Chuyên gia HSC: Tín hiệu tốt từ việc tăng trích lập dự phòng, dự báo VIB sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại thời gian tới
HSC cho rằng, trong thời gian tới, với xu hướng giảm lãi suất, VIB sẽ có sự phục hồi về tăng trưởng tín dụng và cải thiện chất lượng tài sản. NIM của ngân hàng được dự báo duy trì tích cực ở mức 4,9% nhờ chiến lược bán lẻ và kiểm soát tốt rủi ro.
- 10-07-2023Tỷ giá bật tăng, chuyên gia lo ngại VND mất giá trong nửa cuối năm 2023
- 10-07-2023Ngân hàng Nhà nước chính thức nới room tín dụng cho các ngân hàng
- 10-07-2023Một ngân hàng “ế” hơn nửa lượng trái phiếu chào bán dù lãi suất năm đầu lên tới gần 10%
Công ty chứng khoán HSC vừa có báo cáo phân tích về Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) với dự báo ngân hàng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới.
“Theo quan điểm của chúng tôi, VIB đã và đang vững vàng trước những thách thức vĩ mô, tốt hơn cả mong đợi, nhờ rủi ro thấp và tỷ lệ an toàn vốn duy trì ở mức cao”, HSC cho biết. Tỷ lệ an toàn vốn CAR của VIB cuối năm 2022 đạt 12,6%, dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện lên 13,4% vào năm 2024 và 14% vào năm 2025.
“Chúng tôi đánh giá cao VIB vì chiến lược tập trung bán lẻ của ngân hàng này, với danh mục cho vay đa dạng và mức độ rủi ro tương đối thấp”, HSC cho biết trong báo cáo. Động lực tăng trưởng của nhà băng bị ảnh hưởng trong 6 tháng đầu năm 2023 do bối cảnh chung là môi trường lãi suất cao dẫn đến nhu cầu tín dụng sụt giảm. Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng toàn ngành cũng suy yếu, chỉ đạt hơn 3% trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, với xu hướng giảm lãi suất, VIB sẽ có sự phục hồi về tăng trưởng tín dụng và cải thiện chất lượng tài sản. HSC dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 của VIB sẽ đạt mức 14%, năm 2024 đạt 15% và năm 2025 duy trì tăng trưởng 16%.
Theo đánh giá của nhóm phân tích, VIB tăng trưởng tín dụng khá thận trọng trong năm nay, song song với đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro để nâng cao chất lượng tài sản. Điều này đến từ việc danh mục của ngân hàng tiếp cận rộng rãi tới các tầng lớp trung lưu, vốn nhạy cảm với sự biến động của nền kinh tế và lãi suất. Dự báo chi phí dự phòng năm 2023 của VIB có thể tăng 71,5% lên 2.200 tỷ đồng, sau đó sẽ giảm dần về mức 2.000 tỷ trong năm 2024. Động thái tăng mạnh trích lập dự phòng của VIB được coi là một tín hiệu tốt khi ngân hàng đặt mục tiêu đảm bảo chất lượng tài sản và động lực tăng trưởng thu nhập cho tương lai. HSC cũng dự báo tỷ lệ nợ xấu của VIB sẽ giảm dần trong thời gian tới.
Về tỷ lệ thu nhập lãi thuần (Net Interest Margin – NIM), dự báo NIM của VIB sẽ không thay đổi trong giai đoạn 2023-2025 do ngân hàng tiếp tục chiến lược bán lẻ và kiểm soát tốt rủi ro. Lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng thấp hơn sẽ giúp bình thường hóa chi phí vốn của VIB từ nửa cuối năm 2023. Trong trung hạn, NIM của VIB sẽ duy trì quanh mức 4,9%. VIB là ngân hàng lấy bán lẻ làm trung tâm, ít đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Chi phí huy động tăng lên không ảnh hưởng quá nhiều tới NIM của VIB.
Dữ liệu của HSC cho thấy mức độ tập trung bán lẻ của VIB, với gần 88% dư nợ cho vay cuối năm 2022 là dành cho khách hàng hộ gia đình và cá nhân, trong đó chủ yếu là cho vay mua nhà (50%), cho vay mua ô tô,…
Nhìn chung mặc dù nhiều diễn biến không thuận lợi trong nửa đầu năm 2023, HSC chỉ có một số thay đổi nhỏ về dự báo thu nhập ròng giai đoạn 2023-2025 của VIB. Tăng trưởng lợi nhuận bình quân (CAGR) trong 3 năm tới của ngân hàng cũng được kỳ vọng sẽ duy trì mức 18,3%. Sự phục hồi của nền kinh tế sẽ giúp ngân hàng mở rộng danh mục cho vay và cải thiện tăng trưởng thu nhập cốt lõi. Với xu hướng lãi suất giảm, VIB có thể tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, và quan trọng hơn là cải thiện chất lượng cho vay.
Trong khi đó, đánh giá về toàn ngành ngân hàng, tại Hội thảo "Triển vọng ngành Ngân hàng năm 2023: Thách thức & Cơ hội” do Chứng khoán HSC tổ chức ngày 5/7, bà Phạm Liên Hà, Giám đốc Nghiên cứu ngành dịch vụ tài chính của Chứng khoán HSC cho rằng cơ hội lớn nhất đối với ngành ngân hàng trong nửa cuối năm là lãi suất. Việc lãi suất huy động giảm sẽ tác động giảm chi phí vốn của ngân hàng. Xu hướng giảm lãi suất tiếp diễn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong nửa cuối năm cũng như 2024.
Trong 14 ngân hàng HSC theo dõi, NIM ước tính cho năm 2023 của toàn ngành dự kiến giảm khoảng 20 đến 30 điểm cơ bản. Tuy nhiên, sẽ có sự thay đổi trái chiều giữa các ngân hàng. Về lợi nhuận, ước tính lợi nhuận trung bình 14 ngân hàng sẽ tăng khoảng 12 - 15% trong năm 2023.
Nhịp sống thị trường
- Các ngân hàng có hơn 91 nghìn tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn
- Những ngân hàng nào có tiền gửi ngoại tệ nhiều nhất?
- Vì sao lãi suất giảm nhưng tiền vẫn ồ ạt đổ vào hệ thống ngân hàng?
- Ngân hàng nào dẫn đầu về hiệu suất sinh lời trên vốn chủ?
- Toàn cảnh ngành ngân hàng quý II: NIM mỏng hơn, nợ xấu tăng mạnh tại nhóm tư nhân