Chuyển đổi số sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có văn hóa số
Sáng ngày 1/11, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện ra mắt sách, talkshow "Văn hóa số - Gỡ bỏ rào cản trong chuyển đổi số” do CTCP Sách Alpha phối hợp cùng tác giả Lê Quang Vũ, CEO Blue C tổ chức. Sự kiện do dịch giả Trần Hoàng Hà dẫn dắt, có sự tham gia của tác giả Lê Quang Vũ cùng nhiều nhà quản trị và lãnh đạo từ các tập đoàn lớn.
- 01-11-2024Nhiều cơ hội mới cho nhân sự trong kỷ nguyên công nghệ
- 01-11-2024Đằng sau tuyên bố gây sốt của Co-Founder, CEO MoMo: "MoMo không chỉ là ví điện tử mà còn là trợ thủ tài chính với AI"
- 15-05-2023Bộ Tiêu chí văn hóa số của người Quảng Ninh có gì đặc biệt?
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đánh dấu cột mốc quan trọng trong công tác chuyển đổi số tại Việt Nam.
Theo tọa đàm, chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện về nâng cấp công nghệ, đó còn là câu chuyện liên quan đến sự thay đổi toàn diện về cách sống, cách làm việc, sản xuất. Quá trình chuyển đổi số đã khiến cho khái niệm “văn hóa số” ra đời.
Văn hóa số có vai trò giúp cho doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trong kỷ nguyên số. Thuật ngữ này giúp các cá nhân trong doanh nghiệp có niềm tin mạnh mẽ, có tư duy, hành vi phù hợp trên hành trình chuyển đổi số. Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn nhân lực với tư duy đột phá, khơi thông nhiều ý tưởng mới, thích ứng tốt với mọi thay đổi bên trong và bên ngoài tổ chức.
Chia sẻ về quá trình chuyển đổi số, ông Dương Ngọc Dũng - Giám đốc Khối Marketing và Truyền thông Ngân hàng MSB cho biết, Covid-19 đã tạo ra cú hích khiến nội tại MSB hay các ngân hàng trong hệ thống phải thay đổi từ truyền thống sang số hóa. Trước đó, ngân hàng đã có sự đầu tư về nền tảng công nghệ, khiến quá trình chuyển đổi diễn ra nhanh chóng.
“Sau chuyển đổi hệ thống, chúng tôi phải thay đổi tư duy của mọi người, khiến mọi người dịch chuyển dần tư duy truyền thống chuyển sang sử dụng kênh số nhiều hơn”, ông Dương Ngọc Dũng cho biết.
Ông Lại Tiến Mạnh, CEO MiBrand cho rằng, chuyển đổi số hiểu một cách triệt để là thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm mới dựa trên sản phẩm số, dịch vụ số, thanh toán số và mô hình kinh doanh số.
Trong quá trình số hóa, các doanh nghiệp đang gặp phải vấn đề đến từ “sức ì” của hệ thống, của nhân viên, lãnh đạo tạo nên rào cản rất lớn. “Sự thiếu vắng về văn hóa số chính là nguyên nhân của sức ì đó. Nếu văn hóa số được lan tỏa rộng hơn từ ý thức, tư duy, nhận thức sẽ biến thành hành động một cách dễ dàng hơn. Lúc đó, văn hóa số sẽ được phát huy”, CEO MidBrand chia sẻ.
Với kinh nghiệm tư vấn của mình, ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C cho biết, các doanh nghiệp, hay chính các phòng ban khác nhau có tốc độ chuyển đổi số khác nhau. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất trong quá trình chuyển đổi số là liệu chúng ta có “dám làm” hay không, nếu không thì sẽ rất khó.
CEO Blue C đưa ra thông điệp, câu chuyện của chuyển đổi số cũng giống như câu chuyện của con người, khi tư duy “tự thay đổi” hay “dám thay đổi” là sự khởi đầu rất quan trọng, từ đó mới có thành quả.
Trước bối cảnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của AI và công nghệ số đang yêu cầu chúng ta phải thay đổi từ tư duy đến hành động để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, cuốn sách “Văn hóa số - Gỡ bỏ rào cản trong chuyển đổi số” đã ra đời.
Tác giả Lê Quang Vũ chia sẻ, mặc dù AI có thể thay đổi cách con người sống và làm việc, văn hóa số vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc định hình cách chúng ta sử dụng công nghệ. Ông khẳng định, văn hóa sẽ không bị triệt tiêu bởi AI nếu chúng ta biết cách biến công nghệ thành công cụ, thay vì để nó chi phối.
Tại “Văn hóa số - Gỡ bỏ rào cản trong chuyển đổi số”, tác giả nhấn mạnh, dù chiến lược có tốt đến đâu, nếu không có một nền tảng văn hóa phù hợp, những nỗ lực chuyển đổi số sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ý tưởng cuốn sách được tác giả hình thành trong quá trình tư vấn cho khách hàng, từ chính những câu hỏi rất đơn giản nhưng rất cốt lõi mà họ gặp phải về chuyển đổi số.
Cuốn sách đưa thông điệp tới người đọc thông qua 100 câu hỏi - đáp, với nội dung được thiết kế theo khung lý thuyết về văn hóa số và các nội dung liên quan từ các tổ chức uy tín trên thế giới (Diễn đàn kinh tế thế giới, TM Forum, Capgemini…) cũng như từ kinh nghiệm từ chính tác giả trong quá trình tư vấn.
Quan trọng hơn cả, cuốn sách mở ra những góc nhìn mới mẻ và thực tiễn, giúp các cá nhân và tổ chức có thể áp dụng ngay vào công việc hàng ngày, từ đó tối ưu hóa quy trình làm việc và khơi dậy tiềm năng sáng tạo. Cuốn sách cũng chính là nguồn cảm hứng cho những ai đang khao khát đổi mới và khẳng định bản thân trong thời đại số.
Đặc biệt, nhấn mạnh vào trải nghiệm khách hàng, cuốn sách sử dụng nhiều hình ảnh minh họa sinh động được trình bày xen kẽ nội dung chính, giúp thông điệp tác giả muốn truyền tải dễ dàng tiếp cận hơn tới người đọc.
Nhịp sống thị trường