MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển đổi số: Đến lúc không thể chậm trễ

Doanh nghiệp cần một chiến lược và lộ trình chuyển đổi số rõ ràng...

Nhờ chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp đã bứt phá tăng trưởng doanh thu, phát triển vươn ra toàn cầu. Ngược lại, thực tế cũng không ít "ông lớn", những doanh nghiệp đầu tàu của nhiều lĩnh vực từng ở đỉnh cao phát triển đã "tụt dốc không phanh", thậm chí sụp đổ vì không bắt nhịp với xu thế, chậm chuyển đổi, ngủ quên trên hào quang, ủ mình trong tổ kén vàng.

Chiến lược chuyển đổi số rõ ràng đã mang lại hiệu quả to lớn, giúp DuPont tiết kiệm 1,6 tỷ USD chi phí cho công nghệ thông tin, gia tăng lợi nhuận vài trăm phần trăm, tạo thêm hàng tỷ USD lợi ích cho tập đoàn; giảm 90% thời gian xử lý đơn hàng; cá nhân hoá cao độ trải nghiệm khách hàng...

Đây là một trong những điển hình thành công trong chuyển đổi số trên thế giới của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến những trường hợp như Kodak, Yahoo... thất bại vì những sai lầm và không thích ứng với chuyển đổi số, chậm đổi mới sáng tạo hoặc khi nhận ra để thay đổi thì đã quá muộn...

Hành trình không của riêng doanh nghiệp nào

Thực tế đã chứng minh, trong các bước chuyển đổi, công nghệ số đang giúp doanh nghiệp thay đổi vượt bậc. Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty... Dự báo tới năm 2025, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng đám mây hóa đạt 85%, làn sóng trí thông minh sẽ lan tới mọi ngành nghề.

Theo báo cáo của IDG cho các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp và tổ chức có quy mô tỷ đô, 90% các tổ chức và doanh nghiệp trong nhóm này đã có kế hoạch, phát triển và triển khai chuyển đổi số; 32% các CIO, quản lý IT khẳng định chính chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ và đem lại lợi nhuận lớn. CIO các tập đoàn lớn trên thế giới đều lựa chọn chuyển đổi số nằm trong Top 3 các vấn đề cần phải quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay.

Tại đối thoại về chuyển đổi số vừa diễn ra, đại diện FPT cho rằng chuyển đổi số là một tiến trình của cuộc cách mạng, thay đổi cả lượng và chất. Với chiến lược tiên phong chuyển đổi số và tham vọng trở thành doanh nghiệp chuyển đổi số hàng đầu thế giới trong 10 năm tới, đại diện FPT cho biết, chuyển đổi số đem đến cho FPT cơ hội mới, to lớn hơn trong thế giới công nghệ thông tin bởi thị trường này có dung lượng lớn và rộng mở.

Chiến lược này mang lại giá trị kép, vừa nâng cao giá trị và vai trò của FPT, vừa tạo ra giá trị lớn cho các doanh nghiệp đồng hành tham gia chuyển đổi số. Ngay trong năm 2019, với năng lực, kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho các tập đoàn hàng đầu thế giới, FPT sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp số, vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực, nâng cao năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ bằng đổi mới sáng tạo và ứng dụng các công nghệ AI, Big Data, tự động tương tác trò chuyện (Chatbot)... trong các hoạt động.

Các chuyên gia khẳng định, quá trình chuyển đổi số sẽ không chừa một doanh nghiệp nào. Chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp nào và cũng không phải là việc có chuyển đổi hay không. Nó cũng không phải là việc đứng ngoài nhìn vào quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp khác mà học hỏi chuyển đổi sau. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chuyển đổi kịp thì sẽ nhanh chóng bị loại khỏi cuộc chơi. Có những doanh nghiệp nếu không có phương án chuyển đổi mạnh mẽ thì không biết sẽ đi về đâu và có thể bị xóa sổ.

Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Digital Novaon khẳng định: "Nếu không chuyển đổi số ngay bây giờ thì chắc chắn doanh nghiệp của bạn sẽ phá sản trong thời gian rất ngắn". Các doanh nghiệp chỉ có lựa chọn là triển khai làm ngay và làm như thế nào chứ không phải là việc có nên làm hay không. Bởi nếu không làm cũng có nghĩa là sẽ chết".

Tại hội nghị về chuyển đổi số vừa qua, ông Phương Trầm, cựu CIO DuPont ví von, chúng ta đang có cuộc rượt đuổi sinh tử mà đằng sau là một con sư tử, cần có công cụ để tránh bị ăn thịt. Công nghệ có thể giúp chúng ta vượt trội hơn so với đối thủ.

Làm thế nào để chuyển đổi thành công?

Theo ông Phạm Thế Trường, Tổng giám Đốc Microsoft Việt Nam, ngày nay, công ty nào cũng là công ty phần mềm và theo xu hướng gia tăng, mỗi tương tác sẽ đều là số hóa. Để thành công, các tổ chức cần phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới, đồng thời xây dựng khả năng số của riêng mình. Việc chậm chân trong hành trình ứng dụng AI, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ đánh mất những lợi thế cạnh tranh chỉ dành riêng cho những tổ chức tiên phong ứng dụng.

Chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai chuyển đổi số, ông Phương Trầm nhấn mạnh, chuyển đổi số mang lại giá trị to lớn cho doanh nghiệp nhưng hành động có thể bắt nguồn từ sáng kiến chuyển đổi số nhỏ, có thể thực hiện và hoàn thành trong 3 đến 6 tháng, dựa trên đánh giá tổng thể các đơn vị, các chức năng của công ty, đứng từ đòi hỏi, yêu cầu của khách hàng và áp dụng những công nghệ nhanh nhất. Nếu nghĩ chuyển đổi số như một công cụ, doanh nghiệp có thể nghĩ lớn nhưng bắt đầu làm từ nhỏ như làm thế nào để ứng dụng công nghệ vào các hoạt động nghiệp vụ một cách hiệu quả nhất...

Theo các chuyên gia, chuyển đổi kỹ thuật số là một hành trình. Đây không phải là một đua chạy nước rút mà là một cuộc chạy bộ đường dài. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải liên tục đánh giá mức độ phát triển và ưu tiên các sáng kiến chủ chốt để thu hẹp khoảng cách. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần một chiến lược và lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số rõ ràng. Doanh nghiệp cần sử dụng chúng như một "kim chỉ nam" để đưa ra các quyết định đầu tư công nghệ chiến lược, những khoản đầu tư giúp họ giải quyết các thách thức chính và tận dụng các cơ hội tăng trưởng.

Đặc biệt, việc thay đổi có thể gặp nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đảm bảo sự đồng thuận từ các nhân viên và quản lý cấp cao. doanh nghiệp cần xác định các nhân tố kỹ thuật số hàng đầu trong doanh nghiệp và sớm đưa họ vào quy trình chuyển đổi. Họ nên tận dụng những nhân tố này làm chất xúc tác cho văn hóa thay đổi bằng cách khuyến khích hợp tác, chia sẻ các câu chuyện thành công và chấp nhận những rủi ro được tính toán trước.

Trước đòi hỏi cấp thiết của xu thế chuyển đổi số, nhiều nước đã tích cực nắm bắt làn sóng chuyển đổi sang kỹ thuật số, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhiều quốc gia ban bố kế hoạch chuyển đổi sang kinh tế số. Ở Việt Nam, dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến các cơ quan tổ chức và doanh nghiệp. Dự thảo nhấn mạnh tầm nhìn đến năm 2030 thực hiện chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số.

Theo Nhĩ Anh - Hồng Vinh

Vneconomy

Trở lên trên