới được lật lại và ghi nhận rõ ràng hơn.

*Nguồn: Medium

Theo Băng Băng

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên