Chuyên gia dự báo gì thị trường bất động sản thời gian tới?
"Nếu như thị trường đất nền phát triển quá nóng dẫn đến rất nhiều hệ luỵ, thứ nhất có thể xảy ra cơn sốt không đáng có. Thứ hai, rõ ràng khi đầu tư đất nền chỉ để kiếm lời lướt sóng không phục vụ sản xuất, không giúp phát triển thị trường lành mạnh".
- 09-05-2022Điểm những con số nói lên thực trạng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng
- 08-05-2022"Bão" giá, thiếu dự án, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu than doanh nghiệp chưa bao giờ gặp khó như hiện nay
- 08-05-2022Bất động sản phát triển nhanh bộc lộ nhiều kẽ hở, điển hình ở phân khúc nghỉ dưỡng
Nhiều hệ lụy từ đất nền phát triển "nóng"
Đây là nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tại buổi đối thoại chuyên đề Nhận diện chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Theo ông Hà, thị trường bất động sản Việt Nam đa dạng, tuy nhiên thời gian vừa qua, thị trường bất động sản phát triển thiên về đất nền nhiều hơn vì dễ làm. Tại nhiều địa phương, doanh nghiệp có ít tiền thôi nhưng cũng san đất, cắm mốc làm vài con đường rồi bán nền thu tiền, trong khi đó vốn của người mua cũng không cần nhiều, chỉ 1-2 tỷ có thể mua được một nền đất đầu tư.
"Nếu như thị trường đất nền phát triển quá nóng dẫn đến rất nhiều hệ luỵ, thứ nhất có thể xảy ra cơn sốt không đáng có. Thứ hai, rõ ràng khi đầu tư đất nền chỉ để kiếm lời lướt sóng không phục vụ sản xuất, không giúp phát triển thị trường lành mạnh.
Tôi thấy rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, chủ yếu là đất nền dễ làm, dễ đầu tư nhưng cũng có nguyên nhân nữa là buông lỏng quản lý trong việc phát triển dự án làm thị trường méo mó đi", Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.
Sốt đất do có sự "bắt tay" của môi giới
Tại báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng nêu, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản chưa đảm bảo việc quản lý tốt các giao dịch bất động sản, phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản.
Cùng đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt. Vẫn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường...
Đưa ra quan điểm về việc sốt đất, đấu giá đất có sự bắt tay của các môi giới, ông TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc Hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, giá đất tuân thủ theo quy luật thị trường, giá do cung - cầu quyết định, cung ít cầu nhiều chắc chắn sẽ tăng, còn cung nhiều cầu ít giá sẽ giảm đi.
“Những đợt sốt giá đất nền thời gian qua xảy ra tình trạng những người môi giới, nhóm tung tin, tổ chức nhóm giả mua, chen nhau mua tạo ra sự khan hiếm, nhất là trong bối cảnh quy mô cung thiếu”, ông Cường cho hay.
Theo ông Cường, giải pháp phân lô tách thửa chỉ là kỹ thuật. “Tôi cho rằng không nên coi phân lô tách thửa là nguyên nhân sâu xa đẩy tăng giá mà sâu xa là phải thúc đẩy sao cho tăng cung lên, các dự án mở ra nhiều hơn, đầu tư thúc đẩy nhanh hơn. Và thứ hai, chúng ta phải kiểm soát cầu do trong đó có đầu cơ, trong khi bất động sản cung là hữu hạn, đất đai là hữu hạn.
“Phần lớn trường hợp sốt đất vừa qua không phải mua về xây nhà mà đầu cơ, mua đi bán lại, chính cầu đầu cơ tạo ra tình trạng ảo về cầu, làm tăng cầu, gây tăng giá”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, để kiểm soát đầu cơ không liên quan đến Luật kinh doanh bất động sản mà ở Luật đất đai. Mua đất đai xong, không đầu tư găm đất để đấy chờ 1-2 tháng, 1-2 năm bán đi như vậy không mang lại sự phát triển bất động sản, phát triển xã hội mà chỉ chờ tăng giá để kiếm lời. Trong trường hợp đó Luật đất đai phải xử lý, điều tiết giá trị, chống đầu cơ. Chỉ khi nào làm được đồng bộ các yếu tố đó thì mới hạn chế được tình trạng tung tin đồn, sốt ảo.
Dự báo thị trường thời gian tới?
Về triển vọng thị trường bất động sản thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, nhu cầu về bất động sản ở Việt Nam vẫn rất cao. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam loanh quanh 40%, nhưng các nước phát triển 70%, thậm chí còn hơn, người dân sống ở đô thị chiếm 70-80% dân số. Việt Nam đến năm 2050 mà phát triển lên 60-70% thì ta có khoảng 60-70 chục triệu dân sống ở đô thị, nhu cầu nhà ở là rất lớn.
“Ta cũng có nhu cầu phát triển bất động sản công nghiệp - phân khúc được đánh giá là điểm sáng, phát triển mạnh ngay trong dịch Covid-19. Thị trường bất động sản du lịch thì vừa hết dịch nhưng đã "vỡ trận" do nhu cầu du lịch bùng nổ trở lại. Ngoài ra, chúng ta vẫn thiếu nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân.
Tôi nghĩ rằng thị trường bất động sản trong ngắn, trung và dài hạn đều có tương lai tốt để phát triển, dù còn khó khăn. Các khó khăn của doanh nghiệp đã được cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt, chúng ta công khai thông tin, nhiều hội thảo tọa đàm trao đổi để thị trường phát triển lành mạnh, chúng tôi tin tưởng rằng khó khăn của doanh nghiệp sẽ được cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh, đáp ứng được nhu cầu phát triển lành mạnh của thị trường", ông Hà nhấn mạnh.