Chuyên gia đồng loạt nâng dự báo về giá đồng trong 12 tháng tới
Trên thị trường hàng hoá thế giới, đồng đang tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay, tiếp đà tăng mạnh từ năm 2016 sau 2 năm giảm mạnh trước đó.
Thị trường đồng đã liên tiếp tăng giá sau khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, bởi trong chiến dịch tranh cử, ông đã phác thảo các kế hoạch giảm thuế và tăng chi tiêu để thúc đẩy kinh tế. Kế hoạch đầu tư 500 tỷ USD cho hạ tầng cơ sở Mỹ đã khiến giá đồng đã tăng 12% trong vòng chỉ 3 tuần sau khi ông Trump đắc cử.
Giá đồng đã tăng 7% chỉ trong một phiên giao dịch 13/2/2017 lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm trong bối cảnh cuộc đình công ở mỏ đồng Escondida gây lo ngại nguồn cung sẽ trở nên khan hiếm trong khi triển vọng nhu cầu tăng cao.
Kết thúc phiên 13/2, giá đồng trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải vọt lên mức 50.300 Nhân dân tệ (7.306,79 USD)/tấn, cao nhất kể từ 17/5/2014. Tại Sàn giao dịch London (LME), giá đồng cũng đang ở mức cao nhất trong vòng 2 năm, 6.111 USD/tấn.
Hình 1: Diễn biến giá đồng trên thị trường thế giới từ năm 2012 tới nay
Escondida là mỏ đồng lớn nhất thế giới, nằm tại Chile, thuộc về hãng BHP Billiton. Mỏ này cung cấp 5% tổng sản lượng đồng toàn cầu năm 2016. Công nhân ở mỏ này đã đình công từ ngày 9/2 khi không đạt được thoả thuận với giới chủ về mức độ đãi ngộ. Sau đó, vào cuối tuần qua, hơn 300 người bịt mặt đã phá hoại tài sản ở mỏ này. Hoạt động sản xuất tại đây đang bị tạm dừng, gây lo ngại thiệt hại sản xuất 100.000 tấn đồng mỗi tháng.
Lo ngại về nguồn cung càng gia tăng khi hãng Freeport-McMoRan Inc cho biết lệnh cấm xuất khẩu từ mỏ đồng Grasberg của họ nằm ở Indonesia – mỏ đồng lớn thứ 2 thế giới – vẫn tiếp tục được áp dụng vì chưa đạt được thoả thuận với Chính phủ về giấy phép khai thác mới.
Những điều này đến đúng thời điểm các số liệu mới công bố về kinh tế Trung Quốc cho thấy triển vọng nhu cầu sẽ tăng, đặc biệt số liệu thương mại tháng 1 cao hơn dự kiến do nhu cầu tăng ở cả trong nước và quốc tế. Trung Quốc chiếm gần 50% tổng nhu cầu đồng toàn cầu.
Kể cả Goldman Sachs — đơn vị luôn có đánh giá bi quan nhất khi nhận định về thị trường đồng ngắn hạn – cũng đã thay đổi quan điểm và có cái nhìn tích cực hơn về mặt hàng này. Ngân hàng đầu tư này vừa công bố dự báo nhu cầu đồng tăng từ Trung Quốc sẽ khiến thị trường thế giới khan hiếm hơn so với những dự báo trước đây, sẽ tạo môi trường “thuận lợi” cho giá đồng ít nhất tới giữa năm 2017.
“Mặc dù có yếu tố đầu cơ, nhưng những yếu tố cơ bản gần đây rất tích cực và là lý do đằng sau việc các nhà đầu cơ tích cực mua vào, điều đó thể hiện môi trường tích cực của thị trường đồng, báo cáo phân tích công bố tháng 12 của Goldman viết.
Goldman Sachs dự báo giá đồng sẽ ở mức 6.200 USD/tấn trong 6 tháng tới, và nâng mức dự báo về giá trong những thời điểm 3, 6 và 12 tháng tới lên lần lượt 5.800 USD, 6.200 USD và 5.600 USD từ mức 5.000 USD, 4.800 USD và 4.800 USD dự báo trước đây.
Molly Shutt, nhà phân tích hàng hoá thuộc BMI Research, cũng lạc quan về triển vọng của thị trường đồng. Bà dự báo thị trường sẽ chuyển hướng sang thiếu hụt nhẹ vào năm 2019, hơi khác so với dự báo trước, do tăng trưởng nhu cầu cao hơn so với tăng trưởng sản lượng.
BMI attributes cho biết nguồn cung đang tăng chậm lại do Trung Quốc – nước tiêu thụ lớn nhất thế giới – cắt giảm sản xuất, và Chile – nước sản xuất lớn nhất thế giới. BMI cho rằng trong kịch bản xấu nhất liên quan tới kế hoạch chi tiêu cho hạ tầng cơ sở của ông Trump, triển vọng tăng trưởng nhu cầu kim loại đỏ của Mỹ sẽ vẫn có ít nhiều ảnh hưởng tới cán cân cung cầu đồng trên thế giới. Mỹ chiếm 7,7% tổng nhu cầu đồng toàn cầu trong năm 2016. BMI dự báo giá đồng năm 2017 sẽ trung bình 5.150 USD/tấn, cũng cao hơn mức 4.900 USD/tấn chính họ dự báo trước đây, nhờ nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc khiến thị trường chuyển hướng thiếu cung nhanh hơn dự báo.
Về triển vọng xa hơn, hầu hết các nhà phân tích đều lạc quan về giá đồng trong 12 tháng tới, và gần như tất cả đều cho rằng giá trung bình năm nay sẽ cao hơn năm ngoái.
Andrew Cole, nhà phân tích kim loại cơ bản thuộc Base Metals Forecaster mới đây cho biết rõ ràng các nhà đầu tư đang quay trở lại thị trường hàng hoá, và “đồng là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất. Đồng đã ở mức giá thấp hơn giá trị thực trong gần suốt năm 2016 do những số liệu không tích cực của Trung Quốc và nguồn cung gia tăng. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi, các nhà đầu tư đã nhận thấy thị trường xuất hiện nhiều yếu tố tích cực, hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn cho họ nếu đầu tư vào thị trường kim loại”.