MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia dự báo: “Thị trường ngắn hạn nhiều rủi ro, hiệu ứng margin call có thể đến trong những phiên tiếp theo”

Với phiên giảm điểm mạnh vừa diễn ra, nhiều khả năng đà giảm của thị trường sẽ chưa dừng lại, hiệu ứng margin call có thể diễn ra trong phiên tiếp theo khiến thị trường tiếp tục điều chỉnh.

Phiên giao dịch 5/2 khép ra không thực sự tích cực khi chỉ số VnIndex giảm 56,33 điểm (5,1%) xuống 1.048,71 điểm – mức giảm mạnh nhất kể từ sự kiện Biển Đông năm 2014. Hàng loạt cổ phiếu Bluechips như BVH, GAS, HAG, HSG, MSN, REE, VIC, MSN, VIC cũng như các cổ phiếu ngân hàng EIB, VCB, BID, CTG, STB…đồng loạt giảm sàn khiến tâm lý thị trường trở nên khá tiêu cực.

Với phiên giảm điểm này, vốn hóa TTCK Việt Nam cũng "bay hơi" hơn 8 tỷ USD và là con số mất mát lớn nhất từ trước tới nay.

Nhiều yếu tố hội tụ khiến thị trường giảm sâu

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân CTCK SSI cho rằng có nhiều yếu tố trực tiếp lẫn gián tiếp tác động tới thị trường trong phiên hôm nay.

Theo đó, yếu tố trực tiếp đầu tiên là trong phiên cuối tuần vừa rồi, TTCK Mỹ đã giảm mạnh, đây là yếu tố tác động mạnh nhất tới tâm lý nhà đầu tư. Về vấn đề định lượng, trong suốt thời gian từ cuối năm 2017 đến cuối tháng 1/2018, đà tăng của TTCK Việt Nam được hỗ trợ không nhỏ từ dòng tiền các quỹ ETFs, trong đó có VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF). Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần trước, V.N.M ETF đã bị discount rất lớn, điều này dẫn tới lo ngại quỹ này sẽ bị rút bớt chứng chỉ quỹ, từ đó ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.

Chuyên gia dự báo: “Thị trường ngắn hạn nhiều rủi ro, hiệu ứng margin call có thể đến trong những phiên tiếp theo”  - Ảnh 1.

Thu hút vốn của V.N.M ETF đang chững lại những phiên gần đây

Yếu tố thứ 2 tác động tới thị trường là nhóm dầu khí. Hơn 1 tuần qua, dầu khí là nhóm giảm mạnh nhất (tiêu biểu PVS, PVD…), tác động tiêu cực tới TTCK nhất. Trong giai đoạn trước đây, giá dầu tăng là yếu tố hỗ trợ cho nhóm dầu khí đi lên, tuy nhiên vài phiên gần đây giá dầu đã quay đầu giảm trong bối cảnh cầu thế giới suy yếu, tồn kho tăng lên, giá dầu Brent xuống dưới mốc 69 USD. Điều này không chỉ tác động tới cổ phiếu dầu khí mà còn tác động lên toàn thị trường chung.

Yếu tố thứ 3 đến từ việc siết margin tại các CTCK. Theo quy định của UBCK, từ 1/3 tới đây, tỷ lệ cho vay margin tối đa sẽ chỉ ở mức 40%, thay vì 50% như hiện nay. Trong tuần giao dịch trước, một số CTCK đã có văn bản chủ động giảm tỷ lệ margin xuống trước, điều này tác động cả về định lượng lẫn định tính tới tâm lý giới đầu tư.

Bên cạnh đó, về yếu tố dòng tiền trong 2 tuần qua đã yếu đi rất nhiều so với giai đoạn trước đó và thị trường cũng có sự phân hóa lớn. Trong quý khứ, mỗi khi thị trường có độ nhạy cảm và phân hóa lớn như hiện nay thì thông thường sẽ có cú điều chỉnh ngay sau đó.

Theo ông Minh, phiên giao dịch 5/2 có quá nhiều yếu tố cộng hưởng, dẫn tới việc giảm mạnh của thị trường.

Chuyên gia dự báo: “Thị trường ngắn hạn nhiều rủi ro, hiệu ứng margin call có thể đến trong những phiên tiếp theo”  - Ảnh 2.

VnIndex điều chỉnh mạnh nhất kể từ sự kiên Biển Đông năm 2014

Chung quan điểm, ông Bùi Nguyên Khoa – trưởng nhóm vĩ mô và thị trường CTCK BSC cho rằng việc TTCK thế giới điều chỉnh mạnh đã tác động không nhỏ tới tâm ký nhà đầu tư trong nước. Ngoài ra, thanh khoản trong tuần giao dịch trước đó đã đi xuống rõ rệt, cũng như việc margin thị trường đang ở mức cao, và các CTCK đang dần "siết margin" theo quy định của UBCK cũng tác động không tích cực tới thị trường.

Ông Khoa cho biết hàng loạt các yếu tố kể trên cộng hưởng trong phiên giao dịch hôm nay đã khiến thị trường điều chỉnh mạnh.

Ngắn hạn nhiều rủi ro, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh qua tết nguyên đán?

Theo ông Khoa, trong ngắn hạn nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng bởi thị trường có thể điều chỉnh thêm nữa. Trong quá trình điều chỉnh, những nhịp hồi là có thể diễn ra, nhưng yếu tố cần quan tâm là thanh khoản. Nếu thị trường hồi phục với thanh khoản thấp như phiên thứ 6 tuần trước (2/2) thì nhiều khả năng vẫn sẽ là bulltrap.

Chuyên gia BSC cho biết chỉ khi những lượng cổ phiếu đã tích lũy ở mức giá cao được giải phóng bớt thì cơ hội thị trường mới thực sự rõ ràng hơn.

Hiện tại, các yếu tố ngắn hạn của thị trường chưa được cân đối. KQKD năm 2017 đã được công bố, thị trường không có nhiều thông tin hỗ trợ và có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh về một mức hấp dẫn hơn để thu hút dòng tiền mới tham gia. Trong ngắn hạn, về mặt kỹ thuật, nhiều khả năng VnIndex sẽ tiếp tục điều chỉnh về vùng 1.000 – 1.020 điểm và có thể sẽ phục hồi từ vùng đó.

Mặc dù lo ngại trong ngắn hạn, tuy nhiên ông Khoa cho rằng trong quý 1, nếu TTCK Thế giới không có biến động quá xấu thì VnIndex hoàn toàn có cơ hội chinh phục vùng đỉnh cũ năm 2007 (khoảng 1.170 điểm).

Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, từ nay đến tết chỉ còn 1 tuần giao dịch. Tuy nhiên, tuần sau (giáp tết) thì thanh khoản thị trường có thể sẽ kém đi nhiều bởi tâm lý nghỉ tết. Với phiên giảm điểm mạnh vừa diễn ra, nhiều khả năng đà giảm của thị trường sẽ chưa dừng lại, hiệu ứng call margin có thể diễn ra trong phiên tiếp theo khiến thị trường tiếp tục điều chỉnh về vùng 1.030 điểm.

"Dù vậy, nhiều khả năng về cuối tuần tâm lý nhà đầu tư sẽ ổn định trở lại và VnIndex sẽ tích lũy trong vùng 1.030 – 1.035 điểm từ nay đến tết nguyên đán", ông Minh nhận định.

Cũng theo chuyên gia SSI, nhà đầu tư đã quá quen với việc thị trường tăng liên tục trong 2 năm qua nên việc điêu chỉnh sâu như phiên 5/2 khiến không ít người cảm thấy "sốc". Tuy nhiên, phiên điều chỉnh hôm nay là một điều bình thường trong xu hướng tăng trưởng của thị trường và nhiều khả năng VnIndex vẫn sẽ quay lại đỉnh lịch sử năm 2007 ngay trong quý 1.

"Mặc dù ngắn hạn nhiều rủi ro, nhưng triển vọng trung hạn vẫn rất lạc quan. Điều quan trọng nhất là chiến lược của mỗi nhà đầu tư", ông Minh cho biết.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên