Chuyện gì đây: Microsoft khủng hoảng vì phải cắt giảm hàng trăm nhân sự Trung Quốc, kế hoạch chiêu mộ 10.000 nhân tài đổ bể?
Microsoft đang đau đầu giải quyết bài toán nhân sự. Nguyên nhân do đâu?
- 22-07-2024Elon Musk châm chọc Microsoft về sự cố "màn hình xanh"
- 15-07-2024Satya Nadella - Người thay đổi vận mệnh Microsoft: Vốn hoá bất ngờ bật tăng 70% trong 2 năm, ‘quái thú’ hơn 3,3 nghìn tỷ USD nay đánh bại được Google
- 28-06-202420 năm sống sót diệu kỳ của Microsoft tại Trung Quốc: Hệ điều hành Windows chiếm hơn 80% thị phần, kiểm duyệt công cụ nghiêm ngặt hơn cả công ty nội địa
Alan, một kỹ sư trẻ của Microsoft, đang sống thoải mái ở Bắc Kinh. Khoản thu nhập cao gấp 6 lần mức trung bình trong thành phố giúp chàng trai có thể thoải mái ăn ngoài và gọi taxi bất cứ khi nào cần.
Thế nhưng, Microsoft hiện đang yêu cầu Alan bắt đầu một cuộc sống mới ở bên kia Thái Bình Dương. Trong hai tháng qua, anh và hàng trăm nhân viên Trung Quốc khác phải cân nhắc chuyển đến nơi làm việc đến những nước như Canada, Úc hoặc trụ sở chính của Microsoft tại Redmond, Washington. Alan nhận được lời mời đến Vancouver nhưng vẫn chưa thể quyết định.
“Vancouver có như thế nào thì cũng không thoải mái bằng Bắc Kinh”, anh ấy nói với Rest of World.
Vài tuần qua đã làm thay đổi cuộc sống của các kỹ sư và gia đình họ. Từ năm 1992, gã khổng lồ công nghệ Thung lũng Silicon đã mở văn phòng đầu tiên tại Trung Quốc, sau đó tuyển dụng khoảng 9.000 nhân sự tại quốc gia này — hầu hết làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.
Các kỹ sư tại Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong công cuộc thúc đẩy công nghệ AI, đồng thời hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các dịch vụ đám mây Azure. Nghiên cứu tiên tiến của họ, đặc biệt từ phòng thí nghiệm Microsoft Research Asia danh tiếng tại Bắc Kinh, nổi tiếng khắp thế giới.
Tuy nhiên, chính quyền ông Joe Biden đã chặn Trung Quốc tiếp cận chip phát triển công nghệ AI, đề xuất hạn chế đầu tư và đe dọa cấm các nền tảng do Trung Quốc sở hữu như TikTok. Sự hiện diện của Microsoft tại Trung Quốc cũng bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Tại phiên điều trần của Ủy ban An ninh Nội địa, chủ tịch Microsoft Brad Smith đã đảm bảo với các nhà lập pháp rằng Microsoft đang cắt giảm các nhóm kỹ sư của mình tại Trung Quốc. Gần đây nhất, công ty đã đề nghị luân chuyển 700 đến 800 nhân viên ra khỏi nước này.
Rest of World đã nói chuyện với 10 nhân viên và vợ của họ. Tất cả đều yêu cầu giấu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông. Họ cho biết đang cân nhắc mọi thứ, từ điều kiện giáo dục đến chính sách nhập cư.
Nhờ sự hỗ trợ của chính phủ về giáo dục khoa học và kỹ thuật, Trung Quốc đã đào tạo một lượng lớn nhân viên trong ngành công nghệ toàn cầu. Gần một nửa trong số 20% nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới đã hoàn thành chương trình đại học tại Trung Quốc, theo nhóm nghiên cứu MacroPolo.
Nhân tài Trung Quốc là một trong số những động lực thôi thúc các giám đốc điều hành Microsoft mở rộng tại quốc gia tỷ dân. Vào năm 2022, công ty có kế hoạch tăng số lượng nhân viên tại Trung Quốc lên hơn 10.000 người. Microsoft cũng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò xây dựng hợp tác Trung Quốc-Mỹ về AI và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị thời gian gần đây khiến công việc của các kỹ sư Trung Quốc trở nên bấp bênh. Bất chấp sự tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc và các quyền tự do bị hạn chế, đội ngũ nhân viên Trung Quốc thu nhập cao tại Microsoft vẫn hài lòng với cuộc sống ở quê nhà. Hầu hết đều không muốn chuyển tới nơi khác, song lại sợ rằng nếu từ chối sẽ bị đuổi việc.
Trụ sở chính tại Mỹ là điểm đến được săn đón nhiều nhất, trong khi Canada không được ưa chuộng lắm do mức lương thấp hơn đối với nhân viên công nghệ. Không rõ có bao nhiêu người chấp nhận lời mời đến Ireland.
“Điều này không hấp dẫn nhiều người Microsoft ở Trung Quốc”, một nhân viên tại Bắc Kinh nói với Rest of World sau khi từ chối lời đề nghị chuyển đến Vancouver. “Nếu bạn khấu trừ thuế, mọi nơi trừ Seattle có thể bị cắt giảm lương so với Bắc Kinh. Chất lượng cuộc sống sẽ thực sự bị ảnh hưởng”.
Theo Jean-Marc Blanchard, giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu Wong MNC Center có trụ sở tại California, những đóng góp nghiên cứu của các kỹ sư Trung Quốc rất có giá trị với công ty. Blanchard, người đã nghiên cứu hoạt động của Microsoft tại Trung Quốc, cho biết: “Bạn có những cá nhân có kiến thức khoa học và chuyên môn kỹ thuật riêng. Bạn cũng có thể kết nối với các nhà đầu tư mạo hiểm, công ty và cộng đồng nghiên cứu viên của trường đại học”.
Microsoft đang phải đối mặt với áp lực rất lớn từ chính phủ Mỹ và khách hàng nhằm giảm chuyển giao thông tin nội bộ sang Trung Quốc, theo Samm Sacks, thành viên cấp cao tại Trung tâm Paul Tsai China của Trường Luật Yale. Phía công ty khẳng định không có kế hoạch sa thải những người từ chối chuyển đi, song chẳng mấy ai an tâm.
Một nhân viên nói với Rest of World rằng nhân viên tại Trung Quốc đã bị loại khỏi các cuộc họp nhóm liên quan đến công nghệ được coi là nhạy cảm ở Mỹ. The New York Times cũng đưa tin rằng các nhà nghiên cứu của Microsoft tại Trung Quốc không được phép truy cập sớm vào chatbot tiên tiến GPT-4 của OpenAI.
Theo một số nhân viên, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tại Microsoft là một đặc quyền lớn. Nhân viên được phép làm việc tại nhà và tan làm lúc 5 giờ chiều — điều được cho là hoàn toàn tương phản với văn hóa 996 trong nước.
Những nhân viên đồng ý chuyển đi cho biết điều kiện lao động thuận lợi tại Microsoft và các nước phương Tây nói chung là hai yếu tố đáng cân nhắc.
“Chúng tôi khá phấn khích”, vợ của một kỹ sư ở Bắc Kinh chia sẻ với Rest of World . “Anh ấy không thích môi trường làm việc trong nước và tôi chỉ muốn xem bên ngoài có gì”.
Đối với phần còn lại, sự an toàn và thoải mái tại quê nhà quan trọng hơn. Hầu hết đều lo ngại sự bấp bênh của cuộc sống theo thị thực lao động cũng như sự nghiệp của vợ/chồng mình. Liệu con cái có thích nghi trở lại được với hệ thống giáo dục Trung Quốc sau thời gian ở nước ngoài hay không.
“Nếu chúng ta đưa con cái ra nước ngoài khi còn quá nhỏ, liệu chúng có còn gắn bó chặt chẽ với quê hương không?”, vợ của một kỹ sư nói với Rest of World . “Sẽ ra sao nếu chúng không nói được tiếng Trung Quốc?’’.
Trong nhiều tuần, Alan vô cùng đau khổ. Anh vừa muốn chuyển ra nước ngoài và trải nghiệm cuộc sống tự do, vừa lắng lo về chi phí sinh hoạt đắt đỏ nơi đất khách. Xây dựng mối quan hệ cũng có thể trở nên khó khăn hơn ở một quốc gia xa lạ.
Sau khi tham khảo một headhunter, Alan được biết anh sẽ không dễ dàng tìm được một công việc khác có mức lương cao hơn ở Vancouver. Cuối cùng, anh chàng chấp nhận quyết định luân chuyển.
Alan đã trải qua một cuộc kiểm tra sức khỏe bắt buộc để xin thị thực lao động, đặt dịch vụ chuyển chỗ ở và mời bạn bè đi ăn tối chia tay. Đó là tất cả những gì anh có thể làm trong bối cảnh Mỹ-Trung Quốc bất ổn.
“Chúng tôi không thể làm gì. Tuy nhiên, đây có thể mở ra một cơ hội mới”.
Theo: Rest of World
An Ninh Tiền Tệ